Cảnh giác
Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất về viện trợ nhân đạo - đã giảm 6% (423 triệu USD) viện trợ nhân đạo trong năm 2018, trong khi Đức và Anh đều chi ít hơn năm 2017 tới 11%. Sự cắt giảm này diễn ra bất chấp việc LHQ kêu gọi quyên góp số tiền cao kỷ lục là 28,3 tỷ USD để hỗ trợ hơn 200 triệu người đang rất cần trợ giúp. Các điểm nóng như Yemen và Syria là những nơi nhiều người cần trợ giúp nhất.
Hồi tháng 9 vừa qua, nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, Nhà Trắng sẽ thúc đẩy đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt giảm khoảng 4 tỷ USD viện trợ nước ngoài. Mặc dù đã hủy kế hoạch cắt giảm nói trên nhưng Tổng thống Donald Trump cho biết chính phủ sẽ tìm cách cắt giảm viện trợ ở những khoản khác.
Trước đó, vào tháng 6, Tổng thống Donald Trump cũng đã cắt viện trợ tới Honduras, Guatemala và El Salvador, vì cho rằng các nước Trung Mỹ này không giúp Mỹ ngăn chặn dòng người di cư trái phép. Ông Donald Trump nhiều lần đề xuất giảm ngân sách dành cho các quỹ hỗ trợ nước ngoài với mức giảm 23%, đặc biệt ở những nước không “ủng hộ” Mỹ.
Theo Tổ chức Các sáng kiến phát triển (DI), nhìn chung viện trợ nhân đạo của chính phủ đã tăng nhẹ vì Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia tăng chi, nhất là cho việc tái thiết Yemen. Các chương trình hỗ trợ tiền mặt hoặc thông qua voucher (phiếu mua hàng) dành cho người cần trợ giúp đã tăng 10% từ năm 2017 lên con số kỷ lục 4,7 tỷ USD năm 2018. Tiền hỗ trợ dài hạn để giúp các nhân viên nhân đạo trên thực địa ứng phó với tác động khủng hoảng cũng tăng.
Báo cáo trên cho biết, một số lượng lớn các cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong nhiều năm qua, đòi hỏi nguồn lực hỗ trợ lớn hơn và trong thời gian dài hơn. Giám đốc Phân tích và nghiên cứu tại DI, ông Dan Coppard, cho biết: “Chúng ta cần theo dõi sát thái độ của các nhà tài trợ này và đảm bảo rằng đây không phải là sự khởi đầu của xu hướng mới”.
Khó đạt mục tiêu phát triển bền vững
Trong báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ các nước này đã giảm, đặc biệt là tại những nước kém và đang phát triển có nhu cầu cao nhất.
Ông Harpinder Collacott, Giám đốc điều hành các sáng kiến phát triển của OECD, cho biết, ODA là một nguồn lực quan trọng để viện trợ cho nỗ lực chấm dứt nghèo đói cùng cực và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có nguồn lực hạn chế. Hơn nữa, chỉ còn hơn một thập niên nữa là đến thời hạn 2030 để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) nhưng tiến độ so với hầu hết các mục tiêu vẫn còn chậm và khoảng cách tài chính thực sự ước tính lên tới 3.100 tỷ USD. Do đó, thật đáng thất vọng khi viện trợ ODA lại giảm tại thời điểm quan trọng này. Nghịch lý nhất là khi mức giảm đó dường như đang tác động đến một số người nghèo nhất và những quốc gia đang có nhu cầu lớn nhất.
Các số liệu mới được công bố là một cảnh báo rõ ràng rằng nguy cơ thế giới có thể không đạt được SDGs. Nếu mức giảm này không được đảo ngược, thế giới có thể sẽ lạc hậu hơn trong việc thực hiện lời hứa toàn cầu về chấm dứt nghèo đói cùng cực vào năm 2030 và cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau.