Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn cùng các chính sách, biện pháp phù hợp để phòng chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch bệnh. Đây là định hướng vừa sát hợp với diễn biến thực tế vừa là sự nắm bắt, hiểu biết khả năng tồn tại của virus bệnh truyền nhiễm và tính thích nghi của con người, tìm cách “sống chung” trong sự an toàn nhất có thể..
TPHCM, nơi dịch bệnh bùng phát dữ dội trong hơn 4 tháng qua, đã từng bước đưa số ca tử vong, ca bệnh nặng về mức giảm sâu, kiểm soát dịch bệnh trên 20 quận huyện và TP Thủ Đức, bước đầu chính thức mở cửa từng phần, tăng tốc phục hồi kinh tế, thích ứng dần với trạng thái xã hội “bình thường mới”.
Tất nhiên, thành phố không hề chủ quan khi nhiệm vụ hàng đầu vẫn là bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân trên 3 trụ cột: năng lực của hệ thống y tế từ trung tâm xuống cơ sở, độ phủ vaccine và chính sách an sinh. Để khi đã tạo được “miễn dịch cộng đồng” cho toàn bộ người dân, với sự đáp ứng hữu hiệu của thuốc đặc trị Covid-19, con virus quái ác này buộc phải “thúc thủ” như một virus cúm mùa thì trạng thái “sống chung” mới thật sự an toàn.
Phân tích từ sự thay đổi tư duy của cả nước, TPHCM luôn đặt mình trong sự tồn tại, phát triển chung với các địa phương lân cận cũng như nhận thấy và nhận lấy trách nhiệm về sự an toàn của khu vực phía Nam, xét cả về kết nối giao thông, nguồn nhân lực lao động và khả năng hỗ trợ, tiếp sức bộ máy phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, sản xuất.
Trong tình hình hiện nay, đó là một nhiệm vụ đầy thách thức khi còn phụ thuộc ít nhiều vào năng lực phòng chống dịch của từng địa phương, nhưng rõ ràng, phải chung sức để vượt qua những biểu hiện “bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất” như lưu ý của Tổng Bí thư tại Hội nghị vừa qua.
Người đứng đầu Trung ương Đảng cũng yêu cầu cụ thể việc sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu Covid-19”, các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đây là một tầm nhìn vừa dài hạn vừa có tính chiều sâu để trong khó khăn, thử thách, kể cả tiềm ẩn nhiều rủi ro, chúng ta có thể chấp nhận tăng mức bội chi ngân sách để cứu lấy nền kinh tế vốn đã chịu nhiều tổn thương trong đại dịch. Một mặt củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nới lỏng các chính sách để kích cầu cho nền kinh tế, tạo sức bật cho các doanh nghiệp, người dân; cải thiện mạnh mẽ thể chế và môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn xác, đầy đủ, có tính kết nối sâu rộng để phục vụ cho hoạt động y tế, kiểm soát, điều hành hoạt động kinh tế, xã hội - an sinh trên nền tảng dữ liệu định danh quốc gia.
Ở giai đoạn đầu phục hồi này, tính từ đây đến cuối tháng 12-2021, TPHCM cần tập trung đánh giá “sức khỏe” của các thành phần kinh tế, ban hành các chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Tập trung vào một số ngành mũi nhọn như dịch vụ, công nghiệp tương ứng với nhu cầu của thành phố…
Với sự thiếu hụt nguồn cung lao động, nhất là giai đoạn quý 4, TPHCM sẽ đánh giá toàn diện “mặt bằng” lao động, từ mất việc, thất nghiệp, mức độ sẵn có hay khan hiếm lao động, lao động nhập cư; đánh giá cấu trúc lao động việc làm hiện nay của thành phố và đưa ra dự báo nguồn cung trung hạn trong 3-5 năm tới. Từ đó, sẽ xây dựng chính sách thu hút lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố, tiếp nhận lao động nhập cư trở lại thành phố.
Cùng với đó là việc tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để thực thi chính sách an sinh liên tục, có chất lượng. Đây vừa là bổn phận vừa là một “chỉ số” mang tính mục tiêu lâu dài khi thành phố cam kết “sống chung” là phải an toàn sức khỏe, đầy đủ an sinh, tạo sinh khí mới cho giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới.