Đổi mới giáo dục: Khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo

Bậc tiểu học 1 buổi/ngày được học thêm, dạy thêm
Đổi mới giáo dục: Khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo

Chiều 11-12, hơn 200 đại biểu đến từ 17 tỉnh, thành phía Nam đã tham dự Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý cho trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện”. Hàng loạt băn khoăn về đổi mới phương pháp dạy và học, thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá đã được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định và Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn “gỡ khó” cho các địa phương.

Học sinh cần được tăng cường giảng dạy, thực hành các môn kỹ năng sống. Ảnh: Mai Hải

Bậc tiểu học 1 buổi/ngày được học thêm, dạy thêm

Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều nhất tại hội thảo là quy định cấm dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ý kiến, tại khoản 2, điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 16-5-2012 quy định “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”. Quy định này đồng nghĩa với việc cấm hoàn toàn mọi hoạt động dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học. Tuy nhiên mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại có chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, trong đó nêu rõ đối với các trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, giáo viên được quyền giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày. Như vậy, có hay không việc giáo viên dạy các lớp 1 buổi/ngày được tham gia dạy thêm, học thêm?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận đây là “sai sót trong diễn đạt thông tư”. Theo đó, tinh thần chung của cả hai văn bản đều hướng đến việc cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được tổ chức học 2 buổi/ngày. “Thiết kế của chương trình tiểu học chỉ học 1 buổi/ngày, do đó đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày, không có lý do gì phải tổ chức dạy thêm, học thêm. Riêng đối với các lớp chỉ học 1 buổi/ngày, việc dạy thêm, học thêm sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của học sinh”, Thứ trưởng cho biết. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, điều chỉnh nội dung Thông tư 17 cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Riêng đối với yêu cầu giáo viên phải thực hiện sổ kiểm tra, đánh giá theo quy định của Thông tư 30 về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, Thứ trưởng khẳng định: “Bộ GD-ĐT không bắt buộc tất cả giáo viên phải thực hiện sổ này. Các giáo viên nếu có hình thức nào sáng tạo khác có thể áp dụng ngay, chỉ cần đáp ứng yêu cầu theo dõi được quá trình tiến bộ của học sinh”.

Đẩy mạnh dạy học tích hợp, liên môn

 

* Trước câu hỏi của nhiều đại biểu về sự bất hợp lý của các tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trường học tiên tiến, hiện đại, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết một số yêu cầu về mặt “con số” đã lạc hậu. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ có điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.

 

Bày tỏ lo lắng về yêu cầu đẩy mạnh tích hợp liên môn hiện nay, ông Huỳnh Hữu Thoại, Trưởng phòng Giáo dục TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Giáo viên hiện nay phải tích hợp quá nhiều nội dung, chủ đề trong một môn học. Trong đó, nhiều nội dung chỉ thực hiện cho có, nếu không có sự tổng hợp lại sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi”. Đáp lại băn khoăn đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn khẳng định chương trình liên môn, tích hợp hiện nay không hề khó về nội dung. Lý do khiến giáo viên chưa thực hiện tốt là do thiếu hướng dẫn phương pháp phù hợp. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn chung cho các địa phương. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ chủ động thực hiện trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhìn nhận, thiết kế chương trình SGK hiện nay đang bó chân sự sáng tạo của giáo viên. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện theo hướng giao quyền chủ động nhiều hơn cho nhà trường. Trên cơ sở đó, giáo viên có thể lồng ghép dạy học tích hợp, liên môn vào những vấn đề thực tế, gần gũi trong cuộc sống như dạy học sinh cách sử dụng toilet, xả nước xà phòng sau khi giặt đồ… Một trong những hạn chế của chương trình giáo dục hiện nay là dạy các môn kỹ năng sống, đạo đức quá nặng về lý thuyết, hỏi gì học sinh cũng biết nhưng ra đời không áp dụng được. Do đó “ngoài các yêu cầu về kiểm tra kiến thức, kỹ năng, sắp tới phương pháp kiểm tra, đánh giá sẽ thay đổi theo hướng chú ý nhiều hơn phẩm chất, năng lực của người học. Trong đó kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá cuối kỳ, đánh giá không nhằm xếp hạng, phân loại học sinh mà nhằm đánh giá cả quá trình dạy học, khuyến khích sự tiến bộ của người học”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ ª

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục