Giải bài toán lao động thất nghiệp

Có thể nói câu chuyện thất nghiệp hiện nay không chừa một ai và nó đang trở thành nỗi lo lớn, đe dọa nền kinh tế của các quốc gia. 

Với thực tế tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, tỷ suất tạo việc làm thấp và cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới sẽ có 9 doanh nghiệp bị khai tử cho thấy “cơn bão” thất nghiệp đang là vấn nạn mà xã hội phải đối mặt. Như thế, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhanh nếu nguy cơ doanh nghiệp “chết yểu” ngày càng nhiều. Cùng với đội quân thất nghiệp cũ với đủ trình độ từ không nghề, đến sơ cấp, trung cao cấp cộng dồn lại, mỗi năm có thêm khoảng nửa triệu sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp phải đối mặt với rủi ro tìm việc làm.

Theo phân tích của các chuyên gia, khi thất nghiệp xảy ra, của cải vật chất không những không làm ra mà còn tiêu hao thêm, có thể gây thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ USD/năm. Không những thế, thất nghiệp còn gây ra nhiều hệ lụy, bất ổn cho đời sống xã hội. Đó là niềm tin bị giảm sút, tỷ lệ tội phạm và các loại tệ nạn xã hội gia tăng khó kiểm soát. Thất nghiệp đang trở thành gánh nặng cho xã hội và tác động của nó đặc biệt nguy hiểm cho an sinh xã hội lẫn sự phát triển bền vững của một nền kinh tế. Điều mà các chuyên gia xã hội cảnh báo trong những năm gần đây là số người hưởng thất nghiệp tăng cao, trong đó chiếm trên 30% có trình độ đại học, cao đẳng.

Theo con số mới nhất mà Bộ LĐTB-XH công bố đầu năm 2017, cả nước có trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Tuy nhiên, mổ xẻ con số lao động có trình độ cao thất nghiệp chúng ta phải có cái nhìn khách quan và không quá bi quan về nó? Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó việc đào tạo chưa sát với nhu cầu sử dụng, cơ cấu lao động chưa cân đối, tăng trưởng kinh tế trì trệ dẫn đến tỷ suất tạo chỗ làm mới thấp… Với thực tế này, dự báo cải thiện tình trạng thất nghiệp rất nan giải. Để hòa nhập, thích ứng với sự biến động, dịch chuyển dòng chảy tự do của thị trường lao động trong và ngoài nước, đòi hỏi người lao động có trình độ cao phải đổi mới tư duy theo hướng năng động, linh hoạt. Điều quan trọng là họ không chấp nhận thất nghiệp, dám dấn thân vào thị trường lao động khắc nghiệt, tính cạnh tranh cao. Như vậy, dù có bằng cấp nhưng lao động trẻ phải từ bỏ quan niệm lệch lạc chỉ nhìn lên - không chịu nhìn xuống, chấp nhận công việc từ vị trí thấp với thu nhập thấp ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoặc chỉ thích làm việc trong khu vực nhà nước cho an toàn. Hoặc thích chọn việc nhẹ nhàng, không chịu đi xa khỏi các đô thị lớn - nơi có nhiều cơ hội việc làm, cần họ đóng góp tri thức cho cộng đồng phát triển. Và để hội nhập thị trường lao động quốc tế, họ phải chịu khó vươn lên, tự trang bị thêm kỹ năng mềm, ngoại ngữ tiếng Anh để thử sức tìm việc trong khu vực ASEAN, trên thế giới.

Với suy nghĩ tích cực, gần đây nhiều chuyên gia lao động cho rằng hưởng ứng chủ trương khởi nghiệp, kiến tạo của Chính phủ, hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sẽ là nguồn lực quý để hình thành một nền kinh tế khởi nghiệp cân bằng, lành mạnh. Dù sao, với nền tảng kiến thức, tri thức được trang bị, lực lượng lao động có trình độ cao này cũng góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội văn minh. Từ một phần trong số họ, nếu kích hoạt đúng, tạo điều kiện, cơ hội để khởi nghiệp thay vì tìm kiếm một vị trí làm công khan hiếm thì cũng tạo ra điểm sáng nhỏ cải thiện nền kinh tế. Chính vì thế, việc xuất hiện luồng quan điểm đã “thừa thầy” nên giảm đào tạo lao động có trình độ cao là chưa phù hợp. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học của Việt Nam vẫn còn thấp.

Vấn đề đặt ra là đầu tư, phát triển giáo dục đại học theo hướng nào để hội nhập giáo dục quốc tế, nâng cao chất lượng đầu ra, tăng thêm nguồn nhân lực tri thức, nhân tài cho đất nước? Để giải bài toán lao động có trình độ cao thất nghiệp, Chính phủ và các địa phương cần điều chỉnh chính sách vĩ mô, tạo ra chất xúc tác để xoay chuyển dòng chảy chuyển dịch lao động từ thành thị về nông thôn. Khi đã tạo ra môi trường thuận lợi thì nhu cầu tự nhiên về việc làm sẽ phát triển theo cung cầu, hình thành nền kinh tế khởi nghiệp lành mạnh.

Tin cùng chuyên mục