Giá sữa và giá phải trả

Giá sữa ở Việt Nam đang thuộc hàng “đỉnh” trên thế giới! Đó là thông tin do một công ty nghiên cứu thị trường vừa mới công bố, trùng hợp với kết quả phân tích của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT). Trong lúc giá sữa bán lẻ bình quân ở các nước Đông Âu và Nam Mỹ chỉ có 0,4 USD/kg; các nước Bắc Mỹ, châu Đại Dương, Trung Quốc, Israel và EU là 0,8 USD/kg thì giá sữa ở VN lại lên đến 0,82 USD/kg. Do vậy, năm 2007, lượng sữa tiêu thụ tại VN chỉ tăng khoảng 6% nhưng số tiền dùng mua sữa tăng đến 20%.

Trong đó, giá của các sản phẩm sữa dành cho trẻ em tăng từ 18-30%. Năm 2008, giá sữa tiếp tục tăng cao, dự kiến doanh số bán sữa cả năm sẽ khoảng 920 triệu USD và sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2009. Giá sữa cao như vậy trước hết là do tâm lý sính ngoại đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người tiêu dùng VN.

Mặc dù theo các chuyên gia dinh dưỡng, phần lớn sữa nội và sữa ngoại đều không khác biệt về các thành phần dưỡng chất cơ bản, kể cả các thành tố đặc biệt như DHA, ARA, Omega 3, Omega 6… (bổ trợ trí não) sữa nội vẫn có nhưng các bà mẹ vẫn sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn gấp đôi, gấp ba để có được hộp sữa ngoại! Tuy nhiên, tác động chủ yếu “kích” giá sữa vẫn đến từ các hãng sản xuất sữa.

Trước đây các hãng sữa đã nhập nhằng giữa sữa bột và sữa tươi để tung ra thị trường sản phẩm sữa “bột” nhiều hơn “tươi” nhưng có giá “xịn” của sữa tươi. Từ hơn một năm nay, với “chiêu bài” giá nguyên liệu nhập khẩu và giá xăng dầu tăng, USD mất giá…, các hãng sữa lại liên tục “thổi phồng” giá sữa. 

Những tưởng giá sữa ngày càng cao người nông dân nuôi bò sữa cũng “ăn theo” nhưng thực tế lại tương phản. Trong lúc chi phí đầu vào mỗi ngày mỗi tăng, thức ăn hỗn hợp, xác mì, cỏ rơm… để nuôi bò tăng 20-50%, có loại tăng gấp đôi nhưng giá sữa tươi bán ra không những không tăng mà còn “tuột dốc”. Cho dù giá sữa nguyên liệu công bố là tăng, có lúc lên đến 7.400 đồng/kg nhưng giá thu mua thực tế chỉ dao động từ 5.000-6.000 đồng/kg, có trường hợp còn thấp hơn, hầu như chẳng khác gì thời điểm cách đây nhiều năm.

Thực trạng buồn lòng đó là do sữa tươi luôn bị đánh giá chất lượng không đạt mà người nuôi khó lòng hiểu được nguyên nhân vì sao! Do vậy, đàn bò sữa ở nhiều địa phương, ngay cả TPHCM, ngày càng teo tóp; người nuôi bò đứng trước nguy cơ phá sản. 

Không những người nuôi bò sữa lao đao mà chuyện lớn hơn là thế hệ tương lai của đất nước cũng khó mà đạt “đẳng cấp quốc tế” sớm. Dù số tiền bỏ ra cao ngất nhưng lượng sữa nhận được lại tỷ lệ nghịch. Theo các cơ quan nghiên cứu dinh dưỡng, mức tiêu thụ sữa bình quân của người VN thuộc loại thấp nhất khu vực và thế giới, chỉ đạt khoảng 6 lít/người/năm, trong khi ở Thái Lan là 22 lít/đầu người/năm, Trung Quốc là 26 lít/người/năm… Chính vì vậy, đến nay nước ta vẫn còn khoảng 2,6 triệu trẻ em “suy” chiều cao, cứ 3 trẻ thì có một trẻ “thiếu thước”; 2 triệu trẻ em thiếu cân nặng.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ VN vẫn còn ở mức rất cao, năm 2007, tỷ lệ này vẫn còn 33,9%, ở những vùng sâu vùng xa còn lên tới 45%! Các chuyên gia ước tính, cứ 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi sẽ gây thiệt hại khoảng 20 triệu USD/năm, như vậy mỗi năm VN đang bị mất đi gần 700 triệu USD! 

Rõ ràng là thể chất và trí tuệ của người VN cùng sự khởi sắc về kinh tế sẽ diễn tiến nhanh cùng tiến độ tạo ra một “sân chơi” công bằng giữa người nông dân và doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp xem trọng đạo đức kinh doanh hơn lợi nhuận trước mắt.

HOÀNG LONG

Tin cùng chuyên mục