Trái phiếu Chính phủ (TPCP) là một công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước.
TPCP giúp Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở trực tiếp điều tiết lượng tiền trong lưu thông và mức cung tiền trong nền kinh tế để duy trì mức lạm phát mong muốn hay kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây là nguồn vốn quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên các nguồn vốn ODA có điều kiện ưu đãi giảm đi - thay vào đó là các điều kiện vay gần với các khoản vay thương mại. Kênh huy động vốn dài hạn và hữu hiệu nhất cho Chính phủ khi đó chính là phát hành TPCP. Thị trường TPCP còn là nền tảng cơ bản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, có một thực tế liên quan đến vốn TPCP là công tác giải ngân chậm (chậm trong giải ngân trong khi đó vẫn phải trả lãi cho nhà đầu tư mua trái phiếu được coi là sự lãng phí kép đối với dự án sử dụng nguồn vốn này) khiến các cơ quan liên quan đến nguồn vốn này luôn chú trọng đến chuyện đẩy nhanh tiến độ mà chuyện hiệu quả đến đâu vẫn chưa được đề cập hay công khai một cách xác đáng. Chỉ đến khi báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về quản lý, sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2009 vừa công bố mới đưa đến một cái nhìn tương đối về nguồn vốn này.
Để nâng cao hiệu quả, Bộ KH-ĐT đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra về các vấn đề liên quan đến vốn đầu tư từ ngân sách nói chung, TPCP nói riêng. Bộ này cũng đã có Công văn 1070 đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước báo cáo tình hình năm 2010 và rà soát, điều chỉnh việc phân bổ kế hoạch đầu tư nguồn vốn nhà nước năm 2011. Lộ trình cụ thể được Bộ KH-ĐT đưa ra là trước ngày 10-3 gửi báo cáo tình hình triển khai thực hiện vốn đầu tư nhà nước và phương án rà soát, điều chuyển vốn kế hoạch năm 2011 về Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính; từ ngày 8-3 đến 20-3, Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các đoàn làm việc với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và địa phương kiểm tra việc rà soát, điều chuyển vốn kế hoạch năm 2011… Từ ngày 25-3 đến 30-3, Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2010 và việc rà soát, điều chuyển vốn kế hoạch năm 2011 của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và địa phương, kiến nghị Thủ tướng thu hồi các khoản bố trí sai mục tiêu thuộc nguồn ngân sách trung ương và TPCP để điều chuyển cho các bộ, ngành và địa phương khác.
Song, chủ trương rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư chưa thật sự cấp bách; ưu tiên bố trí vốn TPCP cho các dự án hoàn thành; không bố trí vốn cho dự án chưa đủ thủ tục đầu tư và có khối lượng thực hiện thấp… đã được đề ra từ lâu và trong mỗi kế hoạch phân bổ nguồn vốn TPCP nhưng thực tế việc quán triệt chủ trương này còn hạn chế. Việc cắt giảm dự án sử dụng vốn ngân sách nói chung, TPCP nói riêng chưa quyết liệt, khó thực hiện, được nhìn nhận một phần do các quyền lợi, lợi ích của các bên liên quan chi phối. Sự nhạy cảm liên quan đến nguồn vốn này còn thể hiện qua việc, dù phát hiện rất nhiều bất cập, hạn chế cũng như kiến nghị xử lý về tài chính rất lớn nhưng cơ quan được tiếng là công khai, minh bạch như KTNN cũng không hề đề cập đến con số cụ thể những địa phương, dự án đang lãng phí nguồn vốn này.
Trong khi đó, hiệu quả sử dụng các khoản vay là vấn đề rất quan trọng vì từ đó mới bảo đảm được dòng tiền trả nợ trong tương lai. Do đó, theo các chuyên gia, với mục tiêu quan trọng nhất năm nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung quyết liệt cho việc rà soát các khoản đầu tư công nói chung, TPCP nói riêng là cơ hội để các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính vốn là thực trạng khó giải quyết bấy lâu nay.
Hà My