
Bộ Tài chính vừa đồng ý phương án tăng giá điện bình quân 8,8% (từ 783 đồng/kWh lên 852 đồng/kWh) của Bộ Công nghiệp và đề nghị bộ này đề xuất Chính phủ cho tăng giá điện từ 1-12-2006. Tại sao lại chọn thời điểm cuối năm để tăng giá khi mà chỉ số giá tiêu dùng thường tăng mạnh vào thời điểm này? Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết:

Nhân viên kỹ thuật Công ty Điện lực TPHCM kiểm định điện kế trước khi lắp đặt cho khách hàng. Ảnh: THÀNH TÂM
- Có 3 lý do chính để điều chỉnh giá điện vào thời điểm 1-12-2006. Thứ nhất là chỉ số giá tiêu dùng năm 2006 có khả năng đạt dưới 7%, thấp hơn so với một số năm trước. Thứ hai là giá xăng dầu thế giới đang diễn biến ở mức độ thấp. Thứ ba là để tránh tác động cộng hưởng khi đồng thời điều chỉnh giá một số vật tư cơ bản vào đầu năm 2007.
- PV: Vậy các mức tăng cụ thể dự kiến như thế nào?
- Ông NGUYỄN TIẾN THỎA: Đối với điện bán cho sản xuất, không tăng giá vào giờ bình thường và giờ thấp điểm; tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả đối tượng; xóa bỏ giá bán điện ưu đãi đối với các ngành sản xuất đặc thù từ 1-7-2008 (sản xuất nước sạch, luyện thép, urê, phốt pho, quặng tuyển apatít…) - những ngành đang được bán điện thấp hơn các hộ bình thường khoảng 6% – 10%.
Giá điện bán cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ sẽ tăng 12%. Đối với điện sinh hoạt nông thôn sẽ vẫn giữ giá trần 700 đồng/kWh như hiện nay. Đối với điện sinh hoạt bán lẻ sẽ tăng giá bán điện sinh hoạt bậc thang 100 kWh đầu tiên từ 550 đồng/kWh hiện nay lên 620 đồng/kWh (tăng 12,7%); giá bán điện sinh hoạt bậc thang trên 100 kWh đến dưới 400 kWh sẽ tăng 15% - 21%; bổ sung bậc thang giá điện sinh hoạt trên 400 kWh với giá 1.780 đồng/kWh (thay cho 1.400 đồng trước đây).
- Lộ trình cụ thể của kế hoạch tăng giá này như thế nào, thưa ông?
- Đây là một trong ba bước của lộ trình điều chỉnh giá điện từ nay đến năm 2010. Bước một được thực hiện từ 1-12-2006, điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng 8,8%, từ 783 đồng/kWh lên 852 đồng/kWh. Bước hai thực hiện từ 1-7-2008, điều chỉnh giá bình quân lên mức 890 đồng/kWh, tức là tăng 4,5% so với bước một. Bước ba thực hiện từ năm 2010, áp dụng cơ chế điều chỉnh theo biến động của giá bán điện xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh và biến động của các yếu tố đầu vào khác có liên quan.
- Thưa ông, kế hoạch điều chỉnh lần này có phải là từng bước đưa giá điện tiếp cận với mặt bằng giá mới không?
- Tôi không nói về mặt bằng giá mới. Kế hoạch và lộ trình điều chỉnh này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là để đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất cho ngành điện. Với tổng sản lượng điện tự sản xuất, chi phí này là 733,06 đồng/kWh (chiếm 57,46% sản lượng, bằng 30.023 triệu kWh), so với giá bán hiện hành bình quân 782 đồng/kWh thì có lãi 6,6% (48,94 đồng/kWh). Với điện mua ngoài, chi phí là 1.002,09 đồng/kWh, nếu so với giá hiện hành thì lỗ 220,09 đồng/kWh (chiếm 42,53% sản lượng, bằng 22.224 triệu kWh).
Còn tính bình quân cả tự sản xuất và mua ngoài là 847,50 đồng/kWh, nếu so với giá bán hiện hành thì lỗ 65,50 đồng/kWh. Thứ hai là để thực hiện các nguyên tắc của Luật Điện lực, là “việc định giá bán lẻ điện cho sản xuất, sinh hoạt và dịch vụ phải bảo đảm thúc đẩy tổ chức, cá nhân sử dụng điện tiết kiệm; khuyến khích sử dụng điện trong giờ thấp điểm, giảm sử dụng trong giờ cao điểm” và “tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý”.
Ngoài ra, còn phải “thực hiện cơ chế bù trừ giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt”. Thứ ba là thực hiện theo nguyên tắc của Chính phủ đề ra: Không để thua lỗ; thu hút được các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển ngành điện, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn về điện cho đất nước. Mà muốn thu hút được đầu tư thì giá bán điện phải có lợi nhuận và lợi nhuận không thể thấp hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế.
- Bộ Tài chính đã tính toán như thế nào về tác động của tăng giá bán điện đối với đối tượng sử dụng?

- Chúng tôi đã tính toán cụ thể đối với các ngành hàng sản xuất, đối với đời sống cũng như đến chỉ số giá tiêu dùng. Nếu thực hiện tăng giá điện 20% vào giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm không tăng, thì bình quân giá điện sản xuất sẽ tăng 4%. Đây là mức tăng thấp nên tác động không nhiều đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu các doanh nghiệp bố trí hợp lý lại lịch sản xuất của mình bằng cách hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm thì có thể khắc phục được. Hiện nay, tỷ trọng sử dụng điện trong giờ bình thường và thấp điểm trong tổng sản lượng điện bán ra là 34,93%, trong khi đó tỷ trọng sử dụng trong giờ cao điểm chỉ là 4,88%.
Riêng với một số doanh nghiệp do đặc thù của ngành không thể ngừng sản xuất vào giờ cao điểm, như: nung clinker để sản xuất xi măng, sản xuất nước sạch… với mức giá tăng bình quân là 4% thì tác động trực tiếp cũng rất thấp. Ví dụ thép, than, xi măng và các sản phẩm công nghiệp chủ yếu khác dự tính chi phí sẽ tăng thêm 0,04% - 0,91%. Về tác động đối với đời sống, nếu điều chỉnh giá điện theo phương án trên thì mỗi hộ sử dụng điện sẽ phải trả thêm tiền điện mỗi tháng như sau: dùng 50 kWh/tháng phải trả thêm 3.500 đồng, 100 kWh thêm 7.000 đồng, 150 kWh thêm 13.750 đồng, 200 kWh thêm 24.000 đồng…, 500 kWh thêm 117.000 đồng.
Riêng với giá điện nông thôn vẫn giữ giá trần hiện nay là 700 đồng/kWh. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, cơ quan hành chính sự nghiệp, mức tăng giá điện 12% đòi hỏi các đơn vị phải sử dụng tiết kiệm, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Ngân sách nhà nước không chi thêm kinh phí thường xuyên do tăng giá điện đối với khối cơ quan hành chính sự nghiệp. Dự kiến lần tăng giá điện này sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng là tăng thêm 0,25%.
- Xin cảm ơn ông!
HÀ MY