
Vụ tai nạn sập sàn bê tông tại khu Phú Mỹ Hưng làm thiệt mạng 2 nữ công nhân và 12 nữ công nhân khác bị thương đã gây xúc động cho nhiều người. Thực tế, bóng dáng của phụ nữ xuất hiện ngày càng nhiều ở các công trình xây dựng. Có 1.001 lý do để những phụ nữ chân yếu tay mềm phải làm những công việc cơ bắp.
Nhiều người, một cảnh

Mặt trời sắp đứng bóng, dưới cái nóng còn hầm hập, tôi đến một ngôi nhà đang xây ở quận 4. Công trình này đang trong giai đoạn đổ sàn bê tông. Hơn chục người thợ đang tất bật với các công việc, trong số ấy có gần phân nửa là phụ nữ.
Người lớn tuổi nhất, chị Hạnh (quê Bắc Giang) nay cũng đã trên 50 tuổi, đang làm phụ hồ tại đây. Trước đây, chị Hạnh cùng chồng đi mua ve chai nhưng gần đây công việc này không còn kiếm ra tiền như trước nên chị cùng chồng phải đi làm phụ hồ. “Đã 2 cái tết rồi không về quê thăm con cái, năm nay định về thì lại thế này”, gịong chị Hạnh chùng xuống não nề.
Hoàn cảnh của chị Tuyết (Vĩnh Long) cũng chẳng hơn chẳng kém. Cả 2 vợ chồng cùng làm chung một công trình. Anh Nguyễn Văn Sành (chồng chị Tuyết) trước là thợ chính của công trình này nhưng vừa mới bị tai nạn do sập giàn giáo. Chị buồn bã: “Làm cả năm nay vợ chồng cũng để dành gần chục triệu đồng nhưng tai nạn xảy ra, ảnh nằm viện cũng ngốn hết ngần ấy số tiền. Bây giờ mình tôi phải gánh vác đủ mọi chuyện”.
Còn chị Trần Ngọc Tốt (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) hiện làm phụ hồ cho công trình xây khu phố Sunrise City (quận 7) cho biết: “Tôi làm nghề này gần 20 năm, ổng thì đạp xích lô. Với thu nhập bữa có bữa không của chồng, nên tôi phải lo tiền bạc cho cả gia đình”.
Tai nạn luôn rình rập

Cuối tháng 11-2008, chồng chị Trần Ngọc Bích (huyện Bình Chánh) lại nằm trong nhóm công nhân bị công ty cơ khí sa thải. Khoản thu nhập chính của gia đình gần 2,5 triệu đồng/ tháng của gia đình mất đi lại nhằm ngay trong thời điểm mẹ chồng đau ốm. Không còn cách nào khác, chị Bích đành phải tất tả đạp xe đến các công trình để tìm chân phụ hồ. Khi chúng tôi tìm gặp chị, chị đang uốn thép để đổ trụ bê tông.
Tại công trình xây dựng nhà ở Chánh Hưng (quận 8), lực lượng lao động phụ nữ chiếm khoảng 1/3, họ đến từ các tỉnh miền Bắc. Anh Đặng Thanh Bảo, giám sát công trình cho hay: “Mấy chị em ở đây siêng lắm, ai cũng có hoàn cảnh riêng. Tuy là phụ nữ nhưng nhiều chị đã được chúng tôi đưa lên làm thợ chính để tăng thu nhập”.
Chị Dung (Quảng Bình) hiện hưởng mức lương khá cao (90.000đ/ ngày) tâm sự: “Ban đầu tôi đến đây làm ngày công chỉ 50.000đ, sau đó giám sát thấy tôi xây được, không sợ leo giàn giáo cao nên đã nâng lương cho tôi”. Lan, quê ở Quảng Bình chìa bàn tay sưng phồng, nói như than: “Làm lâu rồi nhưng vẫn bị thế này đấy”.
Nhìn dáng người khô đét, đen sạm, nhưng có hơn bốn năm kinh nghiệm làm nghề phụ hồ, ít ai biết được Lan chỉ mới 23 tuổi. Lan cho biết: “Nghề phụ hồ như tụi tui hầu như ai cũng mắc chung chứng bệnh đau lưng. Đặc biệt, không ít người mới vào nghề chưa quen, làm việc quá nặng bị cụp xương sống phải nghỉ hẳn. Đó là chưa nói những lúc tụi tôi phải leo trèo cao, tai nạn luôn rình rập” .
Trần Đặng (SGGP 12G)