Như một điệp khúc, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, dư luận lại có ý kiến trái chiều quanh kết quả thi. Với kỳ thi này, tính từ năm 2002 đến nay, đã trải qua 3 lần thay đổi quan trọng. Từ năm 2002 - 2014, kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) được tổ chức theo phương thức “3 chung” (chung đợt - chung đề - chung kết quả). Từ 2015 - 2019, kỳ thi chuyển thành 2 trong 1 (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH) và đây cũng là mốc thời gian Bộ GD-ĐT chính thức cho xét tuyển vào ĐH bằng điểm học bạ THPT. Năm nay, trước những tác động lớn của dịch Covid-19, kỳ thi THPT quốc gia chuyển thành kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển ĐH.
Trong mỗi giai đoạn thay đổi ấy đều có những hạn chế, bất cập nhất định. Với hình thức thi “3 chung” và thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đều nắm giữ điểm sàn. Điểm sàn ở đây được xây dựng trên cơ sở đối sánh giữa số thí sinh dự thi với chỉ tiêu cần tuyển của các trường. Khi bộ giữ quyền công bố điểm sàn thì nhiều trường ta thán “điểm sàn cao nên các trường (trường tư và trường đại học tỉnh) khó tuyển sinh”. Còn khi Bộ GD-ĐT để các trường tự xác định điểm sàn thì cũng xảy ra cuộc tranh luận nảy lửa về điểm sàn giữa các trường. Sau khi ngành sư phạm và ngành sức khỏe công bố điểm sàn, điểm trúng tuyển quá thấp, bị phản ứng, thế là Bộ GD-ĐT lại phải giữ quyền ấn định điểm sàn cho 2 nhóm ngành này. Và năm nay, Bộ GD-ĐT bị phản ứng với mức điểm sàn đưa ra quá thấp, bởi điểm thi cao ngất ngưỡng, các trường dùng nhiều phương thức xét tuyển.
Như vậy, chúng ta quá kỳ vọng về kết quả điểm thi nhưng bỏ qua quy luật khách quan, đó là tính chất của đề thi khó - dễ của từng năm; lượng thí sinh xét tuyển vào từng ngành, từng trường mới là nhân tố quyết định kết quả điểm cao hay thấp.
Nhìn lại đề án tuyển sinh của 240 trường ĐH trên cả nước, dù xét tuyển theo phương thức nào thì điều kiện tối thiểu là thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Hay khi các trường tự chủ trong xét tuyển, xét tuyển bằng học bạ, thì quá trình học tập các năm lớp 10, 11 và 12 của học sinh luôn được các trường ĐH, CĐ chú trọng. Điều này cho thấy, kết quả bậc THPT (cả 3 năm học) là thước đo quan trọng để các trường tuyển chọn sinh viên. Và không phải cứ xét tuyển học bạ hay thi tuyển riêng là các trường sẽ “vét” hết thí sinh mà luôn có sự sàng lọc… Chúng ta sẽ thấy rõ hơn, dù là trường quốc tế tại Việt Nam như RMIT, Fulbright hay các trường song bằng, 100% quốc tế liên kết tại Việt Nam..., thì khi xét tuyển họ cũng căn cứ trên kết quả ở cấp THPT của thí sinh. Khi tuyển chọn thí sinh, cấp học bổng, kết quả học THPT cũng chính là căn cứ quan trọng nhất để tuyển chọn.
Học là phải thi, quốc gia nào cũng vậy. Luật Giáo dục cũng đã quy định rất rõ, nên quan điểm rằng không cần thi là chưa hợp lý. Tại Việt Nam, cho đến nay kỳ thi THPT quốc gia hay thi tốt nghiệp THPT vẫn là thước đo quan trọng nhất để các trường làm căn cứ để tuyển chọn. Còn việc các trường chọn phương thức xét tuyển cho phù hợp là quyền tự chủ để chủ động trong tuyển sinh và tuyển chọn thí sinh đủ năng lực theo học những ngành nghề đặc thù của từng trường.
Chúng ta đã quá xem trọng đầu vào, trong khi đó, với các đại học lớn của quốc tế, họ tuyển sinh, săn tìm người giỏi bằng rất nhiều cách chứ không chỉ là điểm số nhất thời. Hơn nữa, học ĐH là cả một quá trình. Trong quá trình ấy, nếu những điều kiện quan trọng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo… không chất lượng thì sản phẩm cuối cùng chúng ta cũng chỉ làng nhàng mà thôi.
Cải tiến, đổi mới thi cử là vấn đề mang tầm quốc gia. Điều quan trọng không phải là ở điểm thi nhất thời mà chính là các trường phải chuẩn hóa chương trình đào tạo, chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giảng viên, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trình độ ngoại ngữ… Chất lượng nguồn nhân lực có thể cạnh tranh với khu vực, với quốc tế mới là cái đích mà các cơ sở đào tạo phải cạnh tranh và so sánh chứ không chỉ là coi trọng điểm số đầu vào.