Năm 1997, kênh Tuần Thống - T5 (còn được nhân dân gọi thân thương là kênh “Ông Kiệt”) nối liền các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất (Kiên Giang) và huyện Tri Tôn (An Giang) được khơi thông. Đây là công trình thực hiện từ tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo trực tiếp khi đó của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sự xuất hiện của công trình đã biến vùng đất Tứ giác Long Xuyên đầy phèn chua trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú. Ghi nhớ công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tháng 11-2014, HĐND tỉnh Kiên Giang đã quyết định đổi tên kênh Tuần Thống - T5 thành kênh Võ Văn Kiệt - kênh “Ông Kiệt”.
Khơi thông dòng chảy
Nhiều năm sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó luôn trăn trở đối với việc phát triển khu vực ĐBSCL, đặc biệt là vùng Tứ giác Long Xuyên - nơi bị lũ lụt hàng năm. Từ những trăn trở đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng với lãnh đạo hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát và đi đến quyết định xây dựng hệ thống kênh thoát lũ và kiểm soát lũ ra biển Tây. Trong đó, có hệ thống kênh T4, T5, T6 được thực hiện từ năm 1997 - 1999.
Những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, có dịp về thăm lại kênh Võ Văn Kiệt, chúng tôi được nghe những câu chuyện về sự đổi thay nơi vùng đất nghèo khó ngày nào.
Kênh “Ông Kiệt” giúp người dân Tứ giác Long Xuyên tăng vụ sản xuất từ 1 vụ lên 2-3 vụ/năm
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu năm mới, chiếc xuồng máy đưa chúng tôi lướt nhẹ trên dòng kênh “Ông Kiệt”. Ở những nơi chúng tôi đi qua, đâu đâu cũng thấy sự đổi thay và ấm no sung túc. Nào là tiếng máy cày, máy xới rền vang, tiếng cười nói của bà con làm cho không khí càng thêm sôi nổi. Ghé vào ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (con kênh nằm giáp hai huyện Kiên Lương và Hòn Đất), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay nơi đây. Từ một vùng đất phèn nặng, chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm, nhưng nhờ hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, nay toàn bộ diện tích trồng lúa trong ấp đều sản xuất được 2-3 vụ/năm. Nhờ đó, đời sống vật chất người dân vươn lên khá giả. Ông Lê Văn Tiễn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang, chỉ tay về cống ngăn mặn T5 giáp biển Tây, nói: “Ngày trước toàn bộ vùng này hoang hóa, nhiễm phèn mặn, sản xuất không hiệu quả. Từ khi có kênh Võ Văn Kiệt dẫn nước ngọt tháo chua, rửa phèn cho vùng Tứ giác Long Xuyên, tạo điều kiện cho bà con phát triển, cuộc sống người dân khá lên rõ rệt”.
|
Lúc trước khu vực các xã Bình Giang, Bình Sơn (huyện Hòn Đất); Kiên Bình (huyện Kiên Lương); Vĩnh Phú (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) dân cư thưa thớt, đất đai nhiều vô kể, nhưng người dân đành phải đi nơi khác làm ăn. Ông Huỳnh Long Hải, nguyên Giám đốc Nông trường 422, xã Bình Giang, nhớ lại: “20 năm trước, nơi đây hoang vu phèn mặn, phần lớn người dân không nghĩ rằng mảnh đất này có thể sinh sống được. Mùa nước thì ngập lênh láng, còn mùa khô dậy phèn dữ dội. Có nhiều người đến đây nhận đất được vài năm rồi bỏ đi biệt xứ không thèm quay lại, vì trồng lúa năm nào cũng thất mùa”.
Hít một hơi thuốc lá, ông Hải kể tiếp: “Năm 1997, từ 3ha đất hoang hóa ban đầu, nhờ có vốn, tôi đã cải tạo, hạ phèn và ngay vụ lúa đông xuân đầu tiên đã thu hoạch 4 tấn/ha. Làm ăn ngày một thuận lợi, đến năm 2011, tôi đã có trên 10ha đất lúa. Từ canh tác 1 vụ lên 2 vụ, rồi bây giờ đã là 3 vụ/năm, năng suất lúa ban đầu từ 4 tấn/ha tăng lên 7 - 8 tấn/ha/vụ. Được như vậy là nhờ kênh Võ Văn Kiệt mang lại”. Còn bà Đinh Thị Bích Thủy, quê ở An Giang, về ấp Ranh Hạt, xã Bình Giang lập nghiệp, kể: “Hồi trước ở đây đất đai rộng lắm nhưng không ai muốn canh tác, bởi trồng cây gì cũng lỗ. Bản thân tôi từng bán 5.000m2 đất, với giá chỉ 300.000 đồng/1.000m2 cho người khác, nhưng chỉ một năm sau thì người mua năn nỉ trả lại đất, do không làm gì được. Thế rồi trên mảnh đất khô cằn ấy, tôi bắt đầu trồng đủ loại cây như mía, khoai mì, lúa… nhưng những năm đầu đều thất bại. Có lúc tôi nản chí nên định bỏ đi vì nơi này khó sống quá. Tuy nhiên, năm 1997, khi kênh “Ông Kiệt” ra đời đã giúp gia đình tôi trụ vững, nhờ canh tác tăng vụ và trúng mùa. Bây giờ, thu nhập ổn định, cuộc sống đã khá giả lên rất nhiều”.
Hướng mở tương lai
Ngày nay, sau gần 20 năm khai sinh dòng kênh lịch sử này, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng thay da đổi thịt, phát triển nhiều mặt. Từ dòng kênh “Ông Kiệt” với hệ thống ngăn mặn, giữ ngọt, tháo chua rửa phèn đã thật sự “tắm mát” vùng đất hoang vu và góp phần to lớn vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cư dân Tứ giác Long Xuyên. Hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp trên dòng kênh “Ông Kiệt” đã xanh đồng với màu xanh cây lúa.
Những ngày xuôi ngược bên dòng kênh ý nghĩa này, chúng tôi chứng kiến hàng trăm hộ trước đây khó khăn, nay đã có của ăn, của để. Đặc biệt, kênh “Ông Kiệt” còn mở ra hệ thống giao thông thông thoáng, việc đi lại thuận tiện. Các trục chính về thủy lợi và giao thông ở một số xã đã được hình thành. Không chỉ cây lúa, ven dòng kênh còn phát triển nhiều mô hình canh tác hiệu quả. Bà con tận dụng đất vườn để trồng nhiều loại hoa màu cho thu nhập khá. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng phát triển đi lên, với trên 80% hộ có mức sống từ trung bình trở lên; những ngôi nhà tường mọc lên thay cho những mái lá tạm bợ. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Bí thư chi bộ ấp Ranh Hạt, xã Bình Giang - là người sinh ra và lớn lên ở đây, nên chứng kiến sự thay đổi của vùng đất quê mình. Ông Hạnh cho biết: “Ngày xưa ở đây mùa khô đất nhiễm phèn mặn, mùa lũ nhà cửa, đường sá ngập sâu. Từ ấp Ranh Hạt đến ấp Giồng Kè khoảng 7km, nhưng phải đi mất cả ngày mới đến nơi. Bây giờ thì xe hai bánh đi về khoảng 10 phút. Đúng là sự đổi thay đến không ngờ”. Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: “Chính dòng kênh Võ Văn Kiệt đã góp phần giải quyết bài toán sản xuất tăng vụ cho người dân vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhờ đó mà một vùng đất phèn nặng, hoang hóa ngày nào, giờ trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa của ĐBSCL. Riêng tỉnh Kiên Giang, sản lượng lúa khoảng 4,6 triệu tấn/năm, trong đó vùng Tứ giác Long Xuyên đóng vai trò chủ lực”.
Cùng với thâm canh tăng vụ thì hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa, tạo điều kiện cho người dân trong vùng đi lại dễ dàng, việc buôn bán, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa cũng nhanh chóng. Với hệ thống nước ngọt của dòng kênh Võ Văn Kiệt, người dân không chỉ sản xuất nông nghiệp mà nuôi trồng thủy sản cũng mang lại hiệu quả cao, góp phần gia tăng thu nhập.
Dọc theo hai bờ kênh Võ Văn Kiệt hôm nay, đã rộng ra 30 - 40m, cây xanh rợp bóng mát và trĩu quả, tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới cho vùng quê vốn quanh năm phèn mặn này. Điểm cuối của kênh “Ông Kiệt” là ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, tiếp giáp biển Tây, nơi đây được xây dựng cống lớn có tác dụng ngăn mặn và giữ ngọt. Các thế hệ sinh sống trên vùng đất này cứ nương theo dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn, với tất cả niềm tự hào và lòng biết ơn sâu nặng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
| |
VĨNH THUẬN