Èo uột sân khấu ca nhạc Hà Nội

Èo uột sân khấu ca nhạc Hà Nội

(SGGP-12G).- Sân khấu ca nhạc ở Hà Nội gần đây quá èo uột, một số ca sĩ trẻ lại tính chuyện “Nam tiến”. Có ca sĩ ở miền Nam “lội ngược dòng” ra Hà Nội lập nghiệp cũng thấy “oải” và lại chuẩn bị “quay lui”. Tất cả cũng chỉ vì Hà Nội có quá ít các điểm diễn, đời sống âm nhạc ở các sân khấu lớn thì được ví như “hơi thở mong manh”.

Sân khấu nhỏ vắng khách

Phòng trà Aladin của NSND Thanh Hoa nhìn chung chỉ còn lại lượng khán giả trung thành của riêng mình, nhưng cũng không nhiều. Mọi buổi diễn, mọi hợp đồng mời ca sĩ đều trông đợi vào hai ngày cuối tuần. Ở phòng trà này vẫn là những tên tuổi có “tầm vóc”, “đỉnh cao” như Việt Hoàn, Tân Nhàn, Tấn Minh, Lan Anh… nhưng sân khấu nhỏ này thường chỉ kín ghế vào những dịp lễ đặc biệt.

Được diễn ở những phòng trà là niềm mơ ước của ca sĩ trẻ Hà Nội (ảnh: Một chương trình ca nhạc ở Phòng trà Không Tên, TPHCM)

Được diễn ở những phòng trà là niềm mơ ước của ca sĩ trẻ Hà Nội (ảnh: Một chương trình ca nhạc ở Phòng trà Không Tên, TPHCM)

Còn ở Hồ Gươm Xanh, dù đã mời ca sĩ từ TPHCM ra biểu diễn, thì lượng khách cũng chỉ bằng 1/3 thời hoàng kim. Mặc dù đây đã là tụ điểm được coi là có đẳng cấp bậc nhất đối với giới trẻ Hà Nội nhưng tình trạng ế ẩm vẫn triền miên. Những chương trình nổi trội của tụ điểm ca nhạc này được nhắc đến với những tên tuổi như Hà Anh Tuấn, Jimmy Nguyễn, Đoan Trang, Hương Lan…; không có cơ hội nào dành cho các ca sĩ trẻ Hà Nội.  

Còn Jazz club của nghệ sĩ Quyền Văn Minh thuộc dạng kén khán giả, kén cả người biểu diễn. Khán giả thường là du khách nước ngoài hoặc những người thực sự hiểu biết hay yêu thích thể loại nhạc jazz. Lại cũng là một sân khấu không dành cho phần lớn ca sĩ trẻ Hà Nội.

Những Ngọc Khuê, Mỹ Dung, Thùy Dung, Hà Linh, Khánh Linh… gần như “im hơi lặng tiếng”, thảng hoặc chỉ xuất hiện trong vài chương trình của đài truyền hình. Lưu Hương Giang cũng quyết định nghỉ ngơi để dưỡng sức và nuôi dưỡng dự án âm nhạc mới. Ngọc Anh, Tân Nhàn… miệt mài nhận show biểu diễn tại Quảng Ninh, Đà Nẵng…

Những ca sĩ trẻ hơn, mới hơn quay cuồng tìm kiếm và nhận show diễn tỉnh, chỉ để mong được biểu diễn chứ chẳng dám đòi hỏi cát sê mức này, mức kia.

Sân khấu lớn – đếm trên một bàn tay

Chắc hẳn những người yêu nhạc và một số ca sĩ phải cảm ơn nhạc sĩ Thanh Tùng nhiều lắm vì từ tháng 3 tới giờ, “nổi đình nổi đám” nhất ở Hà Nội chỉ có các đêm nhạc của ông. Nhưng, chương trình của nhạc sĩ Thanh Tùng chỉ có 1-2 đêm diễn, quy tụ toàn “sao” như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồ Quỳnh Hương… nên cũng chẳng có cơ hội nào dành cho ca sĩ trẻ.

Mới đây “hot girl” Thủy Top chơi nổi bằng một đêm nhạc “cover” ý tưởng của Mr. Đàm với “Dạ tiệc trắng” gồm hoa trắng, sân khấu trắng, phục trang của cả nghệ sĩ biểu diễn lẫn khách mời đều trắng… Nhưng đêm diễn được tổ chức với quy mô “club” cũng không mấy có “tiếng vang” mặc dù cũng có được vài trăm khán giả, những màn trình diễn bốc lửa như màn múa cột của các vũ nữ nhưng chương trình chỉ dừng lại ở mức: Thủy Top khoe tài DJ và hát một vài bài rồi giao lưu cùng khán giả.

Một ca sĩ trẻ tâm sự: “Tôi chỉ mong có một lời mời tới biểu diễn chương trình nào đó, lớn nhỏ đều được, nhưng chẳng thấy. Chỉ thấy ca khúc của mình được nhiều người nghe trên các website âm nhạc. Thôi thì… như vậy cũng đủ mừng”.

Có ca sĩ lặn lội từ TPHCM ra Hà Nội tìm hiểu thị trường, ra mắt album đầu tay rồi ngậm ngùi ra về và hoàn toàn không đặt hy vọng vào thị trường âm nhạc ở mảnh đất Hà thành. Ca sĩ Dương Triều Anh vốn được ghi nhận là “dũng cảm và can trường” khi lựa chọn Hà Nội làm mảnh đất lập nghiệp dù sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Sau 1 năm chèo chống “nơi đất khách” cũng phải than rằng “Chắc tôi về lại miền Nam thôi. Vì sao Hà Nội quá thiếu vắng chương trình ca nhạc?”.

Câu hỏi khắc khoải này, người viết nghe không chỉ một lần và từ một ca sĩ. Đem chuyện này hỏi một số bầu sô, vị nào cũng giơ tay lên trời mà ca thán: “Kinh tế đang khó khăn thế này, ngành giải trí chịu thiệt là lẽ đương nhiên, ca sĩ mà đói thì cánh tổ chức biểu diễn chúng tôi còn đói hơn. Họ khát khao chương trình biểu diễn, chúng tôi còn khát khao cơ hội và điều kiện tổ chức biểu diễn hơn. Nhưng vấn đề sống còn là khán giả, mình tổ chức, bán vé mà họ không đến xem thì chết. Mà thời buổi này tìm đâu ra mạnh thường quân…”.

Quả thực, việc tổ chức biểu diễn ở Hà Nội giai đoạn này đã trở thành “canh bạc nghệ thuật” chẳng nhiều hứa hẹn với các bầu sô. Tâm lý và thị hiếu khán giả Hà Nội khác với khán giả TPHCM hay những miền đất khác. Thói quen và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thời khủng hoảng kinh tế của phần đông công chúng chỉ dừng lại ở các kênh truyền hình. Một đạo diễn sân khấu ca nhạc ở Hà Nội thở dài mà rằng: “Để chỉ ra lý do vì sao sân khấu ca nhạc ở Hà Nội èo uột, thì chỉ có thể giải thích bằng… vấn đề “đầu tiên”. Ai bỏ tiền ra làm chương trình, ai bỏ tiền ra đi xem? Tất thảy đều mông lung. Vì thế nên cứ nằm im chờ thời”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục