Đưa đò vượt sông tìm chữ

Suốt 15 năm ròng rã, ông Đinh K’Rắt (70 tuổi, ở bản Nước Rinh, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) vẫn âm thầm làm người đưa đò, dẫn dắt bao thế hệ học sinh người Hrê qua sông Rinh để tìm “cái bóng đèn” và con chữ. K’Rắt gọi văn minh là “cái bóng đèn”, muốn tìm để thắp sáng bản làng thì con em bản Nước Rinh phải quyết tâm học lấy cái chữ, tìm thấy lễ nghĩa và suy nghĩ…
Ông Đinh K’Rắt đưa học sinh ở bản Nước Rinh qua sông Rinh “tìm con chữ” suốt 15 năm qua
Ông Đinh K’Rắt đưa học sinh ở bản Nước Rinh qua sông Rinh “tìm con chữ” suốt 15 năm qua
“Cái bóng đèn” giữa sông Rinh
Chúng tôi đến xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) khi sương mù vẫn còn chảy tràn trên các lưng núi. Nằm ẩn trong những góc rừng loang lổ, ám khói bên kia sông Rinh là bản làng của người Hrê, Ca Dong, Cor. Trời tản sáng, dân bản Nước Rinh bắt đầu nối nhau lục tục ra bến sông để đợi đò. Có cả tiếng bi bô của lũ trẻ đến trường. Chúng tụm lại thành năm, ba ngồi tràn ra bến sông. Có đứa nhặt những hòn cuội dẹt lướt ra giữa dòng nước cuộn. Ở bên này sông, ông lái đò với thân hình lêu đêu cố điều khiển con đò cắt sông quay trở lại đón bọn trẻ. Đò trở lại bến cũ, lũ trẻ xắn ống quần lần lượt lên đò để theo ông lái sang sông “tìm con chữ”.
Khi không còn người sang sông, ông lái đò bước xuống buộc chặt đò và bè vào nghỉ tạm trong căn lều rách. Mặt nhễ nhại mồ hôi, ông lái kể: Ở bản Nước Bao, Mò O (xã Sơn Bao - PV) không khổ bằng bản Nước Rinh của chúng tôi đâu. Nước Rinh là khổ nhất trong xã Sơn Bao rồi. Nước Rinh chưa có cầu nên phải nhờ vào con đò để qua bên kia sông làm ăn, học tập. Bởi thế, suốt 15 năm qua, ông K’Rắt đã tình nguyện đi xin đò để đưa đón học sinh ở bản Nước Rinh vượt sông “tìm con chữ”. 
Tôi hỏi nguồn cơn, ông lái đò lý giải: “Thấy con, em bản mình đến trường trong cảnh ướt át, ngụp lặn, tôi thương lắm! Do tôi là người uy tín trong bản, cũng là người dày dạn có nhiều kinh nghiệm và nắm rõ con nước sông Rinh. Nếu vì sợ khổ mà không nhận lái đò thì biết đổ trách nhiệm cho ai bây giờ. Giờ được đưa học sinh sang sông học cái chữ, thì bụng già ưng lắm, vui lắm”. 
Đinh K’Rắt có hoàn cảnh rất khó khăn. Ông có đến 6 người con gái. Gái lớn lên, lần lượt lấy chồng xa, để lại ông bà già sau góc bản cùng 2 đứa cháu ngoại. Sáng nào cũng vậy, sau khi ra bến đưa trẻ và dân làng qua sông, ông lại về nhà để ra đồng cắt cỏ cho lũ bò đói. Vợ ông ra sông Rinh xúc con cá, con tép về làm món cho bữa cơm trưa. K’Rắt khoe: “Nhờ ăn con cá, con tép ở sông Rinh nên già khỏe lắm! Vẫn có thể kéo bè đưa trên 30 người sang sông bình thường”.
Những ngày mưa lũ, nhánh sông Tang tụ thủy chảy về hợp lưu với sông Rinh làm cho con nước thêm phần hung hãn. Bản Nước Rinh lại có đến 160 em học sinh, trong đó có 70 em phải vượt sông tìm chữ. Nghe hỏi, ông Đinh K’Náp (54 tuổi, bản Nước Rinh) lắc đầu: “Ngày mưa lũ, cực ghê lắm! Nhất là việc học chữ của học sinh. Suốt 15 năm qua, nhờ ông K’Rắt biết lái đò mà lũ trẻ bản này mới được an toàn. Chứ không có ông ấy thì lũ trẻ qua sông vào mùa lũ nguy hiểm lắm!”.
Cắt lời K’Náp, ông K’Rắt kể tiếp: “Mùa mưa lũ, nếu những ngày trời lặng gió thì con em vẫn đến trường được. Tôi có dặn các cháu là ngày nào ông không sang sông được thì ông sẽ báo. Còn ông dám chắc là an toàn thì các con cứ đến trường. Không nên lười biếng mà nghỉ học vì bỏ một ngày không đến trường là bỏ hơn một trang giấy và biết bao nhiêu suy nghĩ”.
15 năm và 3 “đời đò”
Năm 1978, lúc ấy K’Rắt đã 30 tuổi, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về làng. Ngay sau đó, được dân làng bầu làm xã đội phó. Ngày trở về, K’Rắt thấy bản làng chìm trong u mê, lạc hậu. Thương nhất là lũ trẻ cởi truồng, co quắp vượt sông đến trường, trong khi bố mẹ bỏ làng đi xa làm ăn biền biệt. “Cứ ôm suy nghĩ ấy suốt, đến năm 2002, tôi quyết định lên trình bày nguyện vọng với xã là muốn có 1 con đò để đưa các em sang sông. Khi ấy, UBND xã Sơn Bao gật đầu ngay. Ngày biết tôi lái đò sang sông thì các cháu mừng, sướng ghê lắm”, ông K’Rắt nhớ lại. Để đảm bảo an toàn khi đưa học sinh sang sông bằng đò, ông K’Rắt đã huy động dân làng đóng cọc ở 2 bên sông, rồi bắt 1 sợi dây dài nối sông tạo bến. Trong khi hàng chục trai bản đi lấy tre, nứa về kết thêm 1 chiếc bè lớn hỗ trợ đưa dân bản qua sông…
Không những đưa học sinh đến trường, ông K’Rắt còn đưa đón các cô thầy vào bản để dạy chữ. Đêm hôm gà gáy, có người đau ốm đi cấp cứu hay sinh đẻ ông cũng phải xắn quần lên chạy đến giúp đưa sang sông. 
Đáng nhớ nhất là câu chuyện cách đây khoảng 4 năm trước. Khi ấy, con đò của ông K’Rắt buộc phải “hóa thân” thành “buồng đẻ”, giúp một người mẹ xóm dưới “vượt cạn”, sinh con gái giữa dòng sông Rinh. “Đứa con gái chào đời ngay trên đò giữa sông, đến nay đã được 4 tuổi rồi đó. Chắc lại sắp đi học rồi đấy”, ông K’Rắt nói.
Trong lúc đang ngồi nói chuyện thì bên kia sông có tiếng gọi đò. Đó là 2 cô giáo muốn qua sông để vào bản Nước Rinh dạy chữ. Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ, học sinh tại điểm trường Nước Rinh là ngoan nhất vùng. Vì đường đến trường gian nan nên quyết tâm cần cù và học tốt. Việc dạy học, dạy chữ của các cô, thầy ở đây được thuận lợi cũng nhờ ơn của ông lái đò này nhiều lắm. 
K’Rắt tiết lộ, 15 năm qua ông đã trải qua 3 “đời đò”. Nghĩa là, cứ 5 năm dòng sông Rinh lại “nuốt” đi của ông 1 con đò già cỗi. Ông lại phải đi vận động cấp trên xin đò mới. Đò thì mòn rã, hư hỏng nhưng ý chí và tấm lòng cao cả của ông lái đò vẫn vẹn nguyên suốt 15 năm qua. 
“Do tuổi tôi đã cao, chẳng còn đưa đò được mấy nữa. Cầu thì đợi đến mòn mỏi rồi mà chẳng thấy đâu. Lũ trẻ giờ chỉ biết trông cậy vào một mình tôi. Nhiều lớp trẻ do tôi đưa sang sông tìm chữ mà hôm nay đã học đến đại học ở các trường lớn, các ngành như: Y tế, sư phạm, kế toán… Hiện mong mỏi lớn nhất của bản làng chúng tôi là có được 1 cây cầu bắc qua sông Rinh, chỉ thế thôi. Khi đó, học sinh sẽ thong dong đến lớp mà không phải nơm nớp vượt sông như thế này. Giáo viên cũng không ngại ngần mỗi khi vào bản Nước Rinh dạy chữ…”, giọng ông nghiêm nghị và khẩn thiết lắm!

Tin cùng chuyên mục