Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968-2008)

Đồng bào người Hoa trong Tết Mậu Thân

Tổng kết chiến dịch Mậu Thân và quá trình từ 1966 – 1968, riêng lực lượng người Hoa ở TPHCM, với sự đóng góp tích cực và to lớn cho chiến dịch, đã được Hội đồng cố vấn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất. Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tặng thưởng 4 huân chương chiến công hạng ba cho đồng bào người Hoa TP.
Đồng bào người Hoa trong Tết Mậu Thân

Tổng kết chiến dịch Mậu Thân và quá trình từ 1966 – 1968, riêng lực lượng người Hoa ở TPHCM, với sự đóng góp tích cực và to lớn cho chiến dịch, đã được Hội đồng cố vấn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất. Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tặng thưởng 4 huân chương chiến công hạng ba cho đồng bào người Hoa TP.

Đồng bào người Hoa trong Tết Mậu Thân ảnh 1

Bia tưởng niệm tại góc đường 3 Tháng 2 - Lò Siêu (Q11). Tại đây đúng 0 giờ ngày mùng 2 Tết (31-1-1968), nhân dân đã cùng lực lượng vũ trang TP chiếm lĩnh suốt 4 ngày đêm đánh lùi nhiều đợt phản kích ác liệt.

Sáng mùng 1 Tết Mậu Thân (30-1-1968), tổ võ trang thuộc Ban cán sự Công vận, gồm Ngô Tú Thanh, Trần Ngọc Trình, Trần Tòng Ba tiến hành phối hợp hoạt động tuyên truyền ngay giữa đường phố, bằng phương thức hoàn toàn bất ngờ, sáng tạo.

Họ đã sử dụng những chiếc bong bóng lớn buộc vào đó cờ giải phóng, truyền đơn và một điếu thuốc đã được mồi sẵn. Khi thả bong bóng bay lên một lúc, điếu thuốc cháy làm dây đứt, những tờ truyền đơn theo gió bay khắp đường phố, xóm lao động.

Đồng bào đứng lại xem cờ giải phóng đang bay cao và trên tay cầm thư chúc mừng năm mới của Mặt trận. Bằng cách này, nhóm ba người đã thực hiện thả cờ giải phóng và truyền đơn ở nhiều khu vực trước sự bất lực của cảnh sát ngụy.

Ngay trong đêm mùng 1 Tết, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng, cán bộ chiến sĩ và lực lượng cách mạng người Hoa đã đồng loạt tiến công, làm chủ tình hình ở nhiều khu xóm lao động và tiến đánh một số mục tiêu đầu não của địch. Theo kế hoạch, đồng chí Ba Toàn, Phó Ban Hoa vận tập hợp lực lượng võ trang của Ban cán sự Công vận, Ban Quân sự và một số cán bộ của Ban Tuyên huấn, tổng cộng 38 người tiến hành tập kích bót Hòa Hòa (Ty cảnh sát đặc biệt Chợ Lớn).

Lực lượng Ban Quân sự do đồng chí Tư Mập chỉ huy, có sự tham gia của các anh chị Lý Phong, Bảy Ninh, Tư Lan, Trần Như, Đinh Nữ… Lực lượng Công vận do Cao Sơn chỉ huy, có Trần Tòng Ba, Trần Ngọc Trình, Ngô Tú Thanh, Tiểu Minh, Lư Yến Linh… Đội phục vụ chiến đấu gồm hơn 10 nữ công nhân được huy động đặt chướng ngại vật cản trở việc tiếp viện của địch và sẵn sàng phục vụ cho thương binh.

12 giờ đêm mùng 1, rạng mùng 2 Tết, toàn bộ chiến sĩ tập kết sẵn sàng tại các vị trí đã định. Cánh quân sự trang bị hai quả mìn DH 10 và DH 5, vài khẩu súng ngắn tiếp cận sát tường rào bót Hòa Hòa, một tổ khác chiếm lĩnh tầng lầu kế bên. Lực lượng võ trang cánh Công vận chiếm lĩnh trường Thái Bình Dương, đối diện bót địch. Lực lượng phục vụ chiến đấu chốt sẵn tại nhà bảo sanh Hương Lan, trên đường Mạnh Tử. 2 giờ sáng, nhóm võ trang Công vận bắt đầu nổ súng để thu hút sự chú ý của địch về phía Trường Thái Bình Dương trên đường Hùng Vương.

Nhóm võ trang cánh quân sự tiến sát đến tường rào đặt 2 quả mìn rồi kích nổ, đánh sập mảng tường lớn của bót Hòa Hòa. Không khí hoảng loạn bao trùm đám cảnh sát bên trong bót, chúng không kịp phản ứng, lo tìm chỗ trú thân, một số cởi bỏ sắc phục để thoát thân. Phía bên ngoài, các chiến sĩ tiếp tục bao vây, áp đảo địch bằng những loạt đạn chính xác cùng tiếng hô “xung phong”. Do quân ta không kịp vào tiếp tế, sau một thời gian bám trụ trận địa, tương quan lực lượng dần nghiêng về phía địch. Chỉ huy trận đánh quyết định cho lực lượng rút lui về các xóm lao động để tiếp tục công tác võ trang tuyên truyền.

Cán bộ chiến sĩ cải trang thành những người dân chạy loạn để rút lui ra khỏi khu vực địch đang bao vây. Trong trận này, hai đồng chí Lý Phong và Lý Cảnh Hớn đã hy sinh. Hai chiến sĩ bị thương, trong đó có chiến sĩ trẻ Tiểu Minh mới 13 tuổi, cùng 8 nữ công nhân phục vụ trận đánh bị địch bắt.

Ngày 20-1, CLB Kháng chiến-Khối người Hoa đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968-2008). Đến dự có các đồng chí Võ Trần Chí, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.

Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Thành Tài thay mặt Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo TP cảm ơn đồng bào Hoa đã tích cực tham gia và có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, góp phần làm tăng thêm sức mạnh đại đoàn kết dân tộc-truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam.

Ở khu vực Xóm Củi, quận 8, toàn bộ lực lượng thuộc Ban cán sự xóm lao động đều được tập trung ngay trong ngày mùng 1 tết. Đám tề điệp hốt hoảng bỏ chạy. Các chiến sĩ cách mạng đã hoàn toàn làm chủ địa bàn, treo cờ Mặt trận và biểu ngữ: “Hoan hô quân giải phóng” trên đường Bạch Vân, tổ chức những buổi võ trang tuyên truyền trong khu vực hẻm đường Phong Phú, phân phát truyền đơn, giải thích chủ trương chính sách của Mặt trận, kêu gọi thanh niên tham gia bộ đội để đánh đuổi đế quốc Mỹ và đám tay sai ngụy quyền Sài Gòn. Lực lượng được chia đều thành nhiều tổ đi vào khắp xóm cảnh cáo những tên ác ôn trú ngụ trong xóm, tiêu diệt 2 tên cảnh sát.

Trong khu vực Ba Lò, sau cuộc họp tại nhà một cơ sở ở gần cầu Cây Gõ, các đồng chí Cao Sơn, Bảy Liên, Năm Anh phân công nhau phụ trách các khu vực Lò Siêu, Lò Gạch, Lò Gốm, tổ chức vận động quần chúng đồng loạt nổi dậy làm chủ địa bàn. Tối mùng 4 tết, các đồng chí đã tổ chức mít tinh với sự tham gia của hàng trăm bà con. Đồng chí Bảy Liên đứng ra nói chuyện và kêu gọi thanh niên tòng quân đánh giặc. Ngay sau đó, 20 thanh niên đã tình nguyện lên đường tham gia bộ đội. Tối mùng 7 Tết, với sự dẫn đường của giao liên cánh Hoa vận, bộ đội chủ lực đã tiến vào khu vực Ba Lò.

Song song với các hoạt động võ trang, vận động nhân dân nổi dậy làm chủ địa bàn, tổ chức lực lượng giáng trả các đợt phản kích của địch, lực lượng của Ban cán sự Hoa vận và các đội tự vệ công nhân trong các nhà máy cũng đồng loạt tiến hành các hoạt động tuyên truyền trực quan như: treo cờ giải phóng, trương biểu ngữ, rải truyền đơn và hiệu triệu của Mặt trận Giải phóng ở các trường học, nhà máy và các nơi công cộng. Sự tham gia tích cực của các chiến sĩ và đồng bào Hoa khu vực Chợ Lớn, quận 8… đã tạo nhiều thuận lợi cho chiến lược tấn công giặc ngay trong lòng thành phố.

Q. Lâm - M. Anh (tổng hợp)

- Kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968-2008):
  Tấm lòng của những người thợ

Tin cùng chuyên mục