Kế hoạch thiếu đồng thuận
Tây Ban Nha và Hy Lạp vừa gửi thư tới Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, trước cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng năng lượng vào ngày 26-7 để phản đối đề xuất cắt giảm tiêu thụ khí đốt. Italy, Ba Lan và Hungary trước đó cũng đã phản đối kế hoạch này.
Kế hoạch của EU sẽ giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong 8 tháng tới, cho đến tháng 3-2023, đồng thời cảnh báo nếu không cắt giảm sâu ngay từ bây giờ, họ có thể gặp khó khăn về nhiên liệu trong mùa đông trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt. Các biện pháp ban đầu sẽ là tự nguyện, nhưng bao gồm một kích hoạt bắt buộc nếu tình hình cung cấp xấu đi đáng kể. EC có thể xin phê duyệt kế hoạch này ngay sau ngày 26-7.
Về nguyên tắc, Hy Lạp không đồng ý với biện pháp trên. Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp, ông Ioannis Oikonomou, cho biết, nước này sẽ thực hiện chính sách khí đốt độc lập với EU. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã công khai phản đối biện pháp cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ.
Trong một bức thư ngỏ gửi tới EC, bà Teresa Ribera Rodríguez, Bộ trưởng phụ trách Chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha, phàn nàn rằng, kế hoạch của Brussels yêu cầu các nước cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt bắt đầu từ tháng 8 và trong mùa đông đã không được thảo luận với các quốc gia thành viên EU.
Bà Rodríguez nhận xét kế hoạch cắt giảm đã bỏ qua những hậu quả chính về kinh tế và xã hội trên toàn châu Âu. Theo quy định của EU, kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt phải được 55% thành viên EU hoặc tương đương 65% dân số EU chấp thuận tại cuộc họp vào ngày 26-7.
Khả năng tự kích hoạt cơ chế
Brussels đưa ra đề xuất cắt giảm khí đốt trong bối cảnh lo ngại rằng Nga có thể vũ khí hóa hơn nữa nguồn cung năng lượng, sau khi Moscow cắt giảm dòng khí đốt tới ít nhất 12 nước thành viên EU. Đây sẽ là động thái ảnh hưởng đến tất cả các hộ gia đình, các nhà sản xuất điện và ngành công nghiệp. Nếu Nga cắt khí đốt xuất qua EU vào tháng 8, có nghĩa là các kho dự trữ của EU chỉ còn từ 65-71% lượng khí đốt dự trữ vào đầu tháng 11, dưới mức mục tiêu là 80%.
Các kịch bản dự báo cho thấy, trong trường hợp mùa đông khắc nghiệt và nguồn cung cấp khí đốt bị gián đoạn nghiêm trọng, GDP của EU có thể giảm tới 1,5%. Theo các nhà kinh tế, nhiều nền kinh tế thành viên EU gắn chặt vào nhau nên hậu quả mang tính dây chuyền.
Ví dụ, nếu ngành công nghiệp của Đức sụp đổ, toàn bộ nền kinh tế EU sẽ sụp đổ về tổng thể. Theo Reuters, một quan chức EU cho biết, các quốc gia thành viên muốn có khả năng tự kích hoạt các cơ chế khủng hoảng thiếu khí đốt chứ không phải chờ EU.
Trước đó, ngày 21-7, Nga đã nối lại hoạt động xuất khẩu khí đốt đến châu Âu qua Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sau 10 ngày tạm ngừng để bảo trì. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Moscow có đưa ra một quyết định khác dẫn tới một cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu lục này trong mùa đông năm nay hay không?