Định nghĩa về bệnh tâm lý, tâm thần rất nhiều, thậm chí chỉ cần lên mạng tìm hiểu là có thể tìm thấy muôn vàn thông tin khác nhau về nguyên nhân cũng như cách chữa trị. Nhưng thử hỏi bao nhiêu phần trăm thông tin kia là chính xác, vậy thì, phụ huynh không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào “bác sĩ Google” mà cần mang con em đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm lý để được chữa trị kịp thời.
Đào Lê Hòa An (Thạc sĩ tâm lý): Hè là dịp tái tạo năng lượng
Cha mẹ tìm cách đưa con vào các lớp học hè là vì vậy. Học hè chỉ là cách giải quyết tạm thời nhưng sẽ gây tình trạng quá tải đối với tâm lý của trẻ nhỏ. Hãy để hè là quãng thời gian quý báu để trẻ tái tạo năng lượng, lấy lại sự cân bằng trong suốt một năm học vất vả. Không nên tiếp tục nhồi nhét thêm quá nhiều kiến thức, trẻ sẽ bị quá tải và ảnh hưởng trực tiếp đến độ linh hoạt của tư duy. Hãy cho trẻ tham gia những chuyến dã ngoại, các lớp học rèn luyện kỹ năng sống để biết quý trọng bản thân và cuộc sống, trân trọng những thành quả của sức lao động. Từ đó, có thể tạo cho trẻ khả năng tự quản lý bản thân một cách tốt nhất.
Sự kỳ vọng của cha mẹ là điều chính đáng, nhưng phụ huynh phải biết khả năng thực của trẻ. Cần chú trọng trang bị cho trẻ phương pháp chủ động chiếm lĩnh tri thức, hơn là cứ suốt ngày bị nhồi nhét vào trí óc đủ loại kiến thức nhưng không áp dụng được. Đừng quá khắt khe, cũng không nên quá hào phóng, tạo khoảng không gian vừa đủ để trẻ hoàn thiện bản thân nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của người lớn.
Cô Lê Thị Bích Trang (Giáo viên Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5, TPHCM): Không nên cho bé học trước chương trình
Thường vào đầu năm cấp I là khoảng thời gian các bé dễ bị hoang mang nhất, do phải thay đổi, thích nghi với quá nhiều thứ, chưa hẳn gọi là stress mà có thể nói là do bé sợ. Hầu như năm nào cũng có trường hợp các bé chưa được làm quen với trường mầm non, đến khi gia đình đột ngột đưa vào lớp 1 thì bé bị “ngộp”. Nhiều bé khóc liên tục trong 1 tháng liền, hoặc có những triệu chứng “bệnh giả đò” như đau bụng, buồn nôn, la hét… Với những trường hợp đó, giáo viên chúng tôi rất sợ, thông thường sẽ đề nghị với gia đình đưa bé đi khám tâm lý.
Đa số phụ huynh hiện nay có xu hướng cho con học trước các môn học như tập viết, toán, tiếng Anh… một phần là do chương trình học của nước ta khá nặng và cứ đổi mới liên tục, phần khác vì phụ huynh sợ con thua thiệt với bạn bè hoặc không theo kịp chương trình. Việc này có 2 mặt lợi và hại, mặt lợi là học làm quen trước sẽ giúp cho những bé học chậm tự tin hơn trong việc theo kịp các bạn, nhưng mặt hại là nếu phụ huynh cho bé học luyện chữ ở những nơi dạy không đúng cách thì khi bé vào lớp 1, cô sửa sai cho bé còn mệt hơn dạy lại từ đầu. Thứ hai, việc học trước sẽ tạo cho bé tính ỷ lại, không thèm nghe cô giảng.
Tôi mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giảm tải chương trình, thay đổi sao cho thực tế hơn, tạo nên sự hưng phấn cho học sinh. Còn về phía phụ huynh chỉ nên tập cho bé làm quen chứ đừng dạy trước, nên giao lưu với bé trong việc học bằng cách ôn lại những bài đã học, chia sẻ chuyện buồn vui trong ngày với bé. Giai đoạn ở lớp 1 rất quan trọng, đây là giai đoạn quyết định ý thức học tập của mỗi bé mà phụ huynh chính là người mà bé muốn nhận được sự quan tâm nhiều nhất. Vào thời gian đầu, phụ huynh nên gặp cô chủ nhiệm thường xuyên để dễ dàng trong việc quan sát hành vi của con em mình.
Em Đặng Hiếu Văn (Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trần Quang Diệu, Q.3, TPHCM): Con ngán học thêm, con muốn đi chơi!
Mỗi ngày con đến trường luôn cảm thấy mệt mỏi và lo lắng rất nhiều. Do năm nay là năm cuối cấp, áp lực trong việc thi cử và việc thi xét tuyển vào trường ba mẹ mong muốn làm con thực sự áp lực lắm.
Những ngày qua, trong lớp con được cô chủ nhiệm ôn bài rất nhiều lần, tối phải chạy đi học thêm tiếng Hoa và tiếng Anh, về đến nhà thì mẹ bắt con lấy bài ra học, ôn tiếp. Mẹ bảo con học yếu môn văn, hay viết sai chính tả nên cứ bắt con đọc đi đọc lại những bài đó. Con biết mình học kém môn văn nhưng không biết sao con lại cứ hay quên cái này, cái nọ. Mẹ hay la con rằng gần thi mà còn trốn thức khuya để coi phim, không lo đi ngủ. Chỉ vì con không có thời gian để thư giãn, nên con muốn tranh thủ một tí. Bữa nào con bị cô giáo la là bữa đó nhà con như “bão tố”, mẹ và ba con gây gổ nhau, rồi quay sang la con, con sợ lắm.
Trong lớp, bạn bè hay trêu chọc thân hình nặng nề của con, vì con chạy chậm hơn các bạn, làm cái gì cũng lề mề, không ai chịu làm bạn thân với con hết, con buồn lắm! Vậy mà về nhà mấy anh chị cũng cứ chọc con tiếp rằng sao mập thế. Làm con mắc cỡ, không biết phải làm sao nữa. Con cũng định nhịn ăn nhưng đói quá con không chịu nổi. Con chỉ mong ba mẹ dành cho con ít thời gian vào cuối tuần để cho con tham gia các hoạt động với các bạn thay vì cứ bắt con phải đi học thêm chỗ này chỗ nọ. Con ước rằng mình có thể chơi game nguyên một buổi tối mà không bị mẹ và chị Hai la rầy. Con buồn nhưng con không dám nói vì sợ ba la, mẹ buồn, rồi bệnh…
Phúc Nguyễn - Thủy Ngân ghi