Trong đó, tổng công suất các công trình điện mặt trời trên mái nhà của khách hàng là 216MWp. Dự kiến đến cuối năm 2019, có thêm 300MW công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt và 2.000MW đến hết năm 2020.
Theo Quyết định 11/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 30-6-2019 nhưng vẫn chưa có quyết định mới thay thế, nên EVN chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục mua bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái của khách hàng mới.
Trước đó, Chính phủ đã có nghị quyết, quyết định về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đến hết năm 2020, hạ tầng đấu nối với công suất thiết kế 2.000MW cũng phải hoàn thành.
Thậm chí, để bù đắp cho phần công suất phát thiếu hụt giờ thấp điểm của các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực này, một nhà máy thủy điện tích năng công suất lớn cũng đã được quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, do việc triển khai đầu tư chưa đồng bộ giữa xây dựng nhà máy điện mặt trời và đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải; việc xây dựng một nhà máy điện gió, điện mặt trời chỉ mất vài tháng, trong khi đầu tư một công trình lưới truyền tải phải mất ít nhất 3-5 năm. Vì vậy, sau 2 năm phát triển “nóng”, các dự án điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận đã có dấu hiệu chững lại do quá tải về hạ tầng truyền dẫn, đấu nối vào lưới điện quốc gia.