Đổi thay ở vùng đất cuối dãy Trường Sơn

Huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) từng là thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ, với nhiều di tích lịch sử đặc biệt còn lưu giữ được, như: Kho xăng dầu Lộc Quang, sân bay quân sự Lộc Ninh nơi trao trả tù binh sau hiệp định Pari 1973, Khu căn cứ cách mạng Tà Thiết.

Hiện nay vùng đất Lộc Ninh đã và đang thay da đổi thịt với đường sá khang trang, những công trình trường học, nhà cao tầng thi nhau mọc lên cùng với đó là sự xuất hiện của những  tỷ phú vùng biên....

Đổi thay ở vùng đất cuối dãy Trường Sơn ảnh 1 Một góc thị trấn Lộc Ninh hôm nay. Ảnh: VĂN PHONG
 Dấu ấn một vùng đất 

Chúng tôi về lại Lộc Ninh vào những ngày đầu tháng 4 sau 47 năm mảnh đất này được giải phóng (1972- 2019). Bộ mặt thị trấn đã khang trang hơn rất nhiều với con đường nhựa phẳng phiu chạy qua thị trấn và kéo dài đến tận cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thông với nước bạn Campuchia. Cả thị trấn được bao bọc bởi màu xanh bạt ngàn của những vườn cây công nghiệp như tiêu, cao su, điều.

Tính đến hết năm 2018, toàn huyện có 57 trang trại và 15.100 hộ chăn nuôi các loại với tổng đàn trên 628.000 con cùng 18 hợp tác xã, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 32,7 tỷ đồng, điện lưới quốc gia cũng phủ sóng 96% số hộ dân với 100% các thôn, làng. Trong năm qua, huyện đã quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với tổng vốn 113,17 tỷ đồng và đang tập trung mạnh mẽ nguồn lực dành nguồn lực cho dự án mở rộng QL 13 giai đoạn 2. Nếu năm 2011 toàn huyện có 3.000 hộ nghèo, chiếm 10,64% số thì nay số hộ nghèo trên địa bàn hiện chỉ còn chiếm 5,57%.   

Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, người dân Lộc Ninh có niềm vui mới khi khu Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết đã được khánh thành với tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa là 91 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 50 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 195 tỷ đồng với nhiều hạng mục như nhà tưởng niệm, Nhà đón tiếp, Nhà truyền thống, Đài tưởng niệm, Cổng vào khu di tích, Hồ cảnh quan, Cổng chào Ngã ba Đồng Tâm, Hàng rào bao quanh khu di tích....

Trong ngày khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đã không giấu được vẻ xúc động khi trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước đã rất nỗ lực thực hiện dự án này như là một nghĩa cử “Uống nước nhớ nguồn” để tôn tạo, giữ lại cho thế hệ hôm nay và con cháu mai sau một di tích lịch sử quan trọng và qua đó hy vọng đây sẽ là bước đột phá lớn trong thu hút đầu tư, đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh nhà. 

Vươn lên từ hồ tiêu 

Huyện Lộc Ninh có 4.743ha tiêu, được xem là “thủ phủ” tiêu của tỉnh Bình Phuớc (chiếm 27,6% diện tích toàn tỉnh). Vài năm gần đây hồ tiêu thường nhiễm bệnh và chết cùng với giá cả xuống thấp nên huyện Lộc Ninh đang tổ chức rà soát lại diện tích trồng cây hồ tiêu, nhất là diện tích tiêu chết để khuyến cáo người dần chuyển sang cây trồng khác; mặt khác tổ chức bình tuyển các giống hồ tiêu có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh từ đó làm cơ sở đề ra các giải pháp cho ngành hồ tiêu phát triển bền vững... 

Chúng tôi đến thăm vườn tiêu của ông Nguyễn Bá Thịnh - người trồng tiêu xuất sắc nhất thế giới (do Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế trao tặng). Ông kể, năm 1996 cả gia đình từ Thanh Hóa vào xã Lộc An mua 1ha đất trồng tiêu nhưng sau đó tiêu mất giá, người dân trong vùng đồng loạt phá tiêu trồng cao su nhưng gia đình vẫn kiên trì và mở rộng diện tích trồng tiêu diện tích 3,5ha trồng 6.500 trụ hồ tiêu, trong đó có 4.000 trụ đang cho thu hoạch với sản lượng 10 tấn tiêu khô/năm, với giá khoảng 200.000 đồng/kg, gia đình ông có khoản thu 2 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Thịnh trăn trở, hồ tiêu là loại cây “đỏng đảnh”, chi phí đầu tư cao, thường nhạy cảm với dịch bệnh nên dễ lây lan và chết nhanh. Việc phát triển trồng hồ tiêu ở Lộc Ninh cũng như nhiều vùng trồng tiêu khác còn tự phát, chưa có quy hoạch từ khâu sản xuất giống, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch. Việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học còn hạn chế, nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân nên năng suất hồ tiêu chưa đồng đều và ổn định. Do đó, ông đã hăng hái tham gia dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững Công ty Nedspice hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hồ tiêu và gia tăng giá trị sản phẩm cho các hộ dân trong vùng. 

Những ngôi nhà cấp 4 xập xệ ngày nào giờ đây là những ngôi nhà khang trang bạc tỷ và đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều những bác sĩ, giáo viên người Khmer. Cuộc sống của bà con dân tộc ngày càng ấm no, đường sá không còn lầy lội, con em được đến trường thuận tiện và đồng bào dần thông thạo các kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu, điều, cà phê, cao su…

Quanh khu vực căn cứ Tà Thiết xưa hiện có nhiều người trở thành chủ trang trại như hộ anh Lâm Đốc, ông Lâm Hồng Bum với thu nhập hàng tỷ đồng/năm nhờ khai thác hiệu quả thế mạnh cây công nghiệp, chăn nuôi; ông Phạm Minh Chánh (xã Lộc Hòa) mỗi năm thu vài tỷ từ 8ha tiêu của gia đình; ông Đào Quang Thuận (xã Lộc Hòa, nguyên là chiến sĩ đặc công ở chiến trường Lộc Ninh) là thương bệnh binh nặng mỗi năm thu ngót tỷ đồng từ hồ tiêu...

Anh Mai Cun (người Khmer, xã Lộc Khánh) tâm sự: Đa số những hộ có mảnh vườn thì từ đủ ăn đến giàu chứ không còn ai đói nữa, chỉ sợ không chịu làm thôi. Còn nếu không có đất thì ở đây cũng có rất nhiều việc để làm. Nếu không nương rẫy chí ít cũng thu nhập 5 triệu/tháng từ công việc trên các nông trường cao su, nghèo đói đã lùi vào dĩ vãng. 

Tạm biệt Lộc Ninh khi nắng chiều đang dần tắt, chúng tôi vẫn còn giữ nguyên cảm xúc của một bản nhạc rộn rã về một cuộc sống đang đi lên ở vùng đất cuối dãy Trường Sơn… 

Tin cùng chuyên mục