Đổi mới sách giáo khoa coi chừng lại mắc lỗi

Dự kiến chương trình thay bộ sách giáo khoa mới sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu biên soạn và áp dụng vào năm học 2018-2019. Nhiều tỷ đồng ngân sách sẽ rót vào để chi cho việc thay đổi căn bản toàn diện nền giáo dục, bắt đầu từ bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, với thực trạng sách giáo khoa đầy lỗi như hiện nay (từ tiểu học đến THPT đều mắc lỗi), nếu làm không khéo, không chỉn chu, tâm huyết thì công sức, tiền bạc… có khi lại đem đổ sông đổ biển.
Đổi mới sách giáo khoa coi chừng lại mắc lỗi

Dự kiến chương trình thay bộ sách giáo khoa mới sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu biên soạn và áp dụng vào năm học 2018-2019. Nhiều tỷ đồng ngân sách sẽ rót vào để chi cho việc thay đổi căn bản toàn diện nền giáo dục, bắt đầu từ bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, với thực trạng sách giáo khoa đầy lỗi như hiện nay (từ tiểu học đến THPT đều mắc lỗi), nếu làm không khéo, không chỉn chu, tâm huyết thì công sức, tiền bạc… có khi lại đem đổ sông đổ biển.

Sách giáo khoa đầy lỗi!

Bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 hiện hành, được Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn nhiều năm trước và được áp dụng giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh cả nước. Tuy nhiên, quá dễ dàng để bắt gặp những lỗi sai khác nhau khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Chẳng hạn, sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 trong trang 163, hai câu trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân bị biến tấu thành “Quê hương là con diều biếc/ Chiều chiều con thả trên đồng”. Chị Trần Thị Hậu, quận Tân Bình, TPHCM, ban đầu khi nghe cậu con trai ê a tập đọc, chị tưởng con đọc sai và bắt con chỉnh sửa. Tuy nhiên, sau khi cậu con trai vẫn khăng khăng bảo đọc đúng, chị mở sách ra mới tá hỏa khi từ “tuổi thơ” được thay thế bằng “chiều chiều” rất lạ lẫm. “Tôi không hiểu là lỗi hay cố ý của người biên soạn sách, trong khi bài thơ đã vốn rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam nay lại bị đổi như thế”, chị Hậu bức xúc.

Trong cùng một đoạn văn, thế nhưng Sáo Sậu được viết hoa, châu chấu, cào cào thì không

Không chỉ vậy, cũng trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1, từ bài 1 đến bài 27 không viết hoa chữ cái đầu câu và tên riêng vì trẻ chưa học chưa phân biệt được chữ thường, chữ hoa. Từ bài 28 trở đi, học sinh bắt đầu học và áp dụng chữ viết hoa, thế nhưng ở bài 43 trang 89, trong cùng một đoạn văn, chữ viết hoa và viết thường được dùng lộn xộn. Trong một câu văn mà “Sáo Sậu” viết hoa còn “châu chấu, cào cào” lại không được viết hoa khiến nhiều học sinh bối rối. Tương tự, ở trang 87, “Cừu” được viết hoa nhưng “hươu, nai” lại viết thường trong cùng một đoạn văn.

Trong sách Lịch sử lớp 6 bài 18 trang 50, địa danh Quỷ Môn Quan được sách mở ngoặc chú thích là địa danh ở Tiên Yên - Quảng Ninh. Thế nhưng chính xác địa danh này thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Địa danh này từ trước giờ vẫn không thay đổi và không có sự phân chia lại ranh giới hành chính, và những người soạn sách đang cố tình dạy cho học sinh địa giới hành chính bị sai?

Tiếp đến, ở sách Vật lý lớp 12, chương trình nâng cao trang 234 viết: “Hiện tượng giảm điện trở suất, tức là tăng độ dẫn điện của bán dẫn, khi có ánh sáng thích hợp chiếu vào gọi là hiện tượng quang dẫn”. Thế nhưng, theo giảng viên Chu Văn Biên, phụ trách Bộ môn Vật lý Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), thì định nghĩa đó bị mắc lỗi về kiến thức. Ông Biên phân tích: “Thử hỏi nếu chiếu chùm tia hồng ngoại thích hợp vào chất bán dẫn thì điện trở của chất bán dẫn có thay đổi không? Nên chăng thay cụm từ “ánh sáng thích hợp” thành “bức xạ điện từ thích hợp” sẽ không gây tranh cãi trong định nghĩa này”. Thiết nghĩ, ý kiến của ông Chu Văn Biên cũng như nhiều ý kiến khác về nội dung chưa hợp lý trong bộ sách giáo khoa các cấp lớp cần được những người biên soạn lưu tâm, cải cách sao cho khoa học, đúng đắn.

Lạc hậu và không cập nhật

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển từng chia sẻ: “Không có một bộ sách giáo khoa nào hoàn hảo, trên thế giới và cả ở Việt Nam cũng thế. Sách viết tốt rồi thì sau một thời gian cũng phải chỉnh sửa, bổ sung cập nhật kiến thức mới, nếu quan điểm viết ra một bộ sách giáo khoa mà sử dụng cả đời thì không thể nào phát triển được”. Điều đó đúng, hàng năm sách giáo khoa ở nước ta đều có sự thay đổi, không ít thì nhiều, mỗi chỗ một ít thay đổi để “phù hợp tình hình mới”, thế nhưng lỗi ngô nghê về kiến thức vẫn còn khá nhiều, số liệu đã lạc hậu vẫn chưa được chỉnh sửa. Có thể dẫn ra đây, bài 7 của sách tiếng Anh lớp 11 chương trình cơ bản, trong bài học về dân số thế giới, dự đoán dân số thế giới đến năm 2015 sẽ là 7 tỷ người thế nhưng đến nay, cuối năm 2014 con số ấy đã hơn 7,2 tỷ người, theo báo cáo của Liên hiệp quốc vào Ngày Dân số Thế giới 11-7-2014.

Địa danh Quỷ Môn Quan trong sách Lịch sử lớp 6 chú thích là ở Tiên Yên - Quảng Ninh, nhưng thực ra thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

Hay trong sách Ngữ văn lớp 11 tập 1 trang 197, trong phần tiểu dẫn về trích đoạn Tình yêu và thù hận có đoạn: “Uy-li-am Sếch-xpia (1564-1616) là nhà thơ, nhà viết kịch thiên tài của nước Anh và của nhân loại thời Phục hưng, ông sinh tại thị trấn Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn thuộc miền Tây Nam nước Anh”. Thị trấn mà sách giáo khoa phiên âm “Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn” là... Stratford-upon-Avon, khiến học sinh rất khó đọc, khó hình dung là vùng đất nào. Chưa hết, trong sách Lịch sử lớp 12, tên tổng thống thứ 41 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (từ 1989-1993) là George Herbert Walker Bush được phiên âm thành G.Busơ, chính cách phiên âm khác xa tên đúng của nhân vật đã gây khó khăn cho học sinh và cả giáo viên, chưa nói phiên âm là G.Busơ còn gây nhầm lẫn với George Walker Bush, là con ông và là tổng thống thứ 43 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (từ 2001-2009). Theo thầy Sơn Ngọc Tranh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Q.Gò Vấp, TPHCM), hiện nay tiếng Anh đã khá thông dụng, tại sao chúng ta không để nguyên tên tiếng Anh cho học sinh dễ đọc mà lại phiên âm ra tiếng Việt, hơn nữa sẽ gây khó khăn cho học sinh khi cần tra cứu.

Đồng quan điểm đó, cô Huỳnh Thị Tâm, giáo viên tiếng Anh Trường Quốc tế Á Châu, cho biết: “Sách giáo khoa nếu không cập nhật, thay đổi sẽ khiến người học cũng như người dạy… bị lạc. Tuy nhiên, về phía Bộ cần có những nghiên cứu, hướng dẫn để giáo viên dễ dàng hơn trong việc dạy học. Ví dụ, chương trình quá nặng Bộ cần hướng dẫn lược bỏ bớt, theo chương trình tôi dạy ở lớp 11 cơ bản môn tiếng Anh, trong phân phối chương trình có hướng dẫn lược bỏ bài 5, thế nhưng khi qua bài 6, phần ngữ pháp lại dính đến bài 5, vì thế tôi phải quay lại giảng ngữ pháp bài 5. Những điều như vậy khiến giáo viên rất vất vả”.

Mục đích bài viết này không nhằm “vạch lá tìm sâu” mà muốn góp ý phần nào để những bộ sách giáo khoa mới được biên soạn kỹ càng và khoa học. Thiết nghĩ, trong lộ trình thay đổi, việc cải cách một chương trình học, biên soạn một bộ sách mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá những ưu khuyết điểm của bộ sách giáo khoa cũ để biên soạn bộ sách mới tốt hơn. Những nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa ngoài việc vững chuyên môn, cần đặt mình vào vai trò người dạy, người học để sâu sát hơn, tránh những sai sót không đáng có như hiện nay.

HOÀNG TUẤN

>> Tiếng Việt trong sách giáo khoa và sách giáo khoa tiếng Việt

Tin cùng chuyên mục