
Hay tin có đoàn y bác sĩ tình nguyện từ Việt Nam sang nên bà con Việt kiều ở hai tỉnh Kampốt và thành phố Sihanouk Ville (Campuchia) mừng như mở hội. Vui một là được khám chữa bệnh miễn phí, vui mười là gặp đồng hương dịp tết cổ truyền đang đến gần.
Đoàn gồm 30 y bác sĩ thuộc CLB Y tế tình nguyện TPHCM (CYT). Hành lý mang theo chỉ là thuốc men, dụng cụ y tế. Vừa làm xong thủ tục qua khỏi cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên, Kiên Giang) để vào tỉnh Kampốt (Campuchia), đã thấy anh Nguyễn Kim Tùng - Quyền Chủ tịch Hội Người Việt tại Kampốt và khá đông Việt kiều ta ra đón đoàn bằng trang phục thuần Việt, mặc dù có những chiếc áo đã bạc màu.
Xe chạy phon phon qua những cánh đồng thốt nốt rộng lớn, nối dài cùng lời nói của anh Tùng: “Tết này Chính phủ Việt Nam và Campuchia miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước. Ở Kampốt có khoảng 2.000 Việt kiều và đại đa số đều có liên hệ qua lại biên giới Việt Nam. Vì thế việc miễn thị thực đã giảm cho mỗi người 20 USD khi qua lại cửa khẩu. Tết này chắc chắn sẽ có nhiều Việt kiều Kampốt về Việt Nam đón xuân".

Khám bệnh ở Thị xã Bun Bay (Kampốt) xong, đoàn liền đến xã Peng Chảy, vào tận chân ngọn núi Tà Lơn nổi tiếng. Gặp anh Xi Văn Thành đang ngồi… mài dao, chúng tôi hỏi chuyện, anh hớn hở khoe: “Năm nào cũng thế, tui vào núi để chặt vài chục nhánh mai rừng về thị xã bán lại cho bà con mình chưng Tết. Tui đã làm việc này mấy chục năm nay từ khi xuất ngũ và lấy vợ người Khmer. Tôi chỉ bán mỗi nhánh mai giá 5.000 ria (20.000 VNĐ). Bà con nào còn khó khăn, tui tặng luôn. Chỉ cần thấy các khu xóm người Việt có chưng mai Tết, là thấy ấm lòng rồi”.
Tại nhà chị Ri Da (tên Việt là Cúc) bên chân cầu In Tà Nu, không khí đón Tết đã bắt đầu. Chị Ri Da tự xếp bao lì xì bằng giấy màu và tự vấn pháo để đốt Tết (Kampốt vẫn chưa cấm đốt pháo). Chị Ri Da cho biết mỗi dịp giao thừa, chị và bà con Việt kiều đều mua thịt về kho nước dừa, ai khá hơn thì thịt thêm con gà luộc để cúng tiễn ông bà. Kế đến, các cháu Sơn Xi Bồ Rây, Sơn Chanh Phẹc Rây, Sơn Xi Sầm Nang (con của chị Ri Da và anh Sơn Phết) sẽ mừng tuổi cha mẹ, đốt pháo và vui chơi.
Biết chúng tôi mới từ Việt Nam sang, chị Ri Da chỉ tay ra dòng sông Kompongbay, nói: “Sông cũng chảy về quê hương, Tết nào tui cũng thả đèn hoa để gửi về quê tấm lòng tui. Lấy chồng Khmer từ 10 năm nay, tui chỉ về quê (An Giang) được đúng 3 lần. Nhớ Tết ở quê lắm!”

Rời tỉnh nghèo Kampốt để đến thành phố biển Sihanouk Ville cách đó 130 km, đoàn vào thăm khu xóm người Việt sau lưng Chợ Sihanouk. Thấy chúng tôi nói tiếng Việt, chị Na Ron (quê Rạch Giá-Kiên Giang) và người chồng A Sin túa ra mừng rỡ. Hỏi chuyện chuẩn bị Tết, chị Na Ron nói: “Chỉ có mứt gừng, mứt bí, mứt dừa… là vợ chồng em phải về Việt Nam mua thôi. Còn các loại bánh tét, bánh chưng, chả lụa, cà ri gà, cải hầm thập cẩm… thì ở Sihanouk không thiếu.
"Bà con Việt kiều ở đây còn nghèo nên ăn Tết cũng đơn sơ lắm!”. Lãnh sự Việt Nam tại Sihanouk Ville, ông Phạm Cân cho biết: “Sihanouk Ville có khoảng 2.500 Việt kiều ta đang sinh sống. Do hiến pháp nước bạn quy định chỉ có người Khmer mới được nhập quốc tịch Khmer (không gọi là quốc tịch Campuchia) nên bà con gặp khó khăn trong việc đứng tên nhà đất, cho con cái đi học. Mà đã chưa an cư, thì chưa thể lạc nghiệp. Tết năm nào chúng tôi cũng quy tụ bà con lại để tổ chức múa lân, tặng lì xì, cắn hạt dưa… Nhưng sau phút vui là cái gì đó trĩu nặng...bởi bà con còn nghèo. Rất mong nhiều tấm lòng từ Việt Nam sang “hợp sức” đón xuân với đồng bào”
Mai vàng đã lác đác nở trên sườn núi Pô Kô chạy qua các tỉnh Kampốt, Tà Keo, Cô Công, Kompong Spư…Bà con Việt kiều bắt đầu chuẩn bị gạo nếp, thịt heo, lá chuối, lá dong để nấu bánh tét, bánh chưng. Tiếng trống lân rộn rã của “Đội lân ông Khén” - đội lân Việt duy nhất ở đây - thu hút đông đảo Việt kiều “nhí” đến xem. Nhìn các em tóc hoe vàng cháy nắng, nói chuyện bập bẹ bằng cả ba thứ ngôn ngữ Việt, Khmer, Hoa chen lẫn, chúng tôi mong ước những mùa Xuân tới, bà con Việt kiều ở đây sẽ được ăn những cái Tết Việt xôm tụ hơn nhiều.
Minh Anh