Độc đáo bảo tàng thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Ngày 9-5 tại TP Huế đã diễn ra hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”. Tồn tại gần 1,5 thế kỷ (1802 - 1945), triều Nguyễn để lại trên đất Huế một khối lượng di sản kiến trúc cung đình khổng lồ bao gồm: hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc độc đáo cả về giá trị lịch sử lẫn văn hóa.
Độc đáo bảo tàng thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Ngày 9-5 tại TP Huế đã diễn ra hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”. Tồn tại gần 1,5 thế kỷ (1802 - 1945), triều Nguyễn để lại trên đất Huế một khối lượng di sản kiến trúc cung đình khổng lồ bao gồm: hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc độc đáo cả về giá trị lịch sử lẫn văn hóa.

Bên cạnh đó, hệ thống di tích cố đô Huế còn đang lưu giữ hàng ngàn đơn vị văn thơ chữ Hán, chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam. Qua thống kê, trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô hộc, câu đối, bài thơ đắp ngõa sành sứ.

Thơ văn chữ Hán bằng chất liệu pháp lam trên nóc điện Thái Hòa (Đại nội Huế).

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có giá trị độc đáo và không thể thay thế. Đó là dạng văn tự chữ Hán - một loại ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong các nước đồng văn (các nước trong khối văn hóa Nho giáo) suốt hàng ngàn năm nên có tính quốc tế, tính phổ biến rất cao.

Hơn nữa, cách sử dụng thơ văn như một hình thức trang trí cho một công trình kiến trúc, kể cả kiểu “nhất thi, nhất họa” (một bài thơ, một họa tiết) trên kiến trúc gỗ hay thi họa xen lẫn trên công trình kiến trúc hiện đại ở giai đoạn sau là phong cách hiếm gặp và gần như đã đi vào điển chế của triều Nguyễn. Phong cách ấy đã tạo một dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật trang trí Việt Nam.

Đặc biệt, so với mộc bản triều Nguyễn đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới - là những tài liệu ván khắc âm bản dùng để in sách thì thơ văn chạm khắc trên các cấu kiện gỗ kiến trúc thời Nguyễn là ván khắc dương bản, một tác phẩm chạm khắc hoàn chỉnh rất có giá trị, nhất là tính độc bản của nó.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khẳng định thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở quần thể di tích cố đô Huế. Trong lịch sử xây dựng và tu sửa các công trình từ triều Nguyễn đến nay chưa hề có tư liệu nào đề cập đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới các văn tự trên di tích. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo còn cho rằng, dù hệ thống thơ văn chữ Hán đang được bảo quản rất tốt cùng các công trình kiến trúc cung đình Huế chứa đựng loại hình di sản này, song mỗi ô thơ là một cổ vật nằm trên các công trình kiến trúc nên không thể áp dụng những phương pháp hiện đại như kho chuyên dụng để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị quản lý) cần sớm đề nghị UNESCO công nhận di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế vào danh mục Di sản ký ức nhân loại. Qua đó, dễ dàng tiếp thu những công nghệ bảo quản hiện đại nhằm lưu trữ một kho tàng vô giá của nhân loại.

TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng, với những giá trị vốn có của di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thì cần bám sát các tiêu chí của UNESCO để hoàn thiện và trình hồ sơ để di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế sớm được vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO như một di sản nằm trong Di sản văn hóa thế giới là quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục