Đánh giá này dựa trên kết quả khảo sát về xu hướng du lịch của du khách Hồi giáo ở 130 điểm đến trên toàn cầu.
Trong bảng xếp hạng nhóm quốc gia nằm trong Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC), Malaysia giữ vị trí đầu bảng, trong khi Indonesia xếp ở vị trí số 3. Ở bảng xếp hạng còn lại thuộc nhóm không nằm trong OIC, Singapore giữ vị trí số 1, tiếp sau là Thái Lan. Kết quả đánh giá này cho thấy, Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách Hồi giáo.
Trong bảng xếp hạng nhóm quốc gia nằm trong Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC), Malaysia giữ vị trí đầu bảng, trong khi Indonesia xếp ở vị trí số 3. Ở bảng xếp hạng còn lại thuộc nhóm không nằm trong OIC, Singapore giữ vị trí số 1, tiếp sau là Thái Lan. Kết quả đánh giá này cho thấy, Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách Hồi giáo.
Trong năm 2017, cả thế giới đón khoảng 131 triệu lượt khách Hồi giáo, tăng hơn 10 triệu lượt so với năm 2016. Theo dự đoán, con số này trong năm 2020 là 156 triệu lượt khách, chiếm 10% toàn bộ nền kinh tế du lịch thế giới. Thị trường du khách Hồi giáo được dự báo là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, nhờ vé máy bay rẻ và sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu Trung Đông. Ước tính của Mastercard - CrescentRating cho biết, đến năm 2020, chi tiêu của du khách đạo Hồi trên toàn cầu đạt mức 220 tỷ USD. Con số này dự kiến tăng lên 300 tỷ USD trong năm 2026. Riêng khu vực Đông Nam Á sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách đạo Hồi vào năm 2020.
Thức ăn ngon, phong cảnh đẹp và mua sắm hợp túi tiền là cảm nhận chung của du khách Hồi giáo khi chọn Đông Nam Á là điểm du lịch ưa thích. Do sớm nắm bắt được xu hướng trên, Malaysia đã đẩy mạnh đầu tư vào ngành dịch vụ du lịch dành cho du khách đạo Hồi. Từ năm 2009, Malaysia đã cho ra mắt Trung tâm du lịch Islamic (ITC). Thông qua ITC, du khách đạo Hồi dễ dàng chọn lựa nhiều dịch vụ du lịch đa dạng. Cũng phải kể đến hệ thống khách sạn có dịch vụ chuyên nghiệp, cung cấp tiện nghi phù hợp cũng như tuân thủ theo chế độ ăn uống của Hồi giáo tại Malaysia. Đến Malaysia, du khách đạo Hồi có thể dễ dàng chọn lựa các món Halal với mùi vị đặc trưng ở nhiều nhà hàng, quán ăn.
Ở sân bay, trung tâm mua sắm và khách sạn tại Malaysia đều có phòng cầu nguyện cho các tín đồ theo đạo Hồi. Một số khách sạn còn cung cấp các tour trọn gói đón khách đến các địa điểm linh thiêng Hồi giáo trong khu vực gần khách sạn... Là quốc gia có tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới, Indonesia cũng đang ra sức củng cố vị trí tốp 3 quốc gia thân thiện nhất với du khách Hồi giáo thông qua chiến dịch quảng bá du lịch Wonderful Indonesia trên toàn thế giới. Với sự hỗ trợ của Bộ Du lịch Indonesia, nước này đã mở rộng chuỗi khách sạn du lịch phục vụ nhu cầu của du khách Hồi giáo đến từ Trung Đông. Theo thống kê, độ chịu chi của những người theo đạo Hồi chỉ xếp sau du khách Trung Quốc. Do vậy, với lợi thế là quốc gia có đông tín đồ đạo Hồi, Jakarta đã nghĩ ra nhiều sáng kiến, như chào mời các gói du lịch thân thiện, thiết kế Liên minh du lịch Halal toàn cầu và một ứng dụng trên điện thoại giúp hướng dẫn tham quan các địa điểm ấn tượng tại Indonesia, truy cập ngay trên điện thoại.
Thái Lan và Singapore cũng đang tăng tốc trong cuộc đua cạnh tranh mang lại nguồn lợi nhuận lớn từ du khách Hồi giáo. Ngoài chiến lược du lịch mang tên “Tiêu chuẩn Hồi giáo Halal”, Thái Lan tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất thực phẩm Halal. Hiện có 3.000 doanh nghiệp Thái Lan sản xuất hàng chục ngàn chủng loại sản phẩm Halal cung cấp tới nhiều nước trên thế giới. Riêng Singapore thì có thế mạnh trong việc cung cấp dịch vụ du lịch chuyên nghiệp và quảng bá các điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa Hồi giáo như Kampong Glam, Little India hay chợ ẩm thực Lau Pa Sat…