Đổi thay trên quê hương Vợ chồng A Phủ

Hồng Ngài - cái tên gợi chúng ta nhớ về tuyệt tác Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Hồng Ngài là mảnh đất rẻo cao heo hút nơi miền Tây Bắc xa xôi với những hủ tục hà khắc, đã một thời ám ảnh người đọc qua những trang văn. 
Những ngôi trường khang trang bên chân núi
Những ngôi trường khang trang bên chân núi

Nhưng tất cả đã trở thành quá khứ, bởi ngày nay trở lại mảnh đất Hồng Ngài (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), chúng tôi thấy có nhiều sự thay đổi đáng mừng. Hủ tục đã không còn, người Mông đang xóa đói giảm nghèo, lũ trẻ được tới trường và những công trình khang trang dần xuất hiện dưới áng mây trời.

1. Từ thị trấn Bắc Yên (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), chúng tôi được anh bạn giáo viên tháp tùng lên xã vùng cao Hồng Ngài. Cung đường uốn lượn quanh co với những con dốc men theo sườn núi cứ từ từ đưa chúng tôi lên từng độ cao mới. Anh bạn giáo viên kể, mấy năm trước đây thôi, từ thị trấn Bắc Yên lên xã Hồng Ngài chỉ chừng 13 - 14km, nhưng đường đất đi rất gian nan, cứ hôm nào gặp mưa là con đường lại nhầy nhụa, “hành xác” những người qua lại.

Đứng trên lưng chừng núi với nắng vàng nhẹ mùa đông kèm theo những cơn gió lạnh rít từng đợt thổi vào mặt mọi người. Từ đây, đưa tầm mắt ra nhìn ra xa, bên dưới lòng thung lũng là hình hài những bản làng đông đúc, bình yên. Còn nhìn lên, Hồng Ngài đang đón đợi chúng tôi ở phía trước. Khi vừa đến trung tâm xã Hồng Ngài, chúng tôi đã khá bất ngờ vì cảnh tượng hiện ra bây giờ khác với những gì tôi hình dung trước đó.

Không khí nơi đây thật sầm uất với nhiều cửa hàng bán tạp hóa, vật liệu xây dựng, dịch vụ; chốc chốc lại có vài xe tải nhỏ chở theo nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm vào xã. Trường Tiểu học bán trú Hồng Ngài khang trang, gồm 3 dãy nhà 2 tầng nằm sát chân núi. Cách đó không xa là Trường Mầm non Hồng Ngài với những dãy nhà mái bằng lợp tôn khá kiên cố. Ngoài ra, còn những công trình như trụ sở UBND xã, trạm y tế, nhà văn hóa xã… cũng mới được xây dựng kiên cố, to đẹp hơn. Tất cả đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của xã vùng rẻo cao heo hút này.

2. Trong ánh mắt, niềm vui của những người trẻ hôm nay là sự đổi thay từng ngày và họ chính là chủ nhân trên mảnh đất ấy. Còn với những bậc cao niên thì quá khứ nghèo khó, hủ tục hà khắc, cùng với bao chiến tích vẻ vang thời kháng chiến vẫn còn lưu giữ trong tâm khảm của họ. Để biết được giá trị của sự đổi thay hôm nay, không thể không nhắc lại quá khứ. Chính vì thế, chúng tôi tìm tới nhà ông Giàng A Mua, một trong những du kích hiếm hoi từ thời chống Pháp vẫn còn sống đến bây giờ. Ông lão người Mông năm nay đã 87 tuổi, sống cùng con cháu trong căn nhà sàn truyền thống ở bản Giàng.

Hang A Phủ mang vẻ đẹp tự nhiên thu hút khách du lịch
 Sau khi được người con trai phiên dịch giới thiệu về chúng tôi, ông Mua mở lời, Hồng Ngài trước đây là một cứ điểm kháng chiến chống Pháp quan trọng của vùng Châu Phù Yên (nay là huyện Phù Yên và Bắc Yên). Đội du kích Hồng Ngài thành lập từ những năm 1951-1952 để che chở cho bộ đội chủ lực. Từ tháng 10-1952 đến giữa năm 1953, đội du kích Hồng Ngài, trong đó có ông Mua, kết hợp với bộ đội đóng trên địa bàn tổ chức đánh tan quân địch, toàn vùng Châu Phù Yên được giải phóng.

Song song với cuộc kháng chiến gian khổ và vẻ vang đó, thế hệ của ông Mua cũng chứng kiến những hủ tục hà khắc nhất của người Mông nơi mảnh đất này. Ông Mua kể lại: “Tục cướp vợ, bắt vợ của người Mông đã tồn tại từ lâu lắm rồi và kéo dài mãi về sau này. Những người phụ nữ như Mỵ, không được làm kiếp người mà sống như nô lệ, trước đây có thể tìm thấy rất nhiều ở vùng đất Hồng Ngài, Bắc Yên này. Chính vì thế nhà văn Tô Hoài mới dựa vào những nguyên mẫu có thật ngoài đời để viết nên tác phẩm để đời Vợ chồng A Phủ”.

Sau ánh mắt đượm buồn khi kể về những câu chuyện quá khứ, ông Mua trở nên phấn khởi nói tất cả đã qua rồi, giờ đây lũ trẻ Mông đã có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ hơn. Vài nơi vẫn giữ tục cướp vợ nhưng đã được đôi trẻ tìm hiểu trước, ưng cái bụng nhau rồi mới tổ chức… cướp.

3. Khoảng 20 năm trở lại đây, Hồng Ngài được các cấp, ngành quan tâm đầu tư để giúp người dân thoát đói, giảm nghèo. Đến nay, toàn xã có khoảng 770 hộ với gần 4.200 nhân khẩu, được chia làm 8 bản với 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Mông chiếm đông nhất đến 80% dân số. Chúng tôi vào các bản để tìm hiểu cuộc sống mưu sinh của bà con các dân tộc, nơi đâu cũng nghe thấy tiếng cười hồn nhiên của bọn trẻ và giọng thánh thót của những sơn nữ. Chúng tôi gặp chị Mùa Thị Chu, ở bản Suối Háo, đang ngồi thêu cùng nhóm phụ nữ trước nhà. Chị Chu cho biết dân bản ở đây đều có ruộng bậc thang để cấy lúa lấy cái ăn, rồi thì trồng ngô (bắp), trồng sắn (mì) làm thức ăn cho gia súc hoặc nấu rượu. Bản thân chị Chu và nhiều phụ nữ khác có thêm nghề phụ vào mùa nông nhàn là thêu và dệt vải để lấy sản phẩm đem bán cho du khách ở các chợ phiên.

Theo UBND xã Hồng Ngài, hiện toàn xã có 1.275ha trồng bắp, 42ha trồng lúa 2 vụ, 175ha sắn và 30ha trồng cỏ cho gia súc… Tổng đàn gia súc nuôi khoảng 6.350 con; trong đó trâu, bò, dê, ngựa… đều là gia súc có giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã có 90% số hộ trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.

Kinh tế nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) của xã đều được đẩy mạnh phát triển, dẫn tới kinh tế của các hộ gia đình cũng khấm khá hơn trước. Một số hộ dân đã xây được nhà tầng, nhà mái bằng xi măng, sắt thép kiên cố; sắm được xe máy, ti vi, thậm chí cả tủ lạnh và máy giặt… Hầu như không còn hộ nào sống cảnh nhà lợp mái cỏ tranh, vách đất như ngày xưa.

4. Đời sống kinh tế được cải thiện đã kéo theo những hệ quả tốt đẹp, đó là trẻ được tới trường. Cô Hoàng Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Ngài, vui vẻ cho biết do là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục nên hàng năm trường có tổ chức “Ngày hội đến trường” cho các cháu. Qua sự vận động, khuyến khích, đến nay toàn xã có gần 100% trẻ đến trường và đều được chăm sóc tốt.

Vào ngôi trường mầm non mà ấn tượng còn đọng mãi trong lòng chúng tôi khi thấy những lớp học được trang bị bàn ghế, đồ chơi đầy đủ chẳng kém gì một trường ở thành phố dưới xuôi. Các cô giáo đều có nghiệp vụ sư phạm với lòng nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ. Cô giáo trẻ La Thúy cho biết mình là người dân tộc Thái, sống ở xã Hồng Ngài, sau khi học xong ở Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La đã được phân công về Trường Mầm non Hồng Ngài công tác đến nay được hơn 5 năm. Cô La Thúy nhận định, so với lúc cô mới về trường thì nay đã có nhiều đổi mới theo từng năm, từ cơ sở vật chất đến nội dung dạy học, với các tiết học, sinh hoạt vui nhộn, bổ ích…

Xét tổng thể về giáo dục toàn địa bàn, đến nay xã đã có 13 phòng học lớp mẫu giáo, 31 phòng học cấp tiểu học và 8 phòng học cấp THCS, tất cả đều được xây dựng kiên cố.

Cùng với giáo dục, Trạm y tế xã cũng được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất khang trang như hiện có 8 phòng khám bệnh, 7 giường bệnh, cùng với thuốc men và đội ngũ y, bác sĩ đầy đủ để phục vụ nhân dân…

5. Ngỡ ngàng trước sự đổi thay của mảnh đất quê hương Vợ chồng A Phủ, chúng tôi quyết định tìm hiểu thêm về hang A Phủ cách trung tâm xã hơn 3km. Theo dân tộc Thái bản địa, trước đây hang có tên là Thẳm Cốp, sâu khoảng 200m, có hệ thống nhũ đá đẹp, nhiều hình dạng lạ mắt.

Chiêm ngắm vẻ đẹp của hang, chúng tôi nhớ về cảnh tượng trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Nhân vật Mỵ và A Phủ sau khi vùng chạy thoát khỏi xiềng xích nô lệ ở nhà Thống Lý Pá Tra đã từng trú ẩn tại hang Thẳm Cốp này. Từ trong bóng tối của nơi trú ẩn, tình yêu mãnh liệt và ánh sáng của Đảng đã đưa A Phủ và Mỵ vượt qua khó khăn để đến với khu du kích Phiềng Sa tham gia phong trào cách mạng. Có lẽ vì thế, sau khi tác phẩm của nhà văn Tô Hoài được phổ biến rộng rãi, đồng bào dân tộc nơi đây đã đặt lại tên hang là A Phủ. Năm 1961, khi quay tác phẩm điện ảnh Vợ chồng A Phủ, các nhà làm phim cũng lấy bối cảnh hang A Phủ đưa lên phim.

Ngày nay, hang A Phủ trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá. Với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ chưa bị sự tác động của con người, cùng lai lịch gắn với câu chuyện tình Vợ chồng A Phủ, các cấp chính quyền địa phương đã có những biện pháp bảo vệ, đầu tư cơ sở hạ tầng khai thác hang A Phủ để tạo đà cho du lịch địa phương phát triển.

Tin cùng chuyên mục