Vì nhiều lý do, lượng khách Nga đến Việt Nam ngày một sụt giảm, khiến ngành du lịch các tỉnh miền Trung gặp khó khăn.
Khó chồng khó
Công ty Anex Việt Nam (trụ sở tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là đơn vị đứng thứ 2 về số lượng đưa khách từ Nga đến Việt Nam. Khách Nga đến Việt Nam thường thông qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa rồi mới đi các tỉnh lân cận tham quan, nghỉ dưỡng. Thế nhưng, theo đại diện Công ty Anex, họ sẽ ngừng các chuyến bay đưa khách từ Nga sang Việt Nam từ ngày 20-5-2015 và chưa biết thời gian nào phục hồi trở lại.
Nguyên nhân Công ty Anex đưa ra, một phần do thời gian qua đồng rúp Nga rớt giá, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của doanh nghiệp, họ phải bù lỗ mấy tháng qua để hưởng ứng chiến dịch kích cầu du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, thời gian qua họ cũng không cầm cự và cạnh tranh nổi với hoạt động du lịch “chui” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (báo SGGP số ra ngày 8-4 đã có bài phản ánh).
Theo lý giải của Công ty Anex, họ chịu trách nhiệm đưa khách từ Nga sang Việt Nam với các chi phí trọn gói, như vé máy bay khứ hồi, dịch vụ ăn ở, tắm biển và tham quan một số tour cố định trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Do đặc thù người Nga đi du lịch dài ngày, khi đến Việt Nam và miền Trung, họ có nhu cầu mua thêm các tour tham quan các điểm du lịch tại Khánh Hòa, Đà Lạt, Phan Rang, Phan Thiết, Đắk Lắk… nên việc bán thêm tour nội địa là nguồn thu chính của Anex duy trì hoạt động.
Một thời khách Nga nườm nượp tới miền Trung.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lương, Giám đốc Kinh doanh Công ty Anex Việt Nam, từ tháng 11-2014 đến nay bình quân mỗi tháng họ đưa khoảng 12.000 khách đến Việt Nam. Bình quân mỗi khách Nga, Công ty Anex thu về khoảng 100USD nhờ việc bán tour nội địa. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay, doanh số bán tour nội địa của Anex giảm bất thường, chỉ đạt khoảng 40%.
“Chúng tôi không có quyền “độc tôn” trong việc bán các tour nội địa cho khách Nga. Tuy nhiên, khách Nga do chúng tôi đưa đến, chúng tôi bán tour có bảo hành, uy tín và chịu mọi trách nhiệm với khách và cả với các cơ quan quản lý. Còn các tour “chui”, họ bỏ khách khi có sự cố, thậm chí họ tự ý cắt bớt các điểm tham quan, rút ngắn thời gian tham quan khác với lịch trình tour đã bán cho khách. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đối với uy tín du lịch, đặc biệt khi chúng ta đang nỗ lực kích cầu để giữ khách” - ông Lương bày tỏ.
Hệ quả thiếu bền vững
Trong vòng 3 năm qua, ngành du lịch miền Trung khởi sắc một phần do khách Nga đến đây tăng đột biến, đặc biệt là ở Khánh Hòa có hàng trăm khách sạn, nhà hàng Nga mọc lên. Vào thời gian này, đi đâu cũng thấy khách Nga chiếm đa số. Tuy nhiên, khi khách Nga “độc tôn”, nhiều ý kiến cũng quan ngại nếu có biến cố xảy ra, những địa phương có ngành du lịch vốn “sống nhờ” vào khách Nga sẽ trở tay không kịp, lúng túng.
Nhiều khách sạn tại Nha Trang cho biết, từ cuối 2014 đến nay công suất phòng đạt dưới mức trung bình do không có khách Nga. Các nhà hàng chuyên phục vụ khách Nga mọc lên một thời, nay đìu hiu. Ngoài ra, một lượng lớn lao động phục vụ khách Nga nay đứng trước nguy cơ mất việc làm. Anh Nguyên Huy Toàn, một hướng dẫn viên du lịch cho biết, năm 2014 bình quân mỗi tháng anh thu nhập khoảng 15 triệu đồng, nhưng từ đầu năm đến nay, thu nhập giảm chỉ còn 1/3. Nguyên nhân do khách Nga giảm và một lượng lớn người Nga đứng ra làm hướng dẫn viên khi đến Việt Nam, điều này đã khiến các hướng dẫn viên người Việt mất việc.
Công ty Anex Việt Nam ngừng đưa khách Nga sang Việt Nam, kéo theo đó là 160/170 nhân viên nghỉ việc, chờ hoạt động trở lại. Hơn thế, việc này còn vi phạm hợp đồng với các đối tác cung cấp xe chở khách. Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ánh Dương, bức xúc: “Chúng tôi đang tìm mọi cách để duy trì khách Nga, nhưng trái với những nỗ lực của doanh nghiệp, một bộ phận lớn tổ chức tour du lịch “chui” đang làm ảnh hưởng đến quá trình kích cầu của ngành du lịch”.
Trước thực tế này, bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Khánh Hòa, cho biết, việc sụt giảm khách Nga là điều bất khả kháng do đồng rúp rớt giá. Còn đối với việc hoạt động của các tour “chui”, tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để các tour “chui” rất khó vì phạm vi hoạt động rất rộng, phức tạp nên cần phải có thời gian.
VĂN NGỌC