Doanh nghiệp trồng rừng ở Đắc Lắc: Xí đất hơn đầu tư

Trong những năm qua, Đắc Lắc đã cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuê đất trồng rừng. Tuy nhiên, việc trồng rừng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt vì nhiều doanh nghiệp chỉ thuê đất chiếm chỗ, còn rừng chưa trồng được bao nhiêu và nhiều diện tích đang bị xâm canh, phá hoại.
Doanh nghiệp trồng rừng ở Đắc Lắc: Xí đất hơn đầu tư

Trong những năm qua, Đắc Lắc đã cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuê đất trồng rừng. Tuy nhiên, việc trồng rừng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt vì nhiều doanh nghiệp chỉ thuê đất chiếm chỗ, còn rừng chưa trồng được bao nhiêu và nhiều diện tích đang bị xâm canh, phá hoại.

  • Tiền hậu bất nhất

Năm 2005, Công ty CP Nghiệp Lâm thuê 900,4ha đất ở 3 xã Hòa Lễ, Khuê Ngọc Điền, Cư Kty (huyện Krông Bông) để liên kết trồng rừng nguyên liệu với người dân. Theo hợp đồng liên kết, công ty đầu tư giống, công chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng… cho người dân với số tiền 11,8 triệu/chu kỳ khai thác 7 năm. Khi thu hoạch, sản phẩm được chia theo tỷ lệ: người dân 60%, doanh nghiệp 40%.

Người dân huyện Krông Bông phải bỏ tiền túi trồng rừng vì 3 năm qua không được Công ty CP Nghiệp Lâm hỗ trợ.
Người dân huyện Krông Bông phải bỏ tiền túi trồng rừng vì 3 năm qua không được Công ty CP Nghiệp Lâm hỗ trợ.

Nhưng sau 2 năm liên kết, công ty chỉ trồng được hơn 200ha và từ đó biệt tăm, ngừng hẳn việc đầu tư như đã cam kết. Đến năm 2010, vẫn không thấy công ty có động tĩnh gì, nên một số hộ dân sốt ruột đã khai thác bán cho tư thương để lấy tiền đầu tư và cải tạo lại đất trồng cây ngắn ngày. Tại hai xã Hòa Lễ và Cư Kty, phần lớn diện tích rừng được người dân khai thác bán cho tư thương với giá rẻ. Lúc này, công ty mới lật đật làm tờ trình gửi các ban ngành trong tỉnh xin phép được khai thác.

Theo tính toán của các hộ dân, việc liên kết trồng rừng với công ty đã làm họ thiệt hại lớn. Bình quân, mỗi hécta đất trồng cây ngắn ngày cũng thu về được cả chục triệu đồng/năm. Trong khi đó, sau 5 năm liên kết trồng với công ty, họ phải bỏ hàng chục triệu đồng thuê nhân công chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy… Ông Lê Văn Ngung (ở thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền) có 1ha rừng trồng liên kết. Khi nhận giống về trồng, ông được công ty hỗ trợ 2 triệu đồng cùng lời hứa vài tháng sau sẽ hỗ trợ thêm. “Vậy mà mãi từ đó đến nay không thấy có đồng nào, tôi phải bỏ tiền túi ra đầu tư và thuê người chăm sóc, bảo vệ”, ông Ngung bức xúc.

Còn anh Võ Viết Sâm (ở thôn 4 xã Hòa Lễ) thở dài ngao ngán: “Những tưởng 3ha rừng nhận trồng liên kết với Công ty Nghiệp Lâm sẽ là cơ hội để chúng tôi xóa đói giảm nghèo, nhưng công ty chỉ đầu tư giống và trả tiền công chăm sóc trong năm đầu, sau đó biệt tăm biệt tích. Theo hợp đồng, mỗi chu kỳ khai thác công ty sẽ đầu tư 11,8 triệu đồng/ha, nhưng chúng tôi chỉ mới nhận được 1 triệu đồng rồi tự chăm sóc rừng cho đến tận bây giờ. Khi 3ha keo lai đã đủ tuổi, chúng tôi muốn khai thác, bán để trang trải số nợ phải vay mượn đầu tư chăm sóc trong 5 năm qua cũng không được, vì đây không phải là tài sản của riêng mình”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Anh Đào (Phó Giám đốc Công ty CP Nghiệp Lâm) giải thích: “Việc người dân tự động khai thác rừng chưa đủ chu kỳ như trong hợp đồng đã gây thiệt hại lớn cho công ty. Việc chúng tôi không thanh toán tiền công chăm sóc cho người dân như thỏa thuận là vì công ty thiếu vốn, chứ công ty không bỏ dự án. Công ty vẫn thường xuyên liên lạc với chính quyền địa phương chứ không mất tích”. Bà Đào cho biết thêm: Hiện nay, công ty đã làm việc với chính quyền địa phương và người dân để khai thác và đầu tư trồng mới. Theo đó, công ty chỉ thu hồi vốn đầu tư, số còn lại để dân hưởng.

Theo ông Nguyễn Tấn Thịnh (Chủ tịch UBND huyện Krông Bông), để xảy ra tình trạng người dân bán tống bán tháo rừng trồng một phần do công ty không thực hiện việc chi trả tiền công chăm sóc cho người dân đúng như hợp đồng. Vì thế, trước mắt công ty phải họp bàn với dân về phương án khai thác và trả dứt điểm tiền công cho họ chứ không nên đổ lỗi cho dân.

  • Cẩn trọng với các dự án trồng rừng

UBND tỉnh Đắc Lắc cho biết, hiện có 43 doanh nghiệp được tỉnh cho chủ trương tiến hành khảo sát để thực hiện các dự án về quản lý, bảo vệ; trồng, cải tạo rừng với tổng diện tích gần 38.000ha. Đến nay, có 25 dự án được Sở NN-PTNT thẩm định với tổng diện tích 24.500ha, trong đó 14 dự án đã có quyết định thuê đất. Nhưng tại các vùng quy hoạch phát triển cao su và cải tạo phát triển rừng, tình trạng xâm hại rừng như khai thác gỗ trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác... vẫn diễn ra nghiêm trọng với diện tích bị phá lên tới 906ha.

Bên cạnh đó, không ít dự án không triển khai đúng tiến độ buộc tỉnh phải thu hồi như: thu hồi 700/900ha của Công ty CP Nghiệp Lâm tại huyện Krông Bông; thu hồi toàn bộ diện tích đất đối với các dự án của Công ty cổ phần Polyme Hồng Kông tại huyện Krông Năng; tạm đình chỉ 2 doanh nghiệp đã có quyết định thuê đất là Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên và Công ty TNHH Hoàng Nguyễn để kiểm tra, đánh giá lại tính hiệu quả của dự án.

Sau những sự cố trên, UBND tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo các ban, ngành cẩn trọng hơn đối với việc thẩm định các dự án, nhất là năng lực tài chính nhằm ngăn ngừa và kịp thời xử lý các trường hợp lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước để tư lợi

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục