Động vật hoang dã, còn đâu...

Chống buôn bán động vật hoang dã là chủ đề của một cuộc hội thảo tại TPHCM mới đây, theo đó có đến 108 loài động vật hoang dã bị buôn bán trên mạng. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cho rằng khó xử lý được vì buôn bán trên mạng mang tính ẩn danh và ảo...  Đó là chuyện trên internet, còn thực tế trên khắp mọi nẻo đường, nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra công khai trước mắt mọi người. 
Động vật hoang dã, còn đâu...

Chống buôn bán động vật hoang dã là chủ đề của một cuộc hội thảo tại TPHCM mới đây, theo đó có đến 108 loài động vật hoang dã bị buôn bán trên mạng. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cho rằng khó xử lý được vì buôn bán trên mạng mang tính ẩn danh và ảo...  Đó là chuyện trên internet, còn thực tế trên khắp mọi nẻo đường, nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra công khai trước mắt mọi người. 

Động vật hoang dã, còn đâu... ảnh 1

Chợ bán động vật hoang dã công khai trên quốc lộ 62. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Nỗi buồn chim chóc

Đồng Tháp, Hồng Ngự, Mộc Hóa - vốn là rốn lũ của miền Tây - năm nay khô trơ gốc rạ. Một người bạn đi cùng xe cho biết, mọi năm vào mùa lũ, đi trên quốc lộ 62 từ huyện Tân Thành về Mộc Hóa, các bác tài xe ôm phải tháo ống pô, nối ống vác lên vai mới chạy được. Năm nay, lũ quay lưng không riêng với Đồng Tháp mà cả miền Tây. Nông dân sống nhờ lũ, con tôm con cá nhờ nước lũ xuôi về hạ lưu, đồng ruộng, bãi bồi trông chờ phù sa cũng từ lũ... Vậy mà chẳng thấy gì, nước mặn được dịp lấn vào... Biết bao người nặng lòng với mùa nước lũ phải thở vắn than dài.

Anh Ba Thảo sinh sống kỳ cựu ở thị xã Kiến Tường (huyện Mộc Hóa) hơn 60 năm nay, nói rằng: “Không năm nào kỳ cục như năm nay, hết mùa mưa rồi mà lũ lớn, lũ nhỏ cũng biệt tăm”. Anh Ba Thảo nói, những năm trước đi trên phố xá thị xã phải xăn quần tới bẹn. Còn chúng tôi thấy những đê bao xây cao hơn 1m để chống lũ bao quanh các khu phố, chợ... giờ trông như “biểu tượng” của một thời... Sau bữa ăn trưa do những chiến hữu của anh Ba Thảo đãi mấy món đặc sản hoang dã, chúng tôi được Huy, một thổ địa vùng biên cương hướng dẫn lên tham quan cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia, cách thị xã Kiến Tường 6km. Cửa khẩu xây khá bề thế, có hai lớp cổng của ta và của bạn. Phía bên đất bạn lồ lộ những tòa nhà xây dựng kiên cố, đó là các casino. Người dân hai bên tỏ ra “quen mặt” với các anh lính biên phòng đôi bên. Đứng bên này cửa khẩu, chúng tôi thấy có những chiếc xe máy chở đôi, xuống xe dẫn bộ qua cổng rồi lên xe phóng vù vù. Người ngồi sau xe máy vác trên vai một bao to... Cứ ngỡ những người đó “trúng quả” từ casino với một bao bạc! Hóa ra không phải, người hướng dẫn cho biết trong bao đó có khi là chuột đồng, khi thì các loại rắn, rùa, hoặc là đủ thứ loài chim... Không có cá tôm mùa lũ, người dân hai bên biên giới quay sang làm thợ săn các loài động vật, chim chóc bán cho các vựa động vật hoang dã đầy rẫy trên quốc lộ 62, hoặc các nhà hàng quán nhậu dưới thành phố...  L.A. một giáo viên đi chung trong đoàn chúng tôi nhăn mặt, bày tỏ nỗi niềm cảm thương cho số phận những loài chim chóc chẳng may bị sập bẫy. Trước khi chia tay, anh bạn dẫn đường còn nhắn nhủ: Muốn chứng kiến hoặc thưởng thức đặc sản “độc”, hãy ghé ngã ba N2 và quốc lộ 62, ở đó chẳng thiếu thứ  gì...

Chim lồng, rắn... chậu

Ngã ba N2 thuộc thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa (Long An) có con đường mang tên N2 rẽ về Thủ Thừa, Đức Hòa (Long An) và Củ Chi (TPHCM); còn lộ 62 xuôi về TP Tân An, quốc lộ 1A. Ở ngã ba này, nếu ai có nỗi buồn chim chóc như cô giáo trên, ắt lòng càng thêm trĩu nặng. Bởi cạnh ngã ba sát thị trấn Thạnh Hóa là hàng dãy nhà mà trong mỗi căn chất tầng tầng, lớp lớp những lồng sắt, xô, chậu... nhốt không biết cơ mang nào là chim đủ loài và rắn, trăn, rùa, chuột... Ở đây có đủ các loại “đặc sản” xuất xứ từ đồng ruộng cho đến núi rừng (tạm gọi là chợ chim). Xe chúng tôi vừa dừng bánh, lập tức có gần chục người từ trong chợ ùa ra mời mọc, chèo kéo... Cả một dãy hơn 20 căn nhà lá cất lên tạm bợ, vừa làm nơi trữ các loài chim và một số động vật hoang dã; vừa làm nơi giao dịch, mối lái, mua bán giữa các tay săn bẫy, thương lái và khách hàng vãng lai.

Chúng tôi rảo qua một lượt khu chợ này mà phát ngộp bởi tầng lớp những lồng nhốt đầy các loại chim trời, chim nước như: dòng dọc, le le, vịt trời, gà sao, gà nước, một số loài cò, chích chòe, cu nước, cồng cộc, se sẻ, bồ nông, vạc, bìm bịp… Dưới các dãy chuồng là hàng loạt lồng sắt, xô, chậu  “nhốt” chuột, rùa, trăn, rắn… Phía trước dãy lồng có từng chùm chim đủ thứ lớn nhỏ bị treo ngược lủng lẳng như vừa để trưng bày cho bắt mắt, vừa để thu hút du khách. Tội nghiệp cho những chú chim bị nhốt, bị treo lâu nên đôi cánh xụi lơ, mắt mở không lên, không còn cất nổi tiếng kêu theo bản năng của loài lông vũ; còn đám chuột, rắn, rùa, kỳ đà… nằm co ro, quấn lấy nhau chịu trận. Anh Ba Thảo cho biết, chợ chim này hình thành khá lâu rồi, khi Nghị định 160 ra đời năm 2013 thì chợ chim tạm lắng, nhưng 2 năm trở lại đây lại sôi động lên.

Quả vậy, chúng tôi dừng lại nơi đây chưa đầy một giờ mà khách hàng nườm nượp không dứt. Những xe du lịch, xe khách, xe tải liên tục tấp vào chợ chim. Những người từ trên xe 7 chỗ (mang biển số TPHCM) bước nhanh vào “gian hàng” bán chuột, rắn coi qua rồi hỏi giá… Cô bán hàng nói chuột cống nhum 75.000 đồng/kg, rắn hổ hành 300.000 đồng/kg, rắn hổ đất 450.000 đồng/kg. Mấy vị khách cho rằng: “Rẻ chán. Ở thành phố, vô quán giá phải gần gấp đôi. Mua luôn mỗi thứ 4kg về đãi chiến hữu”.

Thế là những chú chuột bằng cườm tay được lôi ra khỏi lồng, những con rắn trong chậu oằn oại trong đôi  tay chuyên cắt cổ mổ bụng những con vật này khi có yêu cầu của khách. Cô gái bán hàng còn trẻ măng, thoáng chốc đã mổ bụng, lột da xong hàng chục con chuột, chuyển qua cắt tiết mấy con rắn. Ở gian hàng bên cạnh cũng sôi động khi có mấy tài xế xe tải quơ hết mấy chùm chim chàng nghịch, cò, gà nước treo lơ lửng, cộng thêm 5kg chim sẻ thành phẩm thui lông tại chỗ.

Cấm cứ cấm, bán cứ bán

Động vật hoang dã, còn đâu... ảnh 2

Chim hoang dã bị bắt đưa về các nhà hàng để sẵn sàng phục vụ khách nhậu Ảnh: NHƯ KHUÊ


Quan sát các gian hàng buôn bán động vật hoang dã ở khu chợ chim Thạnh Hóa, chúng tôi nhận thấy có một số loài đã được xác định trong danh mục sách đỏ của NĐ 160 đều hiện diện trong các lồng, chậu như cò, rắn, rùa, chim, dơi, le le, vịt trời… Một nghịch lý không biết nên cười hay mếu, khi đối diện chợ chim này có những tấm bảng to đùng của chính quyền địa phương kêu gọi bảo vệ sinh vật hoang dã, nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt các loài sinh vật có trong danh sách cần bảo vệ. Nhưng mặc cho các bảng cấm trơ gan trong nắng gió, chợ chim bên này vẫn ngày đêm buôn bán ì xèo… Tôi hỏi cô gái vừa rảnh tay sau khi giao cho khách gần chục ký rắn, chuột, chim… sơ chế tại chỗ: “Có bảng cấm bên kia, bên này bán không sợ sao?”. Cô gái trả lời tỉnh queo: “Em có đi săn bắt đâu, người ta bẫy sẵn đem về sang lại, em ngồi tại chỗ chỉ là trung gian thôi mà!”.

Để có đủ nguồn cung theo nhu cầu của thị trường, các tay thợ săn, bẫy ngày đêm lùng sụt khắp nơi. Với đặc điểm của những cánh rừng tràm bao la, cây bụi, đồng ruộng mênh mông, là điều kiện lý tưởng cho nhiều loài sinh vật cư trú, sinh sản và phát triển. Dựa vào điều kiện thuận lợi đó, những tay săn bẫy xem đây là cơ hội làm ăn, giúp họ có thu nhập cao gấp nhiều lần so với các nghề khác.

Anh Ba Q., một tay săn có tiếng, giờ đã gác lưới, cho biết, loại bẫy hiệu quả nhất được các thợ săn thường dùng là bẫy lồng sập, bẫy dây thòng lọng, bẫy keo dính… vào ban ngày; còn ban đêm dùng lưới giăng để lùa cả đàn vào lưới (chim sẻ thường là nạn nhân của bẫy lưới). Anh Ba Q. nói rằng, hiện bẫy lồng sập thông dụng nhất vì bẫy được nhiều loài chim và chim sập bẫy vẫn lành lặn nên có giá bán cao; vừa bán cho người ăn thịt vừa bán được cho người chơi chim cảnh.

Cô gái ở chợ chim cho biết, giá thu mua từ các tay săn chim lên xuống vô chừng, trung bình chào mào mồng má đỏ mua giá 150.000 đồng/con, gà nước 130.000 đồng/con; cò có giá cao gấp đôi; le le, vịt trời, cu đất… chênh lệch đôi chút. Cô còn cho biết thêm, nguồn hàng đến từ các tay săn ở rừng Vườn quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp, miệt Bảy Núi - An Giang, ở các cánh đồng Mộc Hóa, Hồng Ngự. Nếu các khu vực đó cạn nguồn thì họ qua bên kia biên giới thuộc các tỉnh Svay Riêng, Prey Veng, Takeo (Campuchia) để săn mồi.

Tại hội thảo “Xây dựng mạng lưới thanh niên giám sát nạn buôn bán động vật hoang dã” do Tổ chức Hành động vì động vật hoang dã phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã tổ chức vào ngày 23-11 vừa qua tại TPHCM, thể hiện nỗi quan tâm, bức xúc của lớp trẻ hiện nay nhằm ngăn chặn tệ nạn mua bán động vật hoang dã. Anh Trần Ngọc Ẩn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười, tâm tư: “Chim rừng lẽ ra phải được tự do bay nhảy theo bản năng tự nhiên, thế nhưng vì lợi ích kinh tế, “gu” nhậu đặc sản của các tay có tiền, cùng thú chơi của nhiều người mà các loài chim rừng có nguy cơ bị tận diệt”. Anh Ẩn cho biết, từ khi Nghị định 160 ban hành, anh đã vận dụng vào các tiết học phụ đạo cho học sinh về ý nghĩa của việc bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm, vận động gia đình, người thân, bạn bè…thực hiện tốt các điều ghi trong nghị định. Nghe anh Ẩn nói, chúng tôi cũng lắng lòng tự hỏi: Lớp trẻ đã sớm nhận thức vấn đề, còn người lớn chẳng nhẽ cứ… vô tư ?

TRỊNH HẢI

Tin cùng chuyên mục