Giải cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa - Cần được tiếp sức

Kinh nghiệm thế giới về thúc đẩy phát triển DNNVV
Giải cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa - Cần được tiếp sức

Để có thể thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam trong thời gian tới, những chính sách và pháp luật có liên quan tới DNNVV phải nhằm tháo gỡ những khó khăn cho khối DN này đang gặp phải hiện nay, đồng thời cũng cần xóa bỏ những rào cản khiến DNNVV ngại lớn.

Gánh nặng kiểm tra, chi phí không chính thức

Việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước dường như vẫn là gánh nặng đối với nhiều DN dân doanh Việt Nam. Theo kết quả điều tra PCI 2015, có tới 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh, kiểm tra về tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Có hiện tượng rất đáng lo ngại: Các DN quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh, kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô hoạt động của DN tăng, có thể là một nguyên nhân khiến các DNNVV Việt Nam ngại lớn.

Sản xuất bao bì tại Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình. Ảnh: Cao Thăng

Thông thường các DNNVV phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh, kiểm tra (trung vị) trong năm. Với các DN quy mô lớn, con số này khoảng 3 cuộc. Tính toán chung, có 18% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ và 43% DN quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh, kiểm tra trong năm, trong khi con số này là 50% đối với DN quy mô lớn. Việc thanh, kiểm tra dường như chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành. Điều này thể hiện qua tỷ lệ DN phản ánh về tình trạng trùng lặp nội dung thanh, kiểm tra giữa các đoàn thanh, kiểm tra. Kết quả khảo sát cho thấy, 25% DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% DN vừa cho biết nội dung thanh, kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các DN quy mô lớn, con số này lên tới 32%.

Gánh nặng thời gian trong các cuộc thanh, kiểm tra thuế cũng gia tăng theo quy mô của DN. Với các DN siêu nhỏ, trung bình mỗi lần thanh, kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ; đối với các DN nhỏ và DN quy mô vừa, con số này lần lượt là 7 và 8 giờ. Tuy nhiên, với các DN quy mô lớn, thông thường mỗi cuộc thanh, kiểm tra thuế thường làm mất khoảng 40 giờ của DN. Điều tra PCI 2015 cũng cho thấy, gánh nặng thực hiện thủ tục hành chính gia tăng theo quy mô của DN. Theo đó, các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường và thanh toán qua kho bạc là những lĩnh vực mà tỷ lệ DN thấy còn nhiều phiền hà gia tăng theo quy mô của DN. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xác định lĩnh vực ưu tiên cải cách để tạo thuận lợi cho nhóm đối tượng này.

Việc tuân thủ thanh, kiểm tra liên miên cũng làm tăng chi phí không chính thức, là gánh nặng các DNNVV phải đối mặt. Có 62% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ qua khảo sát cho thấy, phải chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Với các DN quy mô vừa và lớn, con số này lần lượt là 70% và 69%. Quy mô của khoản chi phí không chính thức so với doanh thu của các DNNVV cũng tương đối lớn. Khoảng 11% DN siêu nhỏ, 13% DN nhỏ và 10% DN quy mô vừa cho biết, chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu của DN. Với các DN lớn, con số này là 7%. Bên cạnh đó, một tỷ lệ tương đối lớn DN nhỏ, siêu nhỏ (khoảng 65%) và DN vừa (62%) cho biết có “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN”. Con số này ở các DN quy mô lớn là 60%.

Cần chính sách hỗ trợ thiết thực

Kinh nghiệm thế giới về thúc đẩy phát triển DNNVV

Do vai trò quan trọng của DNNVV, nhiều quốc gia đã chú trọng khuyến khích loại hình DN này phát triển. Các hỗ trợ mang tính thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi (xây dựng và ban hành các luật về DNNVV, tạo thuận lợi trong cấp phép đầu tư, cung cấp thông tin…); hỗ trợ bồi dưỡng DN (đào tạo nguồn lực quản lý, dạy nghề, hỗ trợ về công nghệ…); hỗ trợ về tín dụng (thành lập ngân hàng chuyên cho DNNVV vay, bảo lãnh tín dụng cho DN, thành lập các công ty đầu tư mạo hiểm…) và những hỗ trợ khác (mặt bằng kinh doanh, chính sách thuế, khuyến khích xuất khẩu…)

Thực tế tại Việt Nam, trong nhiều năm tới, khối DNNVV vẫn có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, khối này đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, chỉ phát triển trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô nguồn lực. Các DNNVV vẫn phải tự thân vận động, thiếu vắng vai trò hỗ trợ của chính sách Nhà nước.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm trợ giúp các DNNVV vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chưa có nhiều DNNVV thụ hưởng được các chính sách này. Kết quả khảo sát PCI 2015 cho thấy, tỷ lệ các DNNVV cho biết từng sử dụng các dịch vụ hỗ trợ DN trong năm vừa qua thông thường ở mức 20% - 30%. Tỷ lệ DN siêu nhỏ có sử dụng các dịch vụ hỗ trợ DN thường thấp nhất, kế đến là DN quy nhỏ và DN quy mô vừa. Bên cạnh đó, điều tra này đã phác họa tình hình hoạt động của DNNVV Việt Nam, phần nào lý giải tại sao DNNVV thời gian qua chưa có sự phát triển mạnh mẽ vì có quá nhiều vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực trong quá trình hoạt động, gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp... khiến loại hình DN này không phát triển được

Để khuyến khích phát triển DNNVV, các chính sách hỗ trợ cần giúp DN tiếp cận thuận lợi với các nguồn lực và cơ hội, như tiếp cận thông tin, tiếp cận vốn và đất đai. Cần nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN, trong đó phải xác định đối tượng thụ hưởng chính là DNNVV. Các cơ quan Nhà nước cần có kế hoạch rút khỏi việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hỗ trợ DN và chuyển giao công tác này cho các hiệp hội DN và khu vực tư nhân thực hiện. Cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận với DN, nhất là với DNNVV. Trong đó, cần tập trung vào một số lĩnh vực các DNNVV hiện đang gặp nhiều phiền hà như bảo hiểm xã hội, đất đai, thuế, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, thanh toán qua kho bạc. Thí dụ, hiện nay nhu cầu thuê mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp của các DNNVV đang rất lớn, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ hơn cả về giá cho thuê, cũng như quy hoạch, lao động và hạ tầng nhằm tạo thuận lợi hơn cho các DNNVV trong việc tiếp cận đất đai tại các khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần thực hiện đúng chức năng và giúp DNNVV tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, bằng cách thiết kế kênh cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, đặc biệt là những thông tin có tính dự báo, định hướng chính sách của Nhà nước (đây là khâu yếu của DNNVV hiện nay). Nâng cao chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại thông qua các cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài; phát triển hệ thống kênh bán buôn và bán lẻ trên diện rộng, để hàng hóa đến được các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, tạo sự đột phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh để DNNVV phát triển. Một việc quan trọng nữa là cần giảm bớt gánh nặng về thanh, kiểm tra cho các DN, tránh tình trạng thanh tra trùng lặp, chồng chéo. Cần tăng cường tham vấn cộng đồng DN trong xây dựng pháp luật, nhằm nắm bắt kịp thời những mong muốn và nhu cầu thực sự của các DNNVV - đối tượng thực hiện và thụ hưởng chính của những chính sách, pháp luật này.

Trong bối cảnh hội nhập, các hỗ trợ của Chính phủ khó thực hiện trực tiếp cho DN, nhưng biện pháp hỗ trợ gián tiếp thông qua hiệp hội lại phù hợp với các quy định của WTO. Vì thế, cần nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội, để hiệp hội không chỉ là đại diện tiếng nói của DN, giúp DN trong lĩnh vực kinh doanh mà còn hỗ trợ DN về quan hệ lao động, tư vấn pháp lý, đào tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Một số hội, hiệp hội nghề nghiệp về cơ bản đã xây dựng được mô hình, tổ chức, đại diện được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và là chỗ dựa quan trọng cho cộng đồng DNNVV. Đây là việc cần quan tâm, đẩy mạnh hoạt động thực chất của các hiệp hội đã tiếp sức hữu hiệu cho loại hình DNNVV.


Đậu Anh Tuấn - Phạm Ngọc Thạch
(Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam)

>>Giải cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa - Nhận diện thực trạng

Tin cùng chuyên mục