Giải cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa - Nhận diện thực trạng

Chật vật tìm chỗ đứng
Giải cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa - Nhận diện thực trạng

Đa số doanh nghiệp (DN) ở nước ta hiện nay là DN nhỏ và vừa (DNNVV), đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Vậy cần làm gì để hỗ trợ loại hình DN này không bị đào thải? DNNVV cần “chống lưng” nhiều thứ, nhưng trước khi nói đến hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ tài chính, cần rà soát những rào cản khiến DNNVV “không lớn lên được”. Nếu không, hiệu quả hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cũng bằng không, thậm chí vô nghĩa.

Chật vật tìm chỗ đứng

DNNVV đang ngày càng khẳng định vai trò đối với nền kinh tế đất nước. Tính đến năm 2015, khối DN này đóng góp khoảng 45% GDP, chiếm 31% tổng số thu ngân sách, đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hàng năm và tạo ra 51% tổng việc làm xã hội. Tuy nhiên, ngoài nhiều hạn chế như phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, thị trường nhỏ hẹp và khả năng cạnh tranh không cao; DNNVV còn chịu ảnh hưởng cạnh tranh không lành mạnh từ các loại hình DN khác.

Theo Sách Trắng DNNVV Việt Nam năm 2014 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố, 97,6% DN đang hoạt động tại Việt Nam là DNNVV - những DN có ít hơn 100 lao động nếu hoạt động trong ngành thương mại và dịch vụ, hoặc ít hơn 300 lao động nếu hoạt động ở ngành khác. Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng cho thấy con số tương tự: trong số 8.335 DN dân doanh được lấy mẫu tại 63 tỉnh - thành phố ở Việt Nam, có tới 97,3% là DNNVV.

Với tầm quan trọng của DNNVV trong đời sống xã hội, nước ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sự phát triển của khu vực DN này. Nghị định 90/2001/NĐ-CP và sau đó là Nghị định 56/2009/NĐ-CP (thay thế Nghị định 90) về trợ giúp phát triển DNNVV đã quy định nhiều nhóm chính sách trợ giúp DNNVV. Đồng thời, nhiều chính sách trợ giúp khác cũng được đưa ra như tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực… Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả của nhiều chương trình hỗ trợ chưa được phát huy như mong muốn.

Lắp ráp xe máy tại Công ty Tiến Lộc, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

DNNVV Việt Nam phần lớn đi lên từ các mô hình sản xuất gia đình, cá thể nhỏ lẻ, khi có cơ hội kinh doanh thì thành lập DN. Khảo sát PCI 2015 cho thấy kết quả tương tự, khi có tới 77% DN siêu nhỏ và 69% DN nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh. Đối với nhóm DN quy mô vừa, số DN trước đó là từng hộ kinh doanh chiếm 55%. Quá trình hội nhập và cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay ngày càng đòi hỏi chủ DN có trình độ cao hơn để quản trị tốt hơn, cũng như nắm bắt kịp thời và phản ứng nhanh nhạy hơn trước các nhu cầu của thị trường. Mức độ phát triển kinh tế trong tương lai của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc các DN trong nước có tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu hay không. Thực tế, sau gần 10 năm nước ta gia nhập WTO, các DN dân doanh phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Sự liên kết giữa DNNVV với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ vẫn rất hạn chế.

Theo kết quả điều tra PCI 2015, chỉ có 3% - 4% DN siêu nhỏ và nhỏ có khách hàng chính là DN FDI. Những hạn chế liên quan tới marketing hay thông tin kết nối cung cầu chưa đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của các DN FDI tại Việt Nam là nguyên nhân của hiện tượng trên, bị gạt ra ngoài sân chơi chung. Đến nay, nhiều DNNVV vẫn chưa nắm bắt được thông tin về các hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam tham gia hoặc ký kết gần đây. Với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời cuối năm 2015, một loạt FTA Việt Nam hoàn tất đàm phán và ký kết gần đây như EVFTA, TPP… các DN Việt Nam liệu có lấy được “miếng bánh” lớn hơn, vẫn còn là câu hỏi lớn. Trong khi đó, DNNVV có kết quả kinh doanh không sáng sủa. Tỷ lệ DNNVV thua lỗ trong năm 2015 tương đối cao: 32% DN siêu nhỏ, 17% DN nhỏ và 16% DN quy mô vừa; trong khi con số này ở DN quy mô lớn là 10%.

Hạn chế tiếp cận các nguồn lực

Các DN tham gia thị trường cần có nguồn thông tin xác thực, đầy đủ và kịp thời để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp cận thông tin dễ dàng sẽ đem lại nhiều lợi ích đối với các DN, như giảm chi phí giao dịch, đầu tư thông minh hơn và có trọng điểm hơn; giảm thiểu rủi ro và sai lầm; thuận lợi hơn trong việc tiến hành đổi mới, sáng tạo, có cơ hội tham gia cạnh tranh lành mạnh hơn trên thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, các DNNVV đang gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận thông tin, cho rằng khó hoặc không thể tiếp cận một số loại tài liệu kế hoạch và văn bản pháp luật cơ bản có liên quan tới sản xuất kinh doanh của DN.

Trong bối cảnh như vậy, DNNVV khó có thể dự đoán được những thay đổi trong quy định pháp luật cũng như việc thực thi chúng trên thực tế. Khảo sát năm 2015 cho thấy, chỉ có 11% DN siêu nhỏ, 12% DN nhỏ và 16% DN quy mô vừa cho biết họ có thể dự đoán được những thay đổi trong các quy định pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ, thấp hơn đáng kể các DN quy mô lớn (22%). Đáng lo ngại hơn, chỉ 7% DN nhỏ, siêu nhỏ và 8% DN quy mô vừa cho biết, họ có thể dự đoán được việc thực thi của các tỉnh - thành phố đối với quy định pháp luật của Nhà nước. Tỷ lệ DN lớn có dự đoán được việc thực thi này cao hơn các DNNVV, nhưng chỉ đạt 14%.

Khảo sát PCI 2015 cũng cho thấy, tỷ lệ DNNVV có khoản vay từ ngân hàng thấp hơn đáng kể so với DN quy mô lớn. Dữ liệu từ điều tra PCI cho thấy trong giai đoạn 2010-2015, khả năng tiếp cận vốn của DNNVV không có nhiều cải thiện. Tỷ lệ DN có thể tiếp cận nguồn vay ngân hàng chỉ tăng nhẹ 1% - 2% mỗi năm và so với tỷ lệ hiện tại lại thấp hơn hẳn giai đoạn 2010-2011, khi chỉ có 48% DN siêu nhỏ và 66% DN nhỏ có khoản vay từ ngân hàng. Đáng lưu ý, DN sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Trong nhiều năm qua, với mặc định “không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp”, điều này có nghĩa ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của DN dù tốt, khả thi cũng không thể đảm bảo cho họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thậm chí, ngay cả khi có tài sản thế chấp, thời hạn vay của DNNVV cũng chỉ trong vòng 1 năm, mức lãi suất cao tương đương các nhóm DN khác. Với cách thức tiếp cận nguồn vốn như vậy, rất khó để DN thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn, bài bản và có năng lực mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhiều tỉnh - thành phố có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, chế biến ra khỏi các khu đô thị nhằm tránh ô nhiễm, đảm bảo an toàn cháy nổ, và nhiều DNNNVV cũng nằm trong diện phải di dời. Tuy nhiên, hầu hết DNNVV đã và đang phải tự bơi, chật vật kiếm nơi di dời khi họ không thể vào được các khu, cụm công nghiệp bởi giá thuê đất quá cao và những khó khăn khác như khó tìm nguồn nhân công, hạ tầng chưa bảo đảm, vận chuyển hàng hóa xa hơn, chi phí nhiều hơn... Nhiều địa phương đã dành nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp này từ tiền ngân sách, tuy nhiên hầu hết chỉ dành phục vụ cho DN FDI hoặc DN trong nước quy mô lớn.

Để tạo chuyển biến thực chất cho việc hỗ trợ DNNVV, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, Việt Nam đã xác định nhu cầu cấp thiết xây dựng một đạo luật hỗ trợ DNNVV, thậm chí là việc làm chậm chân so với các nước. Dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 2 đang diễn ra. Thực tế đòi hỏi cần một dự luật mang tính đột phá nhằm thực sự tạo thuận lợi cho DNNVV, là điều đang được giới DN và người dân kỳ vọng.

ĐẬU ANH TUẤN -PHẠM NGỌC THẠCH
(Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam)

Bài 2: Cần được tiếp sức

Tin cùng chuyên mục