Trong khi đó, nắng nóng tại TPHCM và các tỉnh phía Nam luôn ở mức cao và dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, khiến số bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện tăng vọt, đặc biệt là người già và trẻ em.
PGS-TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.500 ca trong đó có khá nhiều trẻ bị viêm phế quản, ho, sốt, tiêu chảy do thời tiết biến động thất thường gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Cùng với đó, bệnh viện cũng ghi nhận khá nhiều ca mắc sởi, cúm và ho gà do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Với những trẻ nhỏ mắc bệnh sởi, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ bị các biến chứng nặng, nguy cơ gây tử vong cao.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, cùng với nhiều trẻ nhỏ được đưa tới khoa Nhi khám, điều trị các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm, sốt cao... các bác sĩ tại đây cũng tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân là người lớn mắc sởi bị biến chứng viêm não.
Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, ngoài biến chứng viêm não, bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù lòa. Trong những tháng đầu năm 2019, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một số trường hợp mắc cúm mùa thông thường H3N2, H1N1 nhưng biến chứng suy hô hấp rất nguy kịch.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện cả nước ghi nhận khoảng 42.000 người mắc SXH trong đó có 2 ca tử vong. Theo quy luật, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, dịch bệnh SXH mới xuất hiện và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, hiện nay mới tháng 3, dịch bệnh SXH đã gia tăng là rất đáng lo ngại và đòi hỏi người dân phải rất cảnh giác.
Miền Nam: Bùng phát các bệnh hô hấp, tiêu hóa
Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, những ngày qua BV tiếp nhận bình quân 5.500 bệnh nhi nhập viện mỗi ngày tập trung chủ yếu là bệnh tiêu hóa (chiếm 8%) và hô hấp (chiếm 10%-15%).
Còn theo bác sĩ Lê Công Thiên, Phó trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 2, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú, trong đó số bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa tăng 10% so với các tháng trước, số bệnh nhân nặng phải nhập viện cũng khá nhiều, khoa cũng đang trong tình trạng quá tải. Tại Bệnh viện Thống Nhất, lượng bệnh nhân cao tuổi điều trị cũng tăng lên rõ rệt so với tháng trước chủ yếu là tăng huyết áp, tim mạch, viêm phế quản, các bệnh lý về khớp.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết, các bệnh thường gặp trong thời tiết nắng nóng này là bệnh phù do nhiệt, phát ban do nhiệt, chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, kiệt sức do nhiệt, sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt)… Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao người dân cần chú ý mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng lâu. Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.
“Thời tiết nắng nóng mọi người có xu hướng ở trong các phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh hay có nước đá… gây khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp. Việc này sẽ làm cho các vi trùng có lợi cho cơ thể chết đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập gây các bệnh lý như: nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên… Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián…dễ gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độ tập thể”- bác sĩ Nguyễn Viết Hậu lưu ý.
Để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong bối cảnh thời tiết bất thường gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn. Thực hiện nghiêm túc việc ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng khí. Ngủ màn, phòng, chống muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm phải đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, đối với các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng ngừa, các gia đình cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng. |