EU bất đồng kế hoạch ngân sách mới sau đại dịch

Nhằm giải quyết mâu thuẫn xung quanh khoản ngân sách mới trong giai đoạn 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ EUR (1.236 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel dự kiến đề xuất một kế hoạch ngân sách có quy mô nhỏ hơn. Đề xuất này được công bố trước khi EU tổ chức kỳ họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên sau đại dịch, dự kiến diễn ra trong hai ngày 17 và 18-7.
Nhà máy sản xuất xe hơi nối lại hoạt động sản xuất sau đại dịch tại Wolfsburg, Đức
Nhà máy sản xuất xe hơi nối lại hoạt động sản xuất sau đại dịch tại Wolfsburg, Đức

Ưu tiên quỹ cứu trợ

Reuters đưa tin, theo đề xuất của ông Charles Michel, khoản ngân sách mới sẽ có giá trị từ 1.050-1.094 tỷ EUR (1.179 tỷ USD-1.228 tỷ USD). Với mức ngân sách mới, một số nhà đàm phán của EU hy vọng các nước sẽ sớm thu hẹp được bất đồng trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tuy có quy mô nhỏ hơn nhưng đề xuất này vẫn bao gồm một quỹ trị giá 750 tỷ EUR (846,3 tỷ USD) hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo kế hoạch của EC, 2/3 ngân sách của quỹ sẽ được huy động theo hình thức tài trợ trong khi phần còn lại sẽ từ các khoản vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng. Dù đề xuất phần lớn nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo EU, trong đó có Đức và Pháp, nhưng nhóm 4 quốc gia gồm Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thụy Điển lại phản đối việc chi tiền cho các nước Nam Âu như Italy và Tây Ban Nha đồng thời cho rằng các khoản viện trợ không nên được trao cho các thành viên một cách dễ dàng. Nhóm 4 nước trên muốn thắt chặt ngân sách và chỉ bù đắp một phần cho khoảng trống ngân sách mà nước Anh để lại khi rời EU cũng như giữ nguyên phần ngân sách hoàn lại cho nước mình.

Theo giới quan sát, khoản ngân sách có quy mô nhỏ hơn là chiến thuật được các nhà đàm phán trong EU sử dụng để tìm điểm cân bằng. Việc thu nhỏ quy mô ngân sách có thể làm ảnh hưởng tới những lĩnh vực như quân sự hay nghiên cứu nhưng mục tiêu đạt thỏa thuận về khoản ngân sách hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn được xem là ưu tiên. Mục tiêu này cũng được cho là mang giá trị kinh tế và biểu tượng cao hơn trong bối cảnh EU đang bị chỉ trích là ứng phó chậm với những tác động kinh tế từ đại dịch.

Phép thử của EU

Ngân sách mới của EU cũng là một trong những ưu tiên của Đức - quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của khối. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hối thúc các nhà lãnh đạo EU nhanh chóng nhất trí về ngân sách mới của EU giai đoạn 2021-2027, nhấn mạnh tháng 7 là thời điểm tốt nhất để thông qua ngân sách của khối, tuy nhiên khi chưa thể đạt đồng thuận, các nước có thể tiếp tục thảo luận để đi tới thống nhất trong mùa hè. Theo nhà lãnh đạo Đức, tình thế khó khăn hiện nay là phép thử cho tinh thần đoàn kết của châu Âu bởi chính các nước bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh đang hoài nghi giá trị của EU trong khủng hoảng.

Nhiều nước châu Âu đang rất kỳ vọng vào việc Đức trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU có thể giúp các nước vượt qua bất đồng trong khoản đóng góp ngân sách mới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cũng cảnh báo những tháng tới sẽ là thời điểm quan trọng để EU có thể vực dậy nền kinh tế, vượt qua được những khó khăn do dịch bệnh gây ra. 

EU đang đối mặt với cú sốc kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định, đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị giảm từ 5% đến 15%. Tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2020 được dự báo giảm 5,4%, khiến năm 2020 trở thành dấu mốc tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung được đưa vào sử dụng năm 1999. Tuy nhiên, dự báo của ECB vẫn lạc quan hơn nhiều so với dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi cho rằng mức suy giảm có thể tới 7,5%.

Tin cùng chuyên mục