Đờn ca tài tử, đâu dễ bỏ lơi

Tại TPHCM, có thời điểm, các câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử (ĐCTT) thuộc các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa các phường, xã và tư nhân hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả. Thế nhưng, từ sau dịch Covid-19, hoạt động ĐCTT bị thu hẹp dần. Bên cạnh những CLB là điểm sáng vẫn nỗ lực duy trì sinh hoạt định kỳ, nhiều CLB đã không còn tổ chức sinh hoạt như trước.

Vẫn còn những đam mê

Tối thứ năm, sau cơn mưa nhỏ, thời tiết mát mẻ hơn, tại Nhà truyền thống quận Bình Thạnh, buổi sinh hoạt, giao lưu ĐCTT diễn ra sôi nổi với sự góp mặt của hội viên CLB ĐCTT Gia Định, CLB ĐCTT quận 12, Phú Nhuận, Gò Vấp, TP Thủ Đức. Chỉ với 2 tay đờn, không khí giao lưu biểu diễn vẫn rất cuốn hút.

Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu (CLB ĐCTT Gia Định) chia sẻ: CLB hoạt động hơn 20 năm qua, được trung tâm văn hóa quận hỗ trợ địa điểm, âm thanh, ánh sáng để tổ chức các buổi sinh hoạt. Chi phí hoạt động do anh em hội viên tự nguyện đóng góp, chủ yếu để trả thù lao cho nhạc công, mua ít nước uống, bánh kẹo, đãi nghệ nhân, tài tử đến giao lưu.

Nội dung ca diễn xoay quanh 20 bài bản tổ, các bài vọng cổ, tân cổ giao duyên, trích đoạn cải lương. Về chuyên môn, tôi cũng yêu cầu hội viên học và rèn luyện thêm những bài ca cổ nhiều chủ đề để có thể đáp ứng hoạt động biểu diễn tuyên truyền, chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, tham gia các hội thi, liên hoan. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng giữ nếp sinh hoạt để có nơi tập luyện, giao lưu, khán giả thích ca tài tử nắm được lịch đến tham gia, giúp các buổi sinh hoạt thêm phong phú.

Mỗi buổi sinh hoạt biểu diễn, CLB sẽ nhờ từ 2 đến 3 tay đờn hỗ trợ phần nhạc. Mỗi nhạc công đờn nhận bồi dưỡng 300.000 đồng/buổi (khoảng 3 giờ). Để phát triển lực lượng, nhiều năm qua, NNƯT Phương Hậu tổ chức các lớp đào tạo ca cổ tại nhà để tìm kiếm người mới, trẻ, tiềm năng bổ sung cho CLB.

Tối chủ nhật, tại Nhà văn hóa phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, CLB ĐCTT Phụng Hoàng sinh hoạt xôm tụ với sự tham gia của nhiều tài tử đến từ quận 12, Bình Thạnh và TP Thuận An (tỉnh Bình Dương). Không khí giao lưu ĐCTT diễn ra sôi nổi với gần 20 tiết mục.

Chị Võ Thị Bích Hoa (ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Tôi rất vui khi tuần nào cũng được cùng ông xã đến đây tham gia đờn ca. Để ca các bài bản đúng và hay thì rất khó, đòi hỏi người ca phải có đam mê, năng khiếu, lại phải chịu khó học hỏi, rèn luyện thật nhiều. Khó là khó vậy, nhưng đã tham gia rồi thì sẽ yêu thích và khó bỏ lắm”.

Sau dịch Covid-19, CLB ĐCTT huyện Hóc Môn cũng từng bước khởi động lại công tác tổ chức sinh hoạt định kỳ vào sáng thứ sáu hàng tuần, CLB ĐCTT quận Phú Nhuận sinh hoạt trở lại vào ngày 15 và 30 hàng tháng… Tại mỗi điểm sinh hoạt ĐCTT, luôn thấy được sự nhiệt tình, say mê loại hình nghệ thuật đặc biệt này của lực lượng hội viên nòng cốt các CLB.

Qua những gì mà chúng tôi khảo sát được thời gian qua cho thấy được sức sống bền vững của nghệ thuật ĐCTT trong đời sống văn hóa tinh thần bà con Nam bộ. Nhưng, để phát huy mạnh mẽ hơn phong trào ĐCTT trong đời sống thì cần phải có nhiều hơn sự quan tâm và chính sách chăm lo cụ thể, thiết thực của cơ quan quản lý văn hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn TPHCM.

Nói như ông Trần Văn Tám (ngụ Hóc Môn), một người mê ĐCTT, nghệ nhân cũng phải đủ ăn, đủ mặc mới cầm đờn đi sinh hoạt ca hát. Chớ tuần nào cũng đi nuôi dưỡng đam mê mà con cái còn nheo nhóc, sao đành.

Khát vọng và mong mỏi

Trong sinh hoạt biểu diễn, loại hình ĐCTT không có đòi hỏi cao về chi phí đầu tư tổ chức, tuy nhiên, hoạt động tự thu tự chi đối với các CLB cũng gặp nhiều khó khăn.

Buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại Nhà truyền thống quận Bình Thạnh

Buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại Nhà truyền thống quận Bình Thạnh

NNƯT Phương Hậu tâm tư: “Chúng tôi cố gắng duy trì và gìn giữ hoạt động của các CLB vì quá đam mê, tâm huyết, nhưng chỉ là cố gắng tới đâu hay tới đó. Để thu hút những người đam mê tham gia phong trào ĐCTT cần phải có sự quan tâm đầu tư bằng nhiều chính sách hỗ trợ của ngành văn hóa và chính quyền địa phương. Với các nghệ nhân, tài tử đang hoạt động, anh em “rất máu” với nghề, rất đam mê, nên phải quan tâm hỗ trợ thêm để phát huy tốt nhất nguồn nhân lực tài năng và tiềm năng này”.

Trong định hướng phát triển, CLB ĐCTT Gia Định hy vọng nhận được sự giúp sức để có thể tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ nhân dân định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý tại công viên hay khu dân cư, giúp công chúng (nhất là giới trẻ) tiếp cận, nghe nhiều, rồi dần yêu thích nghệ thuật ĐCTT và cũng từ đây tìm kiếm các nhân tố mới.

“Tui cũng biết ca vài câu góp vui thôi chứ không rành bài bản gì đâu, tụi nhỏ thì thích nhạc trẻ, có đứa nghe nhạc phải giật gân, xí xô xí xào không biết hát cái gì luôn. Người lớn chút khoái bolero, chứ ĐCTT không thấy ai mê. Bởi vậy, thấy có mấy CLB dạng này ở huyện Hóc Môn hay mấy nơi gần gần, tui đều kêu ông xã chở đi coi. Dân Nam bộ mà, ĐCTT thấm từ trong máu trong thịt, đâu dễ gì mà bỏ lơi được”, bà Nguyễn Thị Út (ngụ Hóc Môn) chia sẻ.

Theo nghệ nhân Phương Tùng, phụ trách CLB ĐCTT quận Phú Nhuận, có 3 yếu tố quyết định hoạt động và sự phát triển của các CLB ĐCTT cần được quan tâm: mặt bằng biểu diễn, lực lượng nòng cốt tham gia CLB, và các hạt nhân tiềm năng trong xã hội. Anh trăn trở: Từ tình hình chung, hiện nay cấp thiết phải đào tạo thêm nghệ nhân đờn cho các CLB, tìm kiếm và đào tạo các tài tử ca thiếu nhi, tạo sân chơi cho các CLB, đưa nghệ thuật ĐCTT vào trường học...

Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Minh Phụng, phụ trách CLB ĐCTT phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, mong mỏi: “Hy vọng có nhiều sân chơi, các cuộc thi ĐCTT của thành phố, quận, huyện, để những người đang hoạt động tổ chức, biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống này có điều kiện và cơ hội tham gia, rèn luyện nâng cao tay đờn, giọng ca, giao lưu biểu diễn phục vụ công chúng”.

Rõ ràng, những khát vọng và mong mỏi ấy phản ánh rất thực tế nhu cầu sinh hoạt, biểu diễn, giao lưu, quảng bá nghệ thuật ĐCTT trong đời sống xã hội hiện nay.

* TS LÊ HỒNG PHƯỚC:

Không thể để các CLB ĐCTT tự sinh tự diệt

Theo truyền thống, sinh hoạt ĐCTT thường diễn ra trong không gian sân vườn, dưới trăng trong, cảnh đẹp thi vị. Ở thị thành, hoạt động ĐCTT cũng phải thay đổi để thích ứng cùng thời đại nên gần đây tôi thấy xuất hiện thêm mô hình mới là các CLB tổ chức sinh hoạt tại quán cà phê, bên cạnh các điểm sinh hoạt ĐCTT tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà riêng...

Cái hay của các CLB là các nghệ nhân ca vẫn giữ được nét chân phương, mộc và chất ngẫu hứng cần có của loại hình ĐCTT. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của các CLB giảm đi nhiều.

TPHCM từng có gần 300 CLB ĐCTT thì không nên để cho họ tự sinh tự diệt mà phải tạo điều kiện để các CLB này hoạt động trôi nổi. Trong quản lý nhà nước, phải có sự hỗ trợ tài chính một cách thích hợp, chú trọng đào tạo thế hệ kế thừa, tổ chức những buổi tập huấn cho hội viên các CLB, nhằm giúp họ hiểu rõ hơn họ đang chơi gì, ĐCTT và cải lương là gì, việc sinh hoạt giao lưu và biểu diễn là nhằm góp phần gìn giữ vốn quý trong di sản văn hóa của cha ông để lại... Từ đó đẩy mạnh sự chung sức duy trì, bảo tồn, quảng bá và phát triển nghệ thuật ĐCTT trong cuộc sống hiện đại.

* THS NGUYỄN THÁI BÌNH:

Để công chúng trẻ tiếp cận và hiểu rõ hơn về ĐCTT

Những năm qua, trong các hoạt động lễ hội lớn ở TPHCM đều tổ chức thực hiện chương trình biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT Nam bộ phục vụ cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để trẻ hóa lực lượng biểu diễn, năm 2021, tôi thành lập Ban Đờn ca tài tử Cội Xưa với sự tham gia của khoảng 20 thành viên là sinh viên Khoa Âm nhạc truyền thống (Nhạc viện TPHCM), Khoa Kịch hát dân tộc (ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM), cùng góp chút sức vào công tác bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc nói chung, tạo điều kiện cho các bạn trẻ có nơi rèn nghề, biểu diễn phục vụ; đồng thời công chúng trẻ khi thưởng thức, tiếp cận cũng hiểu rõ hơn về ĐCTT Nam bộ. Với sự chung sức của nhiều người và tổ chức, ĐCTT sẽ được bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục