Xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) nằm ở chốn rẻo cao thâm sơn cùng cốc. Nơi đó người Khùa và anh em người Mày chung sống trên những ngọn núi cao ngất của hệ núi Giăng Màn lừng lững. Nơi đó, có những thầy giáo, cô giáo vượt rừng 100 - 200km để lên với con em dân bản, dạy chữ quốc ngữ, truyền đạt kiến thức với mong ước con em đồng bào có những thế hệ đi lên, trưởng thành.
Muốn biết trường phải về các bản
Trường THCS Ra Mai xã Trọng Hóa quản lý cả khối tiểu học và THCS. Muốn vào với mái trường này, phải vượt suối Hà Nôông, qua Tà Rà, vào Pa Chòng, Si Mới, Chà Cáp, ngầm CuPi... mới lên được dốc núi Ra Mai mây phủ quanh năm. Đường đi như ngõ lên trời. Điểm trường Ra Mai là trung tâm. Đồn biên phòng Ra Mai phải cắt cử hai cán bộ chiến sĩ là bộ đội Tần, bộ đội Đui đến với điểm trường này. Hồ Đui nói: “Muốn biết trường ở vùng rẻo cao này phải đến bản mới thấy các điểm trường. Trường ở đây không như dưới xuôi, vài bản họp lại thành một điểm trường, có khi mỗi bản một điểm nên đi cả ngày không thể hết”.
Con đường vào Ra Mai nhão nhoẹt, chiếc xe máy phải nhờ bộ đội Tần chạy qua ngầm CuPi vì nước ngập bánh xe, phải rà số một, dưới là đá hộc phăm phăm, không quen đường sẽ bị lật như chơi. Thấy tôi ái ngại, bộ đội Tần nói: “Mưa rét là lũ ở sông suối dâng ngập, nước lên nhanh. Ở đây phải biết lúc nào vượt suối, vượt ngầm nhanh hơn nước về là thắng, giữ được mạng sống”. Vào giữa trung tâm Ra Mai, gặp thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đại Khờn mới biết, quê gốc của thầy cách trường hơn 200km, ở vùng lúa huyện Quảng Ninh. Thầy được điều động lên đây hơn một năm. Tình cảnh trường lớp theo thầy Khờn: “Là vùng đặc thù, núi cao, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt.
Trường có 61 giáo viên và nhân viên, 38 lớp, 572 học sinh với 7 điểm trường. Các “vệ tinh” gồm điểm trường: bản Lòm, Dộ, Pa Chòng, Ka Óoc, Ra Mai, Si Mới, Chà Cáp”. Hôm chúng tôi đến, trời mưa rét quấn lấy núi rừng, thầy Khờn nói: “Rồi còn rét hơn nữa, lạnh hơn nữa, nhà báo muốn biết trường ở đây là phải về bản, về bản mới biết được thầy giáo, cô giáo khó khăn như thế nào, mặc dù được sự quan tâm rất lớn từ cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, nhưng cái khó vẫn len lỏi trong đời sống ở vùng này nên giáo viên vô cùng khó khăn”.
Hoa lau - món quà 20-11
Quả thật, như lời của thầy Khờn, của bộ đội Đui, về các bản Pa Chòng, Dộ, hay Lòm, Chà Cáp... mới thấy hết cái khó khăn của thầy cô miền biên viễn. Ở điểm trường Pa Chòng, dân bản mấy năm nay biết ơn cô giáo Hòa, cô giáo Sen, cô giáo Giang, cô giáo Bông... đã vượt rừng hơn 100 cây số để lên với con em người Khùa, người Mày. Giáo viên Đinh Thị Hòa dạy tiểu học, địu con từ xã Xuân Hóa cùng huyện lên cả trăm cây số từ khi con gái mới lọt lòng.
Chúng tôi ghé thăm cô Hòa đúng lúc cô cùng giáo viên Sen và Giang đang ăn bữa trưa, ngoài ít cơm ra, họ dặm thêm món pồi khó nuốt, khô khốc. Cô Hòa tiếp chuyện: “Bọn em ở đây cực lắm, nhưng đồng bào còn khổ gấp nhiều lần nên lên rồi không nỡ về, con em dân bản đến trường chân đất, có em không đủ áo ấm thấy thương nên ở lại để cho các em con chữ, hòng sau này lớn lên có được kiến thức, có được tấm bằng để các em phấn đấu thoát cảnh nghèo”.
Tâm sự với các cô giáo mới biết, học sinh vẫn thường nghỉ học từng tiết, từng buổi, vì các em còn phải đi kiếm ăn cùng bố mẹ. Có bữa các cô phải lội bộ, băng rừng cả ngày để tìm lại học sinh sau mỗi cơn lũ, hoặc mưa rừng ngập nước. Cô Giang kể: “Ở vùng Mà Ang, có hai hộ dân với 3 học sinh, giáo viên bọn em lội rừng cả ngày để vào, vận động mãi đến lúc cả nhà đồng ý cho các cháu đi học cũng là lúc đêm xuống, phải ở lại. Sáng ra, cha mẹ học sinh là người Khùa đổi ý, hỏi học cho cô giáo hay cho ai, bọn em giải thích mãi là học cho tương lai, cho cảnh các cháu đỡ khổ hơn bây giờ, nói mãi sau này có thêm gạo, có thêm cuộc sống mới, không dựa vô rừng, họ mới cho con đi học. Ở đây dân trí đồng bào còn thấp nên cứ nghĩ học cho ai đó chứ không phải cho con họ”.
Giáo viên Giang dạy lớp ghép 1 và 2, việc dạy lớp ghép khó khăn vô cùng bởi hai lớp khác nhau, ngồi dồn cùng phòng học. Giang kể, bữa mới lên, em phải học tiếng đồng bào để biết được học trò muốn gì, sau đó mới dạy dần tiếng phổ thông cho các cháu.
Còn cô giáo Sen dạy trẻ mầm non, con gái mới 7 tháng, Sen đã địu con lên với núi rừng lạnh lẽo: “Ở đây, nhiều người như em, cứ đến cuối tuần là đưa con về quê dưới xuôi, chiều chủ nhật lại lên với học trò của mình. Lúc đầu xa nhà khóc hết nước mắt vì buồn, chừ thì thấy thương học trò của mình lắm, tội các em giữa núi rừng hoang vu, gió rét”.
Thương nhất là cô giáo Hòa, con gái bị bệnh tim bẩm sinh phải mổ từ nhỏ, trở trời cháu bị tái tím nhưng Hòa vẫn bám bản, bởi: “Cái chữ ngày xưa em học rất quý thì ngày nay với học trò ở đây càng quý hơn. Em được làm giáo viên cũng nhờ học được chữ, em hy vọng sau này con em đồng bào mà em dạy có cháu được thành giáo viên để thoát cảnh khó khăn”.
Chuyện trò giữa trời lạnh giăng mắc khắp nơi cũng biết thêm, các cô giáo, thầy giáo ở đây chưa năm nào có ngày 20-11 như vùng dưới xuôi đủ đầy hoa tươi. Các cô bảo, ở đây bà con thấy giáo viên không còn gạo ăn thì đồng bào cho, còn ngày 20-11 đa phần học sinh không biết, chỉ một số học sinh lớp 9 có biết mang máng ngày 20-11 thì ra rừng hái hoa lau về tặng thầy cô, thế đã là rất cảm động rồi.
Hạt mầm từ núi Giăng Màn
Những người cõng chữ lên non gặp vô vàn khó khăn giữa đại ngàn núi rừng nhiệt đới, nhưng cái chữ của thế hệ thầy Khờn và đồng nghiệp tiền bối đã bắt đầu có “trái ngọt”. Ấy là những thầy giáo của con em đồng bào Khùa, Mày đã trưởng thành và trở về dạy dỗ chính những em thơ bản địa của quê hương mình.
Những thầy giáo Hồ Nôn, Hồ Xôm, Hồ Đào, Hồ Hùng ở các bản La Trọng, Ông Tú nay đã trưởng thành. Hồ Nôn dạy ở điểm trường xa nhất, bản Lòm. Vùng Lòm như miền đất thảo dã hoang sơ cuối cùng ở miền biên viễn, nơi đây trong các căn nhà của đồng bào vẫn còn cất giữ những chiếc khố từ vỏ cây. Họ vốn len lỏi dưới tán rừng, thuần thục với hái lượm và săn bắt. Chỗ ở đó là của cộng đồng người Mày với khoảng 10 nóc nhà. Nơi ấy, cái chữ là điều khó khăn với đồng bào.
Hồ Khiên nói: “Ở Lòm thì cái chữ khó học hơn đi rừng, viết chữ khó hơn làm bẫy, đọc số khó hơn bắt thú, nhớ chữ khó hơn đi hái quả rừng, để hiểu cái thầy cô dạy, khó hơn bắt cá dưới nước. Nhưng đồng bào mình vẫn quyết học, học mới biết tên của mình rất đẹp, bản làng quê hương mình đẹp. Khi con em đồng bào mình có chữ, được học lên cao, được làm giáo viên thì con em trong này cũng muốn học lắm, cái chữ ở đây rất quý”.
Một đêm ở lại với thầy cô vùng biên viễn, nghe tiếng ầu ơ ru con ngủ giữa mùa gió Đông Bắc giá lạnh, khi những đứa trẻ ngủ, họ chụm đầu vào trang giáo án, soạn bài mới cho ngày hôm sau; những bài giảng của cộng trừ nhân chia, của yêu thương quê hương đất nước, của tình mẫu tử, của xóm làng nghĩa tình... như những viên gạch đầu tiên để gieo vào hạt mầm con em Khùa, Mày bắt đầu bước vào thế giới chữ nghĩa bao la.
MINH PHONG