LTS: Trong những ngày qua, nhiều bạn đọc là các chuyên gia, nhà khoa học, lão thành cách mạng… đã gửi đến Báo SGGP các bài viết, ý kiến thể hiện sự đồng tình với loạt bài của báo trao đổi cùng ông Lê Hiếu Đằng và nói rõ quan điểm của mình về những luận điểm lệch lạc của ông trong bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”. Báo SGGP xin trích đăng 2 ý kiến của các bạn đọc trên để khép lại loạt bài này.
LÊ VĂN HOÀNG, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM: Phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam
Những ngày gần đây có nhiều anh em hỏi tôi, ông Lê Hiếu Đằng đề xướng, kêu gọi, vận động thành lập đảng mới để đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi thật sự bất ngờ. Tôi nghe anh ấy bệnh, có báo tin cơ quan UBMTTQ TPHCM để thăm anh và được biết lãnh đạo MTTQ TP đã thăm anh rồi.
Tôi chuyển công tác về cơ quan UBMTTQ TPHCM năm 1998 và cộng tác làm việc với anh Lê Hiếu Đằng hơn 10 năm. Qua thời gian làm việc, tôi thấy anh là người có tâm huyết với việc anh thấy cần nói, cần làm theo ý kiến độc lập để được việc chung, nhưng có việc, có lúc thiếu tính thuyết phục tập thể và thường đánh giá người khác không mạnh dạn phản biện chủ trương của Đảng và Nhà nước… Trong làm việc, tôi cho đó cũng là điều bình thường.
Nhưng tôi bất ngờ! Anh Lê Hiếu Đằng tự xưng là một đảng viên cộng sản lâu năm, lại khởi xướng kêu gọi thành lập một đảng mới, đối lập Đảng Cộng sản Việt Nam được đưa lên trang mạng BBC và trả lời phỏng vấn. Đây là sự biểu hiện tính cá nhân chủ nghĩa, đi quá xa nguyên tắc của tổ chức Đảng.
Tôi không phân tích vị trí, vai trò lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam, điều ấy anh đã hiểu và nhiều người đã phân tích trong những ngày qua. Tôi tin rằng anh đã đọc. Nhân đây, tôi nhắc lại anh, năm 1999 hoặc 2000 (không nhớ rõ) có những vấn đề anh phát biểu chưa đồng tình cách giải quyết của lãnh đạo TPHCM, anh Trương Tấn Sang, lúc ấy là Bí thư Thành ủy, mời anh đến để nghe anh trình bày, trao đổi những vấn đề anh chưa đồng tình và mời anh lúc nào cần gặp, anh báo Văn phòng Thành ủy sẽ xếp lịch tiếp. Để chứng minh lời những người cho rằng các đảng viên cộng sản kỳ cựu như ông Lê Hiếu Đằng đã hết sức “kiên nhẫn” nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tỏ ra “độc đoán, độc tài, chuyên chế”. Đảng đối với anh như thế sao nay anh lại phủ nhận một cách chủ quan, gây hiểu lầm cho những người trí thức khác.
Tôi xin trích một đoạn bài viết của chị Cao Thị Quế Hương, ở Lâm Đồng, nói về anh: “Từng là đồng chí, đồng đội, lại là chỗ bạn bè thân thiết, nhưng tôi không đồng ý với anh, bởi bài viết thiếu khách quan và thiếu tính xây dựng”. Chị khẳng định: “Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta mới giành được độc lập, người dân mới được tự do. Sau ngày giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây, chúng ta được chứng kiến những thành tựu to lớn về kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước; bộ mặt nông thôn, đời sống của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số có những bước tiến vượt bậc so với trước đây” và “Vì vậy, đến bây giờ tôi và các đồng chí, đồng đội vẫn tin sự lựa chọn của mình là đúng và không bao giờ hối hận về điều đó”. Tôi biết, những vấn đề anh đặt ra như tự do, dân chủ… đã có nhiều ý kiến phân tích, xây dựng sâu sắc, anh cần đọc, nghiên cứu, soi rọi lại và anh cứ yên tâm để sớm hồi phục sức khỏe.
Còn anh cho rằng, bây giờ Nhà nước Việt Nam đã bị tha hóa; vai trò của nhân sĩ trí thức Việt Nam do “thụ động và thủ tiêu đấu tranh nên tình hình mới tồi tệ như hiện nay và Đảng Cộng sản muốn làm gì thì làm” là nhận định phiến diện và thiếu khách quan. Nếu như nhận định của anh thì làm sao có quan hệ quốc tế rộng mở như ngày nay, làm sao có Tuyên bố chung, được đăng trên trang web Nhà Trắng, giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch nước ta Trương Tấn Sang “Quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ để đem lại khuôn khổ tổng thể cho việc thúc đẩy quan hệ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”…
Là anh em, cùng làm công tác MTTQ, luôn kêu gọi và phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mong anh nghĩ lại và làm đúng vậy.
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Cần nhận thức đúng vai trò của Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội trong lịch sử cách mạng Việt Nam
Với sự phát triển mạnh mẽ của cao trào giải phóng dân tộc, để mở rộng thành phần của Mặt trận Việt Minh, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, với sự giúp đỡ trực tiếp của Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 30-6-1944, Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập nhằm tập hợp những người trí thức yêu nước. Đảng Dân chủ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng Dân chủ đã đóng góp vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có sự tham gia của Đảng Dân chủ Việt Nam.
Để tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến, cứu quốc, theo sáng kiến của Đảng Cộng sản cầm quyền và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1946 thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) - một tổ chức mặt trận mới cùng hoạt động với Mặt trận Việt Minh và ngày 22-7-1946 thành lập Đảng Xã hội Việt Nam tập hợp những thương gia, kỹ nghệ gia, cả những viên chức của chế độ cũ và những trí thức.
Cần nhấn mạnh rằng, trước lúc thành lập và suốt quá trình hoạt động, Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam là những tổ chức yêu nước chân chính, thành viên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam được Đảng Cộng sản giúp đỡ thành lập và tạo mọi điều kiện để hoạt động vì mục tiêu cách mạng của dân tộc. Các đảng đó đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm 1945 - 1946 có sự hoạt động chống phá của một số đảng đối lập (Việt Quốc, Việt Cách), Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội chưa bao giờ là lực lượng đối lập, trái lại luôn là đồng chí chân thành của Đảng Cộng sản cầm quyền, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản và Mặt trận Dân tộc thống nhất (Việt Minh, Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đề ra. Cả Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam đều phấn đấu theo đuổi mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong suốt hơn 40 năm hoạt động của Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam, chưa bao giờ Đảng Cộng sản cầm quyền và các đảng đó xuất hiện ở Việt Nam có chế độ đa đảng. Chưa bao giờ, Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam hoạt động với tư cách một đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Tên các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội Việt Nam như Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển đã được đặt tên phố ở thủ đô Hà Nội.
Nhắc lại điều đó cốt để góp phần giúp mọi người nhận thức rõ ràng và đúng đắn vai trò của Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam trong lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đó là sự thật lịch sử rất rõ ràng, không thể phủ nhận. Mọi sự hiểu chưa đúng thì cần nhận thức lại cho đúng. Nếu cố tình hiểu sai hoặc xuyên tạc lịch sử là thể hiện ý đồ xấu về chính trị, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cổ vũ cho chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập, gây mất ổn định chính trị và đưa đất nước đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới nay, hệ thống chính trị ở Việt Nam bao gồm: Đảng Cộng sản cầm quyền, Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước ta hiện nay và vừa là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên và là người lãnh đạo Mặt trận. Từ trước tới nay, Đảng đã sáng lập và liên tục lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận chưa bao giờ và càng không thể là tổ chức đối trọng với Đảng. Đảng tôn trọng tính dân chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có những chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội. Làm tốt những nhiệm vụ đó là góp phần tích cực đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VII khóa XI (tháng 5-2013).
Đất nước đang đổi mới, ổn định, phát triển và hội nhập quốc tế thành công. Mọi mưu đồ phá hoại con đường phát triển đó là có tội với lịch sử, chống lại lợi ích của nhân dân, đất nước và dân tộc.
- Thông tin liên quan:
>> Những hành vi độc hại của một khuynh hướng tư tưởng sai lầm
>> Thư gửi anh Lê Hiếu Đằng - “Đằng ấy… đằng mình”!!!