Đường hay đại lộ?

Một niềm vui đối với người dân thành phố là từ ngày 29-4-2011, thành phố đã chính thức lấy tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để đặt tên cho đại lộ Đông Tây.

Một niềm vui đối với người dân thành phố là từ ngày 29-4-2011, thành phố đã chính thức lấy tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để đặt tên cho đại lộ Đông Tây.

Thế nhưng, đã 2 tháng trôi qua, sau ngày thành phố kéo băng đặt tên đại lộ Võ Văn Kiệt, cách hiểu và gọi tên vẫn còn nhiều chệch choạc, bất nhất. Báo SGGP số ra ngày 30-4 đưa tin: “Đúng 11 giờ 20 ngày 29-4… đã kéo băng chính thức đặt tên đại lộ Võ Văn Kiệt”. Thế nhưng không lâu sau đó, báo SGGP số ra ngày 10-6 đưa tin: “Đường Võ Văn Kiệt - Lún cầu vượt bộ hành”. Như vậy, nên gọi là “đường” hay “đại lộ”? Có lẽ không cần truy nguyên từ điển, ai cũng hiểu sự khác biệt giữa 2 từ này về nội hàm ngữ nghĩa.

Thế nhưng có người lập luận không sai: Cứ đến ngay nút giao ở dạ cầu Nguyễn Văn Cừ, rành rành tấm biển “Đường Võ Văn Kiệt”. Nhưng giữa “đường” và “đại lộ” thì khác nhau về quy mô, cũng như không ai gọi “đại lộ Phùng Hưng” hay “đại lộ Nguyễn Trãi” cả. Ngay từ ban đầu, khi dự án Đông Tây khởi động, tên gọi “đại lộ Đông Tây” đã trở thành cách gọi quen thuộc cho đến nay, bởi tính quy mô của công trình này. Vì vậy, khi thành phố đặt tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho con đường này, người ta quen gọi là đại lộ Võ Văn Kiệt, như thể hiện lòng kính trọng đối với vị cố Thủ tướng thân yêu và tài ba, cũng như cách gọi “đại lộ Nguyễn Văn Linh”.

Theo tôi, ngành GTVT nên chỉnh sửa bảng tên cho đúng là “đại lộ Võ Văn Kiệt” thay cho tấm biển hiện nay, nhằm thể hiện tấm lòng trân trọng của người dân thành phố đối với vị cố Thủ tướng khi chọn tên ông để đặt tên cho con đường lớn, hiện đại và đẹp nhất nhì thành phố.

Để người dân không ngộ nhận và lúng túng khi giao dịch, quan hệ, đề nghị ngành GTVT nên đặt thêm các bảng tên “đại lộ Võ Văn Kiệt” tại các giao lộ thuộc địa bàn mà đại lộ đi qua. Tâm nguyện của người dân thành phố chọn tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để đặt tên cho con đường lớn, đẹp của thành phố, nay đã thành hiện thực. Việc chỉnh sửa như nói trên đối với ngành GTVT là việc làm cần thiết, không tốn kém, thể hiện sự trọng thị đối với người đã khuất, tránh cách gọi, cách hiểu chệch choạc như hiện nay.

QUẾ VÕ (quận 8)

Tin cùng chuyên mục