Hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 22-12, hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” do Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia đầu ngành về kinh tế, du lịch, các nhà quản lý, doanh nghiệp.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Theo TCDL, trong năm 2017, du lịch Việt Nam thu hút khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 74 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 515.000 tỷ đồng, đóng góp 6,96% GDP…
Theo Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn, đó là những bước tiến rất quan trọng của ngành công nghiệp không khói, song đó mới chỉ là bước đầu và thành tựu này rõ ràng còn khiêm tốn so với tiềm năng, nguồn lực đang có và kỳ vọng của xã hội. So sánh với các nước khác trong khu vực cho thấy, du lịch Việt Nam vẫn còn yếu kém hơn nhiều, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, các cơ chế chính sách trong thời gian qua mới chỉ tác động cục bộ ở một số lĩnh vực chứ chưa tạo thành hệ thống toàn diện. Do đó, việc cơ cấu lại ngành du lịch cho phù hợp là việc làm cần thiết.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng không phải ngành nào cũng cần tái cơ cấu. Du lịch hiện nay đang trên đà phát triển tốt như thời điểm này khoan tính chuyện tái cơ cấu, mà cần tập trung để ngành có thể tiếp tục tăng trưởng hơn nữa cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trước mắt, theo ông Cung, cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới du lịch theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch có nhiều tự do trong sáng tạo sản phẩm du lịch… Ví như: “Người ta trồng lúa trên sa mạc mới là hấp dẫn còn trồng lúa trên cánh đồng lúa là chuyện bình thường”, ông Cung dẫn chứng.
Đồng tình với việc tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp du lịch nhưng ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines lưu ý các tiêu chí du lịch bền vững cần được làm rõ để giảm thiểu xung đột giữa phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên…
Với kinh nghiệm nhiều năm theo sát ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng, tái cơ cấu ngành du lịch phải triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan, như giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, hải quan… Tái cơ cấu ngành phải có lộ trình rõ ràng, trong đó xác định nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện.
Theo ông Kỳ, nguyên nhân của những bất cập trong chuỗi giá trị du lịch chủ yếu là do sự phát triển, vận hành các hoạt động trong chuỗi giá trị không đồng bộ, trong đó đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan. Một doanh nghiệp lữ hành có thể chủ động được từ khâu thiết kế sản phẩm đến mua dịch vụ, tiếp thị, bán hàng, điều hành dịch vụ nhưng lại khó có thể kiểm soát hoàn toàn những vấn đề, rủi ro, sự cố xảy ra tại điểm đến như nạn chèo kéo, “chặt chém” du khách và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, nếu công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thực hiện không tốt thì các doanh nghiệp có thể tập trung đầu tư ồ ạt vào một điểm đến đang nổi nào đó dẫn đến có thể phá vỡ tổng thể quy hoạch du lịch của điểm đến, gây ra tác dụng ngược là giá trị gia tăng nhưng chuỗi giá trị du lịch không tăng như kỳ vọng mà lại bị giảm đi.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, để du lịch phát triển hơn nữa thì Chính phủ và các ban ngành cần phải có chính sách nhất quán và dự báo được xu thế trong dài hạn trong công tác quy hoạch phát triển du lịch để tập trung nguồn lực đầu tư, tránh đầu tư dàn trải và đầu tư một cách cầm chừng, tạm thời.
Đề xuất thành lập cơ quan quản lý du lịch theo vùng
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình cho rằng cần phải trao nhiều quyền hơn đối với cơ quan quản lý về du lịch.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, cần phải nâng cao thẩm quyền của TCDL. Việc đưa du lịch, một ngành mang nhiều tính thị trường về quản lý theo ngành văn hóa, một lĩnh vực được coi là khá bảo thủ và không chịu áp lực bởi sự phát triển của thị trường là không phù hợp. Cũng vì thế mà các văn bản quản lý về du lịch tại thời điểm này mang nặng tính hành chính, áp đặt nặng nề mà không phản ánh đúng thị trường thực tế. “Chỉ có cách nhìn thị trường mới đem lại sức sống, tính thời sự, sức sáng tạo của ngành du lịch”, ông Cung nhấn mạnh.
Cùng chung trăn trở này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khẳng định, muốn tránh hiện tượng các sản phẩm du lịch na ná nhau, đâu đâu cũng thấy nhà sàn, múa sạp… nên thành lập cơ quan quản lý du lịch theo vùng, bởi du lịch là hoạt động liên vùng chứ không phải bó hẹp trong không gian một tỉnh, thành.
Ông Lương Hoài Nam mạnh mẽ hơn khi đề xuất nên thành lập Bộ Du lịch riêng và Quỹ phát triển du lịch thay vì Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ VH-TT-DL như hiện nay.
Rất nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất các phương án tháo gỡ, nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của du lịch trong thời gian tới, như cởi mở hơn về visa du lịch, định hướng đào tạo nhân lực, tiếp cận sớm hơn với các loại sản phẩm du lịch có tính sáng tạo mới được ưa chuộng trên thế giới... như lịch mua sắm hay bán dịch vụ condotel (bất động sản du lịch cho người nước ngoài)...
Theo lãnh đạo TCDL, các ý kiến và tham luận tại hội thảo sẽ được tiếp thu, xem xét, giúp Bộ VH-TT-DL xây dựng, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành du lịch, sớm trình Chính phủ phê duyệt.