Dừng đăng ký xuất bản sách “ngôn tình” và “đam mỹ”: Đừng vơ đũa cả nắm!

Những ngày gần đây, dư luận bàn tán xôn xao sau quyết định của Cục Xuất bản, In và Phát hành (CXB) yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) từ nay “không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ”. Bởi đã một thời gian dài, loại tiểu thuyết ngôn tình được xuất bản với tốc độ “kinh hoàng”, ngoài sách giấy còn nở rộ các hình thức đọc truyện ngôn tình qua Internet, e-book...
Dừng đăng ký xuất bản sách “ngôn tình” và “đam mỹ”: Đừng vơ đũa cả nắm!

Những ngày gần đây, dư luận bàn tán xôn xao sau quyết định của Cục Xuất bản, In và Phát hành (CXB) yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) từ nay “không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ”. Bởi đã một thời gian dài, loại tiểu thuyết ngôn tình được xuất bản với tốc độ “kinh hoàng”, ngoài sách giấy còn nở rộ các hình thức đọc truyện ngôn tình qua Internet, e-book...

Ranh giới đen, trắng mong manh

Truyện ngôn tình khởi sinh ở Trung Quốc và phát triển mạnh cũng ở nơi này. Ngôn tình chia thành hàng loạt thể loại: xuyên không (nhân vật vượt giới hạn thời gian - không gian), cung đấu (đấu đá, tranh đoạt trong cung đình), huyền huyễn (có yếu tố phép thuật, kỳ ảo), võng du (miêu tả song song cuộc sống ảo trên mạng và ngoài đời thực của nhân vật), đam mỹ (truyện về tình yêu đồng tính nam), cổ đại (mang tính cổ xưa)… Dù câu chuyện có xảy ra vào thời nào, oan trái thế nào thì rốt cuộc đều kết thúc có hậu. Ngôn tình là một khuynh hướng văn học thuộc trào lưu văn học đại chúng. Do đó, sự xuất hiện của tác phẩm đỉnh cao không nhiều.

Tuy nhiên, ngôn tình không có tội vì bản chất của nó vẫn là món ăn bình dân, giải trí nhẹ nhàng. Những năm gần đây, khi các tác giả coi ngôn tình như loại văn chương câu khách, chuộng yếu tố dễ dãi và giật gân dần lấn át những tác giả có tài thì người ta bắt đầu có cái nhìn định kiến về khuynh hướng văn học này. Đầu tiên tác phẩm được đưa lên mạng miễn phí. Sau đó, độc giả phải bỏ tiền mới đọc được. Những tác giả nào càng ăn khách thì số tiền bỏ ra càng nhiều. Nếu số lượng người bỏ tiền ra mua nhiều thì tác giả sẽ in thành sách.

Không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ liệu có ngăn được giới trẻ tiếp cận thể loại này qua các hình thức đọc khác?

Cách đây vài năm, đã có nhiều dự báo rằng tiểu thuyết diễm tình Trung Quốc với những câu chuyện tình yêu sến sẩm, ướt át và ru ngủ cả một thế hệ này sẽ có nguy cơ “thất sủng” và đến hồi “hấp hối” trong giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, loại sách này dường như vẫn chưa “hạ nhiệt”, thậm chí có phần áp đảo các loại sách khác dành cho lứa tuổi này. Chỉ một tác giả Diệp Lạc Vô Tâm sang Việt Nam giao lưu thôi mà đã thu hút cả ngàn bạn trẻ chao đảo..

Trên thực tế, nhu cầu người đọc loại sách này có không? Câu trả là lời là có. Trên mạng xã hội, có một fanpage “Hội những người thích đọc sách ngôn tình” dù không phổ biến rộng rãi, nhưng đã có tới gần 50.000 like, cho thấy nhu cầu đọc loại sách này là có thật. Nhiều tác giả tên tuổi được độc giả Trung Quốc yêu thích cũng từ truyện ngôn tình như: Cửu Dạ Hồi, Phỉ Ngã Tư Tồn, Cố Mạn...

Bà Lan Dung, chủ một cửa hàng sách trên phố Đinh Lễ (Hà Nội), cho biết, loại sách này được các bạn trẻ rất thích đọc, vì cách viết lôi cuốn, làm người đọc tò mò. Yếu tố số phận trong truyện cũng rất lãng mạn, hấp dẫn. Do đó, cần phải có cái nhìn khách quan về loại sách ngôn tình: dù là văn học giải trí, nhưng nó vẫn là một nhu cầu của giới trẻ. Chính vì thế, nếu độc giả đã trót đọc một cuốn đầu, “hoàn cảnh xô đẩy” phải đọc tiếp cuốn thứ hai thì chỉ cần đọc độ mươi trang là sẽ đoán ra cái kết có hậu ở trang cuối cùng.

Xưa nay những chuyện sến sẩm, những thứ lãng mạn chảy nước đó chẳng làm “chết” độc giả nào. Bởi đôi khi, dù cuộc sống có đầy rẫy ngọt ngào thì thi thoảng ta cũng vấp phải những cay đắng. Vì thế người đọc không chỉ đông mà phần lớn là các thiếu nữ. Đọc xong có người như đi trên mây, mơ một ngày yêu được anh chàng giống hệt trong truyện ngôn tình, vừa đẹp vừa tài, vừa hào hoa phong nhã, vừa tinh tế, vừa nhiều tiền lại còn… thủy chung.

Bẫy tâm hồn

Nói về sách ngôn tình, nhà phê bình Văn Giá chia sẻ: “Sách ngôn tình thực chất không có tội, đó là dòng tiểu thuyết lãng mạn, hài hước, mang tính giải trí cao, hướng tới số đông và có tính đại chúng. Ngôn ngữ của tiểu thuyết ngôn tình rất phù hợp điện ảnh cho nên rất nhiều bộ phim đã được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình và rất thành công”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng tiểu thuyết ngôn tình không có khả năng đại diện cho bất cứ một nền văn học của một quốc gia nào. Đặc biệt, những loại sách ngôn tình đội lốt “dâm thư trá hình” sẽ gây những hệ luỵ nguy hiểm khi làm tê liệt những ước vọng con người muốn vươn tới và gây những lệch lạc về giới tính.

Thực tế bên cạnh những cuốn sách nhẹ nhàng, ngôn ngữ đơn giản khơi gợi tình cảm và lòng chung thủy, vẫn có những cuốn có nội dung đi ngược thuần phong mỹ tục. Để thu hút người đọc, nhiều tác giả đã thêm “nồng độ” sex. Và giờ thì ngôn tình đã trở nên quá đà về liều lượng sex, đã cận kề ngưỡng khiêu dâm. Độ nhạt nhẽo, nhảm nhí cũng tăng. Thậm chí để dễ viết và câu khách, họ không ngại đưa vào ngôn tình đầy rẫy cảnh nóng, thường gọi là “H văn”, có sách cổ xúy cho những nội dung lệch lạc như bạo dâm, ấu dâm, cưỡng hiếp, ngoại tình, loạn luân…

Chính sự biến tướng này khiến nhà văn Quỳnh Trang không ngại ngần đưa ra nhận định: “Ngôn tình là “độc dược” của tâm hồn, khuấy động những suy nghĩ thiếu lành mạnh. Nó như một mầm độc len lỏi vào suy nghĩ chưa từng trải, chưa trưởng thành, chưa đủ chín chắn của các bạn trẻ, được bọc trang bằng câu văn bay bổng, duy mỹ, tình yêu viễn tưởng với những nhân vật nam nữ thiếu thực tế... Tiểu thuyết ngôn tình hướng đến các bạn trẻ từ 15-25 tuổi, lứa tuổi bắt đầu yêu và rung động”.

Không ít ý kiến đồng tình, cho rằng ai đã nghiện ngôn tình thì không thể hành động như người bình thường. Ngôn tình gieo vào lòng người đọc những mơ mộng hão huyền về một tình yêu quá hoàn hảo, không thật, tệ hơn nữa là tha hóa, biến thái. Cứ sống trong mộng mị mãi sẽ quên mất hiện thực cuộc sống ngoài kia ra sao. Cứ đắm chìm trong những câu chuyện tình đầy si mê vọng tưởng và không có thật ấy lâu ngày, vô hình trung sẽ quên mất đời thực như thế nào.

Mục đích chính của ngôn tình vẫn là câu khách bằng những câu chuyện tình lãng mạn, mang yếu tố giả tưởng, siêu thực. Thậm chí, có những tác giả lựa chọn dòng văn chương phi chính thống này với mục đích nhanh được nổi tiếng đã không ngần ngại sử dụng chiêu trò, những yếu tố giật gân, những chi tiết gợi dục hoặc cổ súy những lối sống không lành mạnh.

Mạnh tay với đội ngũ “gác cửa”

Để ngôn tình tràn lan, xô bồ như bây giờ không phải là lỗi của người đọc mà là lỗi của người làm sách, kiểm duyệt. Vì lợi nhuận, nhiều nhà làm sách bày bán rất nhiều sách ngôn tình bất chấp nội dung. Khâu kiểm duyệt cũng bị buông lỏng. Tuy ngôn tình ở trên mạng khó quản lý và ngăn chặn nhưng độc giả vẫn chủ yếu đọc sách, nên kiểm duyệt nguồn này rất quan trọng. Ranh giới để biết đâu là sách ngôn tình hay và cạm bẫy độc hại rất mong manh và đa số người đọc trẻ không có khả năng và trình độ để phân biệt. Họ cần được định hướng kỹ càng và xem xét các mặt của tác phẩm như tính giải trí, tính giáo dục, tính nghệ thuật...

Như vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí, định hướng bằng cách có những mục điểm sách, điểm phim một cách nghiêm túc và chất lượng. Đại diện CXB cũng thẳng thắn thừa nhận: “Không dòng văn học nào có lỗi cả, chỉ có tác phẩm văn học đảm bảo chất lượng hay không mà thôi”.

Chia sẻ những thắc mắc về việc trong thời gian qua mặc dù rất nhiều lỗi trong xuất bản phẩm được đưa ra công luận, bị xử phạt, nhiều cuốn sách bị buộc thu hồi song chưa thấy ai nhắc tới trách nhiệm của các biên tập viên trong các vụ việc, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng CXB nói: “Quả thực, người biên tập sách hiện nay chưa được đặt đúng vị trí. Chính người biên tập là người “gác cửa” mỗi trang sách. Cuốn sách hay, dở khi ra với công chúng đều có sự đóng góp vô cùng quan trọng của chính các biên tập viên. Vì thế, việc chấn chỉnh đội ngũ “gác cửa” đang được các đơn vị chức năng tiến hành khẩn trương.

Từ đầu năm đến nay, CXB đã mở được 4 lớp để tập huấn, bồi dưỡng cho 900 biên tập viên, khi việc cấp thẻ cho biên tập viên hoàn tất sẽ hạn chế được chuyện các biên tập viên được “nhờ đứng tên” biên tập sách, bởi chỉ cần 3 đầu sách vi phạm, bị thu hồi thì biên tập viên sẽ bị rút thẻ, mất nghề. Mục đích là buộc các NXB phải đưa ra xã hội những sản phẩm tốt hơn”.

MAI AN - THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục