Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hồi đất cần minh bạch, đúng Hiến pháp

LTS: Ngày 5-1, Báo SGGP mở diễn đàn góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau khi chuyển tải ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà quản lý, các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bạn đọc tiếp tục tham gia với nhiều ý kiến tâm huyết. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của luật sư, doanh nghiệp về vấn đề này.
Cần hạn chế thu hồi đất, nhất là đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Vũ
Cần hạn chế thu hồi đất, nhất là đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Vũ

Luật sư PHẠM QUANG HIỆP (Đoàn Luật sư TPHCM): Cần chú trọng sự hợp tác của người dân

Tôi rất phấn khởi với chủ trương lấy ý kiến góp ý của nhân dân với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Như vậy, luật sẽ sớm đi vào cuộc sống. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là điều hẳn nhiên, nhưng làm sao để người dân sẵn sàng hợp tác, đồng thuận chủ trương là một trong những nội dung cần tập trung trong dự thảo lần này.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ đa chiều tương tác của các luật có liên quan để đảm bảo thống nhất, không trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn; đặc biệt là không hạn chế, cản trở các hoạt động thuộc các lĩnh vực có liên quan, nhất là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta xác định. Cần có những quy định riêng cho quyền tiếp cận đất của dân tộc thiểu số; làm rõ những thuật ngữ liên quan đến “Quyền sử dụng đất”; cần quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền sử dụng đất của các đối tượng yếu thế trong xã hội…

Luật sư TRẦN MINH HÙNG (Đoàn Luật sư TPHCM): Hạn chế tối đa việc thu hồi đất nông nghiệp

Tại khoản 3, Điều 54, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh; phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Tuy nhiên, khi cụ thể hóa trong Luật Đất đai, ý nghĩa của cụm từ “trong trường hợp thật cần thiết” và “vì lợi ích quốc gia, công cộng” đã không còn đảm bảo cả hình thức và nội dung về sự cần thiết theo Hiến pháp. Cụ thể, tại điểm c, Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất thu hồi do HĐND tỉnh quyết định là dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn chỉnh trang đô thị; cụm công nghiệp; khu sản xuất chế biến; nông sản; lâm sản; thủy sản; hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”. Các nội hàm như “Chỉnh trang đô thị”, “Khu đô thị mới” khó có thể hiểu được là “thật cần thiết” hay không? Đây là điểm cần xác định rõ.

Đồng thời, cần làm rõ vai trò Nhà nước về chức năng đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý. Tại Điều 3 Hiến pháp 2013 quy định: “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Khái niệm Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đã được quy định trong Luật Đất đai, giao cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm này (tại Điều 2 Luật Đất đai). Theo quy định, việc thu hồi đất thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh, nhưng với hàng ngàn, hàng vạn dự án khác nhau, HĐND cấp tỉnh không thể có điều kiện xem xét quyết định (nhất là các dự án thuộc diện chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, dự án công ích…). Trong thực tế, quyền thu hồi đất này chỉ nằm ở một số đơn vị tham mưu và người có chức, có quyền, thiếu hẳn quy chế công khai minh bạch, dân chủ, giám sát của cộng đồng; đa số trường hợp thực hiện theo cơ chế xin - cho, không đấu thầu, gây tổn thất rất lớn, tạo điều kiện phát sinh tham ô, tham nhũng và lợi ích nhóm.

Ngoài ra, vừa qua cũng có những ý kiến đề nghị giảm đến mức tối đa việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; hạn chế việc thu hồi đất ở, đất phi nông nghiệp, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án đặc biệt quan trọng do Quốc hội quyết định; quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đảm bảo quy chế công khai minh bạch, dân chủ, giám sát của cộng đồng. Theo tôi, những vấn đề này cần được xem xét thấu đáo.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Mỹ (quận 12, TPHCM): Coi bất động sản là hàng hóa thông thường

Tôi cho rằng, việc sửa đổi các vướng mắc hiện nay liên quan đến thị trường bất động sản cần lấy Luật Đất đai làm luật gốc, từ đó sửa các bộ luật liên quan. Trong Luật Đất đai ban hành sắp tới, phải coi bất động sản là một sản phẩm hàng hóa, mua đi bán lại trong xã hội, do đó cần giảm càng nhiều thủ tục hành chính càng tốt, để việc mua bán được thuận lợi. Các thủ tục hành chính cần phải ủy quyền cho các đơn vị chức năng, phân cấp phân quyền, càng cụ thể càng tốt.

Hiện nay, bất động sản là một chuyên ngành phức tạp nhưng có nhiệm vụ thúc đẩy hàng loạt ngành kinh tế khác, nên phải có sự tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Nhưng theo thống kê, có khoảng 12 luật tác động vào bất động sản và có tới 60 luật có liên quan . Theo tính toán của chúng tôi, xét về thủ tục hành chính cho một dự án bất động sản thì phải có 36 con dấu thì mới hoàn thành. Tôi cho rằng, thủ tục hành chính về bất động sản vô cùng phức tạp. Vậy sửa điều này như thế nào? Chúng tôi tán đồng quan điểm phải lấy Luật Đất đai, Luật Đầu tư làm 2 luật nền, để từ đó các luật chuyên ngành lấy 2 luật này làm cơ sở sửa đổi, thì mới có thể tháo gỡ những tồn tại vừa nêu.

Tin cùng chuyên mục