1- Gã bạn mươi năm không gặp chợt alô, cái giọng vẫn khê khê chầm chậm: “Năm nay lũ đẹp, về chơi không?”. Về không, thân thuộc như gọi về nhà. Bâng khuâng, rồi một cơn gió chợt thổi qua lồng ngực, để ùa về muôn năm cũ. Khép mắt, thấy mênh mang nước bốn bề, con xuồng hắt hẻo, bông điên điển vàng ươm. Thấy căn nhà phía trước là mặt lộ lấp xấp nước, phía sau sóng vỗ oàm oạp. Thấy chiều muộn và những chiếc đò máy lạch bạch bươn bả. Rồi thấy bốn năm đứa bận quần xà lỏn khoanh chân, quanh tấm đệm bên bếp, ôm cái ly xây chừng kể chuyện hồi con nít. Và rồi một đứa quơ cái đàn, gẩy tằng tằng hát bài gì giờ quên rồi không nhớ.
Mấy mươi năm, vụt vèo như gió thoảng. Lời rủ rê của bạn chợt làm ký ức lượn về, lúc nhẹ như thoáng heo may, lúc ào ào như cơn gió chướng. Mở đĩa, nghe danh ca Bocelli hát bài Por ti volare. Khép mắt. Bài hát bằng tiếng Ý, mà tâm tưởng lại thoắt bay về một góc bếp miền Tây mùa nước nổi. Nhớ câu vọng cổ tỏa trên sông. Có cảm giác như đang nghe hò lìu xang xê cống, líu cống líu cống xê xang... Và Út nữa.
2- Út gọi thằng bạn bằng cậu, cho nên một lũ bạn về chơi nhà hắn ở Long Trì (Long An), cũng đồng loạt lên vai cậu hết trọi, theo thứ ở nhà mỗi đứa. Mình là cậu Năm, ông Dinh “già” là cậu Hai, Phú “râu” là cậu Bảy. Út mười sáu, là con đầu của chị Hai thằng bạn. Tuổi mười sáu tròn trăng, mắt đen lay láy, nụ cười bẽn lẽn. Chiều dọn cơm xong, Út lui cui ngoài sàn nước, hát thập thõm: Trời tháng Tư em mặc áo hoa cà/ Qua ngõ nhà anh, em kéo nghiêng vành nón/ Giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng... ăng...
Chợt rần người. Lần đầu tiên nghe vọng cổ ở miền Tây. Giọng Út thì chưa có hơi lắm, nhưng câu vọng cổ cứ quyện vào mùi rơm rạ, khói bếp, quấn quít với cơn gió chiều, nghe xao xác lạ. Út hay nhìn cậu Năm bằng cái nhìn khó tả, làm “cậu” cũng thấy ngượng ngùng. Một thằng con trai Bắc có chút nhạy cảm, đủ để hiểu trong cái nhìn ấy là gì. Út thuộc nhiều bài, nhưng không lần nào hát cho trọn. Cứ nhảy qua con mương hái rau là một hai câu, cắt thanh long là một câu của bài khác.
Rồi cả đám kéo nhau đi chở mướn lá dừa nước, chở lúa cho nhà máy xay. Ở nhà bạn, ai làm gì mình làm nấy. Từ Long Trì, chạy qua Tiền Giang. Ngồi lắc lẻo trên đống lá dừa chất đầy rờ-moóc máy cày, người đong đưa theo nhịp xe dọc con đường dằn tưng tưng. Chiều buông, đứa nào cũng mệt lử khử.
Ăn tối xong cũng đã chín mười giờ. Đi về bằng thuyền. Trăng hạ tuần chênh chếch. Ông tài công già bất chợt nổi hứng, khà một tiếng rồi cất giọng:
Từ là từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng thêm đau
Đường dù say ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin chàng
Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Xin chớ phũ phàng...
Trời ơi sao mà thấm. Mãi về sau mới biết ấy là bản Dạ cổ hoài lang. Còn lúc đó, trong cái trăng nhạt hạ tuần, chỉ thấy sởn gai ốc. Một cái gì đó loang ra khắp thinh không, như một hương thơm bảng lảng mà quay quắt. Âm điệu câu ca cứ da diết như cảnh chia lìa biệt ly. Thằng con trai hai mốt tuổi bó gối ngồi trong góc thuyền, vịn tay vào ánh trăng để thả hồn vào đêm.
Từ Long Trì, lại qua Châu Phú (An Giang). Trước khi đi, Út lựa lúc cậu Năm đứng một mình sau hè mới hỏi khẽ: “Rồi cậu còn về đây không?”. “Chắc hè sang năm Út à. Đi học thì bận lắm”. Út cúi mặt vân vê tà áo, giấu đôi mắt ầng ậng đỏ hoe. (Hè hai năm sau cậu Năm mới trở lại, Út đã có hai con. Nghe nói vậy thôi, chứ Út bận đi đâu đó, không ghé chào. Cánh bằng lăng tím ngắt của Út đã gửi ở nơi nào rồi Út ơi!).
Mùa nước nổi. Ở nhà thằng bạn khác. Cũng bày đặt mượn xuồng chèo đi hái bông điên điển về đổ bánh xèo, suýt chết đuối vì xuồng lật mà không biết bơi. Nước mênh mang, hết ngồi xuồng ngồi ghe là leo lên nhà, chứ biết đi đâu. Trong những ngược xuôi, nghe lại Dạ cổ hoài lang biết bao lần. Và không lần nào thấm như lần ở trên thuyền đêm hạ tuần trăng chếch ấy.
Tiếng vọng cổ như lời thầm ước hẹn, bao lần làm bước chân mình rẽ về miền sông nước. Có một đêm, ngồi chờ phà ở bắc Cần Thơ (hồi đó chưa có cầu). Thằng nhỏ bán đậu phộng luộc mời mua một lon, rồi hứng chí ca: “Trời tháng Tư em bận áo hoa cà...” làm mình bật cười. Xuống phà. Gió sông hòa vào nước sông ràn rạt. Thèm được nghe vọng cổ. Gió lạnh thấy mồ, có ai cất giọng được đâu. Bèn bập bõm hát thầm bằng giọng Bắc: Gió lên lay động hoa bằng lăng thướt tha/ Hoa diễm kiều, hoa mặn mà/ Màu hoa tươi thắm lắm hoa ơi/ Cũng như câu chuyện tình ta ngát hương…
Ở lúc khác chắc đã nghĩ lời ca gì mà sến quá. Nhưng một mình phiêu dạt giữa khuya, chỉ có gió và sông, nhớ gì hát nấy, cũng thấy hơi ấm tỏa từ lồng ngực.
Có lẽ, tâm cảm của một kẻ tha hương mấy mươi năm, cộng với cái tính hay xê dịch mới làm mình gặp được vọng cổ ở miền Tây. Duyên kỳ ngộ. Nghe vọng cổ ở một miền đất khác, chắc chẳng có ấn tượng gì. Nhưng ở một miền mà nhịp sống chầm chậm, con nước lênh dòng chở lục bình tím ngắt, vọng cổ cứ thấm vào từng mao mạch. Ngã ba sông thoắt thành ngã ba của nỗi nhớ, rẽ hướng nào cũng cứ thấy bâng khuâng.
3- Sài Gòn đêm mưa dầm.
Hẻm nhỏ phía dưới ướt nhòe trong ánh đèn đường nhập nhoạng. Chung cư cũng là một con hẻm ở trên cao. Có một xe hủ tiếu nấp dưới mái hiên phía dưới. Nẻo khuya trầm xuống trong nhịp gõ lắc cắc rao hủ tiếu. Ế khách, mưa mà! Chợt từ phía đó hắt lên giọng ca vọng cổ, hình như là của Thanh Kim Huệ. Tiếng băng đã hơi nhão, nhưng vẫn xuyên qua mưa khuya, dù tiếng được tiếng mất. “Em giữ cánh hoa xưa như giữ một nụ cười... Nhớ con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu. Em mơ ước ngày đất lành chim đậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà”.
Người phiêu dạt, mang theo câu ca dằn lòng để ấm trong đêm mưa tha phương. Đã mang xa được như thế, trong những đêm như thế, giữ câu ca trong lồng ngực, thì thế nào mà mất được.
Ừ, rồi mình sẽ lại tấp tểnh về miền Tây thôi nhỉ. Để có vàng ươm bông điên điển, để thấy nước chẳng có bờ. Để ngồi tàu đò xuôi ngược, để tìm lại lời đồng vọng trong những câu ca của người muôn năm cũ...
VŨ THƯỢNG