EU chống bảo hộ mậu dịch

* Anh đề xuất “Thỏa thuận lớn toàn cầu”

Trong tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về kinh tế ngày 1-3 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết chống các hình thức bảo hộ mậu dịch trên thị trường chung của khối.

Thông điệp mạnh mẽ này được EU đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu, đặc biệt sau khi Pháp công bố những khoản viện trợ lớn cho ngành chế tạo xe hơi trong nước.

Tại hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bác bỏ những cáo buộc rằng việc nước này rót tiền cho ngành xe hơi là hình thức bảo hộ. Ông cho rằng kế hoạch này nằm trong các biện pháp kích thích kinh tế, giúp các nhà máy sản xuất xe hơi không bị đóng cửa và do vậy hàng chục ngàn công nhân trong ngành này không bị đẩy ra đường trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan hiện nay do khủng hoảng tài chính. Kế hoạch này cũng đã được Ủy ban châu Âu (EC) công nhận không phải hình thức bảo hộ.

Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng nỗ lực chống bảo hộ mậu dịch không chỉ là vấn đề ở châu Âu mà nên được xem là trọng tâm của cuộc chiến toàn cầu chống khủng hoảng kinh tế. Ông cho biết sẽ đưa ra ý tưởng về một “Thỏa thuận lớn toàn cầu” để cứu nền kinh tế thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển và đang nổi lên (G20) do Anh chủ trì vào ngày 2-4 tới.

Nội dung “Thỏa thuận lớn toàn cầu” ngoài việc đề cao sự cần thiết phải loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ, còn bao gồm những tiêu chuẩn điều chỉnh mới cho các thị trường tài chính và sự giám sát xuyên biên giới đối với các thể chế tài chính.

Lãnh đạo 27 nước EU sẽ họp lại vào ngày 19-3 tới và hy vọng quan điểm thống nhất nói trên về chống bảo hộ mậu dịch sẽ trở thành thông điệp mạnh mẽ chuyển tới Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. 

V.L. (Theo Reuters, People)

Tin cùng chuyên mục