Đừng để " mất bò mới lo làm chuồng"

Đừng để " mất bò mới lo làm chuồng"

Nhức nhối nạn bạo lực học đường

- Thiếu vắng sự quan tâm, yêu thương của gia đình và thầy cô

- Thiếu vắng sự tin tưởng, lắng nghe của người lớn nên trẻ không dám thổ lộ

- Thiếu vắng chiến lược, kế hoạch bài bản để ngăn chặn mầm mống bạo lực học đường

Đó là những chia sẻ của chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TPHCM về nỗi lo bạo lực học đường đang gia tăng khắp nơi.


* Sau câu chuyện nữ học sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh bị đánh hội đồng nhưng nhà trường, phụ huynh không hề hay biết, ông nhận định gì về mối quan hệ lỏng lẻo đáng báo động này?

- Việc một đứa trẻ bị đánh đến mức nghiêm trọng như đã đề cập mà cả phụ huynh và giáo viên không hay biết có thể xem là bất thường. Thông thường, khi nhìn thấy đứa trẻ có những dấu hiệu khả nghi, cha mẹ có thể nhận biết ngay, chẳng hạn bầm tím chân tay, sưng mặt, áo quần rách, xộc xệch, dính máu, ăn uống khó khăn, không muốn đến trường, ngủ li bì… nhưng trong trường hợp này, tôi thật sự ngạc nhiên. Có thể cha mẹ quá bận rộn, cũng có thể trong gia đình từ lâu không có thói quen quan tâm, hỏi han, trò chuyện với con. Cũng có thể có trường hợp đứa trẻ tìm cách giấu cha mẹ vì sợ bị la rầy.

Về phía nhà trường thì càng ngạc nhiên hơn, vì thông thường những vụ việc như vậy rất ồn ào, ít nhất giám thị hoặc bất kỳ thầy cô hay những người làm việc trong trường đều có thể phát hiện, ngăn chặn. Đương nhiên cũng có thể do các em đã đóng cửa lớp để đánh nên người ngoài không phát hiện được. Nhưng vấn đề là sau khi vụ việc xảy ra không có một học sinh nào, nhất là nạn nhân, báo với giáo viên. Điều này chứng tỏ các em cảm thấy thiếu an toàn nên không muốn trình báo và dẫn đến việc cả nạn nhân lẫn người ngoài cuộc (đứng xem, quay phim, chụp ảnh…) chọn sự im lặng.

Tôi muốn nhấn mạnh đến môi trường giáo dục (cả gia đình lẫn trường học) mà ở đó thiếu vắng sự quan tâm đến đời sống, nhân cách con trẻ, khi trọng tâm mọi chuyện chỉ là điểm số, ngại phiền phức... Đau lòng là chính việc quan tâm đến đời sống và sự phát triển nhân cách của trẻ em mới là trọng tâm của nhà trường và gia đình.

* Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, theo ông đâu là cội nguồn?

- Tôi thường đề cập một số vấn đề được xem là nguyên nhân gốc rễ. Đầu tiên là thái độ đối với bạo lực. Đứa trẻ lớn lên hay phát triển nhân cách dựa trên nguyên tắc gọi là “nội tâm hóa” (internalization), tức trẻ em tiếp nhận từ người lớn (cha mẹ, thầy cô và những người có vai trò quan trọng đối với các em) cách thức hành xử, quan điểm… và chuyển vào nội tâm của mình, từ đó có quá trình chọn lọc rồi hình thành nên chính thái độ và cách thức suy nghĩ của bản thân. Chẳng hạn, quan điểm rằng cách tốt nhất để giải quyết rắc rối với người khác là “đánh cho nó một trận”; hay công bằng là khi ai đó gây gổ với mình thì mình sẽ gây gổ và “đánh lại cho nó chừa”... Ngày qua ngày, các em nhìn thấy cha mẹ cư xử bạo lực với nhau, với người ngoài hoặc với chính bản thân, thấy giáo viên bắt phạt, la mắng, thậm chí đánh học sinh; nhìn thấy những hành xử bạo lực trong cộng đồng, qua phim ảnh, báo chí và Internet… Tất cả những điều này sẽ được tiếp nhận và chuyển vào nội tâm, đến một lúc sẽ hình thành nên thái độ mang tính bạo lực nơi các em.

Thứ hai là không học được hành vi khỏe mạnh. Hành vi khỏe mạnh là hành vi không gây tổn hại hoặc hành vi mang lại lợi ích cho bản thân và người khác. Những điều này trẻ có thể học được từ cha mẹ, những người lớn trong gia đình, sau đó từ giáo viên. Tôi thường có những buổi hướng dẫn phụ huynh tại Nhà Thiếu nhi TPHCM và các nơi khác về cách thức giúp con trẻ hình thành các hành vi tích cực, khỏe mạnh. Chẳng hạn, nói chuyện với con về từng hành vi tích cực mà cha mẹ muốn con thực hiện; cùng quan sát và trao đổi về một hành vi cụ thể nào đó trong xã hội, giúp con có cơ hội nhận ra hành vi nào tích cực, hành vi nào gây hại…

Từ trường hợp này và nhiều trường hợp khác, tôi cho rằng hiện tại trẻ em Việt Nam đang thiếu vắng những hướng dẫn đúng đắn để có thể hình thành và rèn luyện các hành vi tích cực, khỏe mạnh. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng không chỉ đến bản thân các em mà còn đến môi trường làm việc và xã hội nói chung.

Thứ ba là môi trường thiếu vắng sự quan tâm. Trong giáo dục, có thể nói tất cả các khía cạnh đều quan trọng. Giả sử đứa trẻ đã có hành vi tốt, nhà trường thoáng đãng, tiện nghi, dạy và học đều tốt… nhưng thiếu sự quan tâm của người lớn thì vẫn tiềm tàng yếu tố nguy cơ. Trong nhiều trường hợp, sở dĩ hành vi bạo lực, gây hấn leo thang vì trẻ biết rằng chẳng có người lớn nào biết hay can thiệp. Điều này đúng cho cả gia đình lẫn trường học. Trẻ em có thể đánh nhau vì không có người lớn nào biết, và trẻ cũng có thể đánh nhau để lôi kéo sự quan tâm của người lớn. Nói cách khác, khi người lớn thờ ơ, không quan tâm thì sẽ gia tăng nguy cơ những hành vi xấu của trẻ.

Ảnh minh họa

* Vì sao chúng ta hô hào, tìm mọi biện pháp ngăn chặn nhưng bạo lực học đường ngày càng bùng phát, gia tăng với tính chất nguy hiểm, đáng lo ngại hơn?

- Câu chuyện bạo lực, bắt nạt trong trường học cũng như nhiều câu chuyện khác trong xã hội Việt Nam, không đơn giản có thể chấm dứt dựa vào những biện pháp ngăn chặn mang tính chất hành chính, mệnh lệnh, quyền lực. Đó là chưa kể những biện pháp này được diễn ra theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” hay “mất bò mới lo làm chuồng”. Chúng ta cần một hệ thống chiến lược rõ ràng và hữu hiệu hơn, được đưa ra bởi các nhà giáo dục, các nhà tâm lý học đường… có năng lực chuyên môn tốt, có đủ tâm huyết.

Một trong những nội dung quan trọng được hướng dẫn tại lớp học chuyên đề Phòng ngừa và Can thiệp bạo lực học đường tại Công ty WE Link của chúng tôi là lập kế hoạch chiến lược (3-5 năm) và kế hoạch hành động trong từng năm. Quả vậy, bạo lực không phải là vấn đề đơn giản, nên không thể giải quyết bằng các biện pháp đơn giản. Chẳng hạn, không thể chấm dứt được bạo lực nếu Sở Giáo dục vẫn yêu cầu các hiệu trưởng ký vào cam kết “nhà trường không bạo lực”, hay nếu trường nào có xảy ra bạo lực thì năm đó sẽ tụt hạng (đương nhiên sẽ kéo theo những hệ lụy khác khi tụt thành tích). Những biện pháp như vậy chỉ dẫn đến chuyện các trường sẽ giấu nhẹm chuyện có đánh nhau trong trường mình, và thế là nói dối, báo cáo láo... Một kế hoạch chiến lược tối thiểu sẽ chỉ ra cho một trường cụ thể về lý do cần phải có các biện pháp can thiệp và phòng ngừa và mục tiêu, tiêu chí đánh giá thành công của chiến lược là gì. Tiếp theo là kế hoạch, giải pháp về nguồn lực, tìm kiếm sự hỗ trợ từ đâu, hành động thế nào… để đảm bảo tính nhất quán và thành công.

* Có phải áp lực học hành kèm theo những tiềm ẩn dồn nén, ức chế không có nơi sẻ chia, “xả stress”... đã khiến bạo lực bùng phát, lan rộng?

- Áp lực đúng là yếu tố nguy cơ gây ra bùng phát bạo lực, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Ngoài áp lực học hành còn nhiều chuyện khác nữa như sự quan tâm, yêu thương của người lớn không đủ, phương pháp giáo dục chưa thích ứng, phương pháp hướng dẫn và can thiệp liên quan từng vụ việc không đủ tốt…

* Để học sinh tự bảo vệ, tự tin nói ra điều chưa tốt trong môi trường học đường thì người lớn phải làm gì để các em tin cậy, thổ lộ?

- Câu hỏi rất thú vị. Khi các em thấy người lớn đáng tin cậy và an toàn, các em mới thoải mái bộc lộ và nhờ sự trợ giúp của người lớn. Nhưng điều quan trọng là sự tin tưởng không thể có theo kiểu hô hào “các em phải tin tưởng người lớn”, mà phải được hình thành, được xây dựng từng ngày ít nhất qua 3 yếu tố sau: Sự chính trực của người lớn, trước sau như một (nhất quán), chẳng hạn khi người lớn nói “bạo lực không tốt” thì bản thân họ phải luôn hành xử theo nền tảng đó, hay khi nói “quan tâm đến các em” thì cả hành vi và thái độ là phải quan tâm; Sự tôn trọng, yếu tố thứ hai này đơn giản được hiểu là người lớn cần lắng nghe trẻ một cách chân thành, không chỉ trích, hù dọa, không đánh lừa trẻ, và khi các em cần giúp đỡ thì nên để các em tìm ra hướng giải quyết tích cực, không bắt ép các em làm điều này điều kia theo ý người lớn; Sự quan tâm, yếu tố thứ ba này là nền tảng vô cùng quan trọng để các em thấy không đơn độc hay bị bỏ mặc. Tóm lại, khi có sự quan tâm tích cực, trẻ em sẽ cảm thấy được khích lệ để làm điều đúng, nói điều hay.

Khánh Bình

Đừng để " mất bò mới lo làm chuồng" ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục