Gầy dựng thị trường mỹ thuật

Câu chuyện phòng tranh lâu đời nhất TPHCM - Phòng tranh Tự Do - đóng cửa đã thu hút được nhiều sự quan tâm của giới mỹ thuật TPHCM, cộng đồng nghệ thuật trong và ngoài nước những ngày qua. Sau 26 năm gắn bó với những người yêu mỹ thuật, Phòng tranh Tự Do giờ không còn nữa, thay vào đó chỉ còn hoạt động trên mạng. Không chỉ có hàng trăm cuộc triển lãm, mà những gì phòng tranh này mang lại còn lớn hơn nhiều. Đó là giáo dục nhận thức thẩm mỹ cho nhiều thế hệ công chúng, người dân; là trách nhiệm văn hóa với cộng đồng xã hội…

Việc phòng tranh lâu đời nhất TPHCM đóng cửa, dù với lý do gì, không chỉ tạo nên sự hụt hẫng trong giới mỹ thuật, mà còn gióng lên hồi chuông báo động về việc gầy dựng thị trường mỹ thuật trong nước. Họa sĩ Trần Thị Thu Hà, bà chủ Phòng tranh Tự Do từng nói, với nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường thì thị trường nội địa là yếu tố quyết định thành công văn hóa chứ không phải doanh số hay mức độ nổi tiếng bên ngoài. Và lâu nay, không ít người trong giới nghệ thuật vẫn nhìn nhận một điều, Việt Nam chưa có một thị trường nghệ thuật thật sự chuyên nghiệp. Đến giờ, người ta luôn mong mỏi cái thị trường nghệ thuật ấy cơ bản hình thành và hoàn thiện, bởi khi ấy giá trị của nghệ thuật mới được nhìn nhận, được tôn vinh đúng mực.

Ngược dòng thời gian, trước thế kỷ 20, việc lưu giữ, truyền bá, mua bán những tác phẩm nghệ thuật hầu như không có. Có ngoạn cổ, chơi đồ cổ song rất nhỏ lẻ và không mang tính thị trường. Việc sưu tầm nghệ thuật có lẽ bắt đầu với việc khảo cổ, nghiên cứu của người Pháp với các tác phẩm sưu tập của Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội, Sài Gòn và Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, cũng như việc mua hay thu các tác phẩm nghệ thuật mang về Pháp, như sưu tập của Bảo tàng Guimet. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí từng nhận được hợp đồng vẽ tranh cho một số quan chức Pháp và ông là người đầu tiên “sống” được bằng việc bán tranh. Cho đến những năm trước, sau 1975, cả nước cũng chỉ có mỗi tên nhà sưu tập - người mua tranh là ông Đức Minh ở Hà Nội mà hoàn toàn không có các gallery thương mại nghệ thuật.

Những năm 1990 là thời kỳ bùng nổ các gallery, sau sự kiện tranh tượng Việt Nam được trưng bày và bán tại gallery ở Hồng Công, dù là chào sân ở thị trường tự do nhưng cũng đã mang lại sự thành công nhất định cho thị trường mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ. Tranh của các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Bửu Chỉ, Nguyễn Quân, Nguyễn Trọng Vũ… được bán với giá cả ngàn USD, ngang với các họa sĩ đình đám của Trung Quốc lúc bấy giờ. Khi ấy ở trong nước, việc bán tranh còn là chuyện khó tin. Chỉ trong vài năm đã xuất hiện một vài gallery chuyên bán tranh Việt Nam ở Hồng Công, Singapore. Riêng Hà Nội và TPHCM, lúc bấy giờ phòng tranh mọc lên như nấm sau mưa, có đến hàng trăm điểm mua bán. 

Trong một thời gian ngắn, khách nước ngoài, nhiều nhà sưu tập thế giới đổ xô tìm mua tranh Việt đã giúp nhiều họa sĩ sống được nhờ bán tranh. Tranh Việt còn được nâng tầm vị thế khi nhiều bảo tàng nghệ thuật ở các nước chọn mua tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Thế nhưng, thị trường mới vừa manh nha đã nhanh chóng tàn lụi bởi vấn nạn tranh giả. Các tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy bị làm giả, tranh sao chép lại chính mình của những họa sĩ trẻ vừa mới nổi… Nhiều chủ phòng tranh té ngửa khi biết mua phải tranh Bùi Xuân Phái giả, một số nhà sưu tập kêu trời khi phát hiện tác phẩm mình đã mua bị sao chép hàng loạt, bán nhiều lần cho người khác. Thị trường tranh nghệ thuật Việt Nam vừa chớm nở lại trở về với vạch xuất phát là vì vậy.

Mua tranh, sưu tập, treo tranh trong nhà, trao đổi mua bán tác phẩm nghệ thuật là một phong cách sống chưa có truyền thống ở Việt Nam. Cơ quan đại sứ quán, lãnh sự quán các nước, nhà văn hóa nước ngoài ở Việt Nam, các công ty lớn nước ngoài tại Việt Nam hầu hết đều dành nguồn quỹ tài trợ cho các sự kiện văn hóa, dành cho các hoạt động nghệ thuật, tài trợ cho các nghệ sĩ tham gia thị trường nghệ thuật… Với họ, nghệ thuật vừa là trách nhiệm văn hóa với cộng đồng, vừa là một kênh đầu tư. Có thể xem đây là một cách gầy dựng thị trường nghệ thuật và vận hành nghệ thuật đáng tham khảo. Gầy dựng thị trường nghệ thuật chính là gầy dựng một lối sống thẩm mỹ, một cộng đồng sở thích và một thái độ ứng xử văn hóa, thậm chí một trách nhiệm văn hóa cho cộng đồng xã hội. Gầy dựng thị trường nghệ thuật nói thì nghe dễ nhưng để thực hiện được đòi hỏi phải là một chặng đường dài kiên trì.

Thị trường nghệ thuật trong nước đang là một bức tranh hỗn độn, tối nhiều hơn sáng. Việc gầy dựng thị trường nghệ thuật trong nước phải là một trong những mục tiêu hàng đầu và chiến lược trong phát triển văn hóa đất nước.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục