
Nhiều người thích trưng bày các món đồ đắt tiền như rượu tây, bình cổ…, nhưng ông Đinh Thanh Toản (nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá, hiện ngụ tại phường Phước Long A, Q9, TPHCM) lại dành chỗ trang trọng nhất trong “mặt tiền” - tủ kính phòng khách để bày các kỷ vật của một thời quân ngũ từ chiếc ba lô con cóc, võng bạt, bộ quân phục là gấp phẳng phiu… cho đến đôi dép cao su đúc.

Những kỷ vật đi B được bác Toản trưng bày trang trọng trong nhà.
Không tự hào sao được khi ông đã có một quãng đời rất dài sống với quân ngũ. 16 tuổi nhập ngũ, ông Toản từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong thành phần của đại đoàn 312.
Có khá nhiều kỷ niệm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” thời đó, như trong trận đánh sân bay Mường Thanh, ông cùng đồng đội đã có sáng kiến chặt cây chuối rừng làm “bia” tránh địch bắn tỉa.
Điều đáng tiếc nhất – theo lời ông – là ông không lưu giữ được các kỷ vật “có lẽ do ngày ấy mình còn trẻ quá, chưa ý thức được giá trị của chiếc áo trấn thủ, cái mũ nan… nên bây giờ cứ ấm ức, hối tiếc”. Và tất cả chỉ còn lại những hiện vật thời chống Mỹ: Chiếc bình toong ông Toản được phát năm 1966 trước khi lội bộ đi B mấy ngày.
Đôi dép đúc ông đi trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Riêng chiếc mũ cối đội đầu từ năm 1970 có chỗ bị chém lõm vào do mảnh bom B52… Với con dao găm – vật bất ly thân của người lính – thì ông trìu mến lướt tay trên lưỡi dao kể: “Nó vừa dùng cho chiến trận, vừa để cải thiện đời sống. Lưỡi vẹt mòn thế nhưng vẫn còn sắc lắm. Thi thoảng mình vẫn lấy ra mài lại để nhớ về những ngày ăn ở bên suối…”.
Rời quân ngũ trở về địa phương, ông Toản vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và sống bằng ký ức: “Tôi đã nhiều lần căn dặn 3 con trai rằng những kỷ vật ấy là gia tài lớn nhất của bố để lại cho các con. Khi bố nhắm mắt, các con phải giữ gìn nó cẩn trọng như bây giờ. Soi vào đó là con thấy cuộc đời bố…”.
PHẠM MINH DŨNG