Giá trị của lưu trữ

Không đơn thuần là một tài liệu - hiện vật, mà đôi khi cả một giai đoạn lịch sử của đất nước gắn liền với tài liệu - hiện vật ấy, khiến việc lưu trữ, giữ gìn càng quan trọng hơn. Để phát huy được giá trị cũng như bài học giáo dục từ các tài liệu lịch sử, hơn hết, công tác lưu trữ và bảo quản lại càng được chú trọng.

Quá khứ và giá trị hiện tại

Mớ tài liệu dày cộm, có chỗ giấy đã ngả màu theo thời gian nhưng lại là niềm say mê và hứng thú với những ai đang nghiên cứu về lịch sử. Tìm tài liệu để hoàn thành chương trình nghiên cứu sau đại học về chuyên ngành lịch sử, Nguyễn Phan Tấn Duy (25 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) kể: “Tôi ra vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia II khá nhiều, vì cần đọc những tài liệu cũ”.

Duy không thể giải thích trọn vẹn vì sao mình lại chọn lịch sử, khi mà ý kiến của nhiều người trẻ hiện nay xem nó như một bộ môn cũ và chán, mà anh chỉ nói về “giá trị” khi đề cập đến chuyện này. “Lịch sử với nhiều bạn trẻ là môn khá chán, tôi ngày trước cũng thấy vậy. Nhưng sau khi học và nghiên cứu nhiều hơn, tôi lại hứng thú. Có quá khứ mới có hiện tại và tương lai. Hơn nữa lịch sử là câu chuyện mà chúng ta không thể thay đổi được và nó cũng không lặp lại, nên chịu khó tìm hiểu sẽ phát hiện ra những giá trị rất hay”, Duy kể thêm.

Trong phòng đọc của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, những tập tài liệu cũ được Duy lần giở cẩn thận, ghi chép những thông tin cần tìm. “Một số tài liệu chịu khó đi săn mấy nhà sách sẽ có, nhưng vẫn thích đọc ở đây hơn. Vì ở đây là tài liệu gắn liền với người sở hữu hoặc là bản sao từ những tài liệu gốc, khi đọc, tôi cảm thấy hứng thú hơn là những câu chuyện kể lại qua sách theo giọng văn của người viết. Tôi gần như thấy được từng bút tích, đặc điểm riêng của chủ sở hữu mỗi tài liệu. Nhất là tài liệu từ các vị tướng lĩnh quân đội, những kỷ vật mà lứa 9X như tôi, nếu không đến đây, hay tìm hiểu về lịch sử thì gần như không được biết đến”, Duy chia sẻ.

Giá trị của lưu trữ ảnh 1 Một buổi triển lãm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II

Tìm hiểu tài liệu về các công trình xây dựng trong TPHCM, Trần Hoàng Linh (27 tuổi, ngụ quận 2, TPHCM) cho biết: “Đến đây, tôi dành thời gian để đọc nhiều một chút. Không chỉ là bản vẽ thiết kế, thi công, mà đọc tài liệu qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, mình cũng có thể phát hiện ra nhiều điều hay như cách trình bày văn bản, hay phác thảo mỗi giai đoạn đều có điểm khác riêng biệt, dù không nhiều. Và cảm giác khi chạm tay vào những tài liệu gốc, sẽ thấy giá trị và ý nghĩa để mình tiếp tục tìm hiểu chuyên sâu”.

Gian nan câu chuyện đi tìm

Lịch sử không thể lặp lại, kỷ vật cũng chỉ có một lần trong đời, để thuyết phục được người tặng, có không ít “thử thách” dành cho người đi tìm tài liệu quý. Những tài liệu của các tướng lĩnh quân đội có rất nhiều câu chuyện lịch sử hay và các bài học giá trị quanh đó. Đặc biệt là những người tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tài liệu lại càng quý hơn. Tuy nhiên, để thuyết phục được các bác tặng lại, không phải dễ.

“Muốn tới gặp các bác, phải thông qua nhiều mối quan hệ quen biết trước, chứ khơi khơi mình tới xin xem tài liệu thì không được đâu, vì đó là kỷ vật cả cuộc đời, các bác rất trân trọng và giữ gìn cẩn thận”, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Hưng kể thêm: “Phải tới nhiều lần, xem rồi trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện mà các bác kể. Mình cũng phải biết cách lắng nghe, gợi mở để bác kể về các tài liệu đó. Có những tài liệu ghi chép đã không còn nguyên vẹn theo thời gian, trung tâm phải giúp các bác bồi lại, mà phải tìm đúng loại giấy như ngày xưa. Thấy tài liệu được bồi lại tốt, lần 1, lần 2, rồi dần dần các bác mới yên tâm trao tặng lại trung tâm”.

Cũng tham gia vào việc vận động tài liệu từ các gia đình, dòng họ về Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ông Bùi Thượng Hải, Trưởng phòng Hành chính của trung tâm, nhớ lại: “Phải tới trò chuyện nhiều lần thì mới thuyết phục được các bác, nhưng có bác chỉ tặng bản sao tài liệu thôi. Như Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trao tặng trung tâm 2/3 tài liệu của bác và Bảo tàng Bình Phước 1/3 tài liệu. Mỗi khi cần hay triển lãm, trung tâm và Bảo tàng Bình Phước hỗ trợ nhau, bên kia thiếu gì thì bên này cho mượn và ngược lại. Và khi đã tin tưởng mình rồi thì các bác giới thiệu nhau tặng tài liệu cho trung tâm”.

Trong số những tài liệu mới nhất mà trung tâm tiếp nhận, có những tư liệu quý, những tấm hình, phim âm bản… của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Cấy. “Tôi cũng từng làm việc ở đây, giờ cùng với ba gửi tặng lại trung tâm những tài liệu này để bảo quản được tốt hơn. Những câu chuyện lịch sử từ đây mới có thể được giữ gìn và kể tiếp cho thế hệ mai sau”, ông Nguyễn Hữu Hinh, con trai nghệ sĩ Nguyễn Hữu Cấy, chia sẻ tại lễ hiến tặng.

Không chỉ là câu chuyện của ký ức hay tư liệu nghiên cứu về sau, những tài liệu được lưu trữ lại còn là minh chứng về những giai đoạn lịch sử vàng son của đất nước.

Tin cùng chuyên mục