Dự án trên được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép ngày 17-8-2017, có tổng diện tích 24.477m2; trong đó, hạng mục có tận thu khoáng sản là 20.000m2 với mức khai thác sâu 7m - 8m. Thời hạn khai thác 12 tháng với khối lượng đất san lấp là 49.012m3, đất sỏi đỏ gần 3.000m3, đất sét gạch hơn 56.000m3. Sau khai thác phải tiến hành hoàn nguyên môi trường theo quy định pháp luật và giữ nguyên mục đích ban đầu của dự án.
Quá trình khai thác của dự án trên đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống đường giao thông nội bộ của xã, đường ĐT 741 đi qua khu vực, gây ra tình trạng trời nắng thì bụi đất mù mịt, trời mưa thì ngập nước. Đặc biệt là hiểm họa tai nạn giao thông luôn rình rập, bởi đây là khu vực đông dân cư, gần các tuyến đường giao thông quan trọng.
Nhiều người dân đã chất vấn các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương và huyện Phú Giáo trong cuộc tiếp xúc cử tri xã Phước Hòa ngày 24-10.
Ông Nguyễn Văn Tâm (74 tuổi, cử tri xã Phước Hòa) nêu ý kiến: Dự án với mục đích chính là đào ao nuôi cá nhưng người dân thấy chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc đào đất lên bán cho các đối tác san lấp mặt bằng, lấy đất sét làm gạch (nhà máy gạch chỉ cách vị trí dự án vài trăm mét) với số tiền thu được khá lớn (giá bán 1,3 - 1,5 triệu đồng/xe đất khoảng 8m3), khiến nhiều người bức xúc.
Nhiều người dân khác sống gần DA thì bày tỏ thắc mắc khi cơ quan chức năng cấp phép khai thác thủy sản, đào ao, dẫn đến hình thành hầm đất có diện tích lớn ngay trong khu dân cư. Với độ sâu hầm đất hiện tại đến 8m, có chỗ đã sâu 11m thì nguy cơ gây sạt lở, rủi ro đối với dân cư nơi đây là khá lớn. Vì vậy, đến nay vẫn còn nhiều hộ dân không đồng tình cho cấp phép khai thác. Sau một năm kể từ khi dự án được cấp phép, chính quyền địa phương và ngành chức năng mới lập tổ kiểm tra thực địa tại cơ sở này với các thành viên là đại diện của Sở TN-MT, UBND huyện Phú Giáo và UBND xã Phước Hòa.
Kết quả kiểm tra ghi nhận, có vị trí đã đào sâu tới 11m, gấp gần 1,5 lần so với độ sâu cho phép, nhưng doanh nghiệp vẫn đề nghị được gia hạn khai thác. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu kịp thời duy tu sửa chữa đường giao thông nông thôn để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Tăng cường tưới nước, dọn đất rơi vãi, vệ sinh đường sá trên đường vận chuyển. Nếu dự án được gia hạn thì toàn bộ khối lượng đất đá san lấp, đất đỏ doanh nghiệp không được vận chuyển ra ngoài và phải kê khai, nộp bổ sung thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khối lượng khoáng sản đã khai thác tận thu. Điều đáng nói, đoàn kiểm tra chỉ đánh giá mức độ hiện trạng khai thác so với giấy phép được cấp và chỉ làm việc với chủ đầu tư, không lấy ý kiến người dân trong khu vực về các tác động, hệ lụy của dự án này đối với cuộc sống người dân.
Hiện tại, chủ đầu tư đã ngưng các hoạt động khai thác để chờ giấy phép gia hạn. Thế nhưng, không ít người vẫn băn khoăn, liệu dự án đào ao nuôi cá sẽ “biến tướng” thành đào đất đem bán, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của người dân hay không?