HLV Mourinho phải mất hơn ¼ chặng đường mới kết thúc vai trò của Wayne Rooney ở đội hình chính Man.United, đồng thời giải quyết phân nửa số cầu thủ mà Van Gaal đã mua về trong 2 mùa trước đó. Nói như vậy để thấy chuyện mua cầu thủ không quan trọng bằng việc “dọn dẹp” những thứ đang có sẵn.
Thành công của Conte tại Chelsea không phải đến từ việc tuyển mộ mặc dù Kante và Luiz đang giữ các vai trò quan trọng trong sơ đồ 3 hậu vệ hiện nay. Cái chính là Conte đã “dọn dẹp” những gì đã rối ren ở mùa trước, nhất là góc độ tinh thần. Hai vị trí Terry và Fabregas bị đẩy lên băng ghế dự bị. Lúc đầu, Conte cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng rõ ràng, công việc của ông ta đi đúng hướng.
Nói đến 2 ví dụ trên để thấy công việc của Pep tại Man.City nặng nề hơn gấp bội trong vai trò của một tân HLV. Đội hình của Man xanh từng bị Mourinho bình phẩm là “hết hạn sử dụng”. Đã thế, đều là những công thần trong giai đoạn thành công nhất lịch sử CLB. Không thể không thừa nhận Pep đã rất quyết liệt khi bán Joe Hart, không dùng Kompany, kỷ luật Yaya Toure, Nasri… ngay cả một ngôi sao như Kun Aguero vẫn phải thường xuyên đá dự bị. Quá trình “dọn dẹp” ấy của Pep tỏ ra thuận lợi với khởi đầu khá đẹp. Tuy nhiên, quả là công việc tại Man xanh quá nặng nề nên cho đến bây giờ, Pep vẫn đang ngổn ngang việc những dự định của mình và Man xanh chưa cho thấy có sự khác biệt lớn so với trước.
Tuy nhiên người ta khá lo ngại cho tương lai của Pep lẫn Man xanh. Không giống như Mourinho có nhiều kinh nghiệm tại giải Ngoại hạng, hay Conte đã quen với kiểu “liệu cơm gắp mắm”, Pep là người theo đuổi đến cùng quan điểm của mình, không chấp nhận sự thỏa hiệp nào cả, điều đó khiến cho Man.City đứng trước một cuộc đổi thay quá lớn sau 3 năm sống trong yên bình nhờ tính trung dung của Pellegrini.
Những gì diễn ra ở giải Ngoại hạng cho thấy sự thay đổi lớn không đem lại điều tốt đẹp. Không phải tự nhiên mà Arsenal luôn bảo đảm cho ông Wenger một sự an toàn.
Việt Khang