Giải pháp chống chạy chức, chạy quyền

Để đảm bảo Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền phát huy tác dụng, đòi hỏi phải có cơ chế khả thi để nhân dân kiểm soát, giám sát.
Cán bộ UBND quận 1 giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cán bộ UBND quận 1 giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

LTS: Từ nay đến cuối năm, Thành ủy TPHCM sẽ định kỳ gặp gỡ nhân dân lắng nghe ý kiến, góp ý nhằm góp phần xây dựng TPHCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước. Để góp thêm kênh tiếp nhận ý kiến của người dân, vào mỗi thứ hai hàng tuần, Báo SGGP mở diễn đàn “TPHCM - Lắng nghe để phát triển”.
Bạn đọc có thể gửi các ý kiến góp ý, hiến kế về hộp thư: bandoc@sggp.org.vn

Nhiệm vụ lớn của công tác cán bộ

Thực tế thời gian qua cho thấy có những yếu kém trong công tác tổ chức cán bộ trên một số mặt. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) cũng đánh giá, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy khen thưởng… không những chưa được ngăn chặn mà còn xuất hiện những biểu hiện mới, tinh vi, phức tạp hơn. Đó là hiện tượng chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy lớp nguồn, chạy phiếu bầu; là tranh thủ bổ nhiệm, đề bạt con, cháu, người thân, người cùng nhóm lợi ích… trước khi hết nhiệm kỳ, trước nghỉ hưu, hoặc trước khi chuyển sang công tác mới.

Trong công tác cán bộ của nước ta, quy trình quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khá phức tạp, với nhiều công đoạn, tầng nấc. Thế nhưng vẫn có nhiều “con voi chui lọt lỗ kim”, nhiều cán bộ được “bổ nhiệm thần tốc”. Nhiều trường hợp được bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, nhưng vẫn được cho là “đúng quy trình”. Trục trặc từ khâu nào, quy trình có vấn đề gì mà có trả lời như thế?

Quy trình do con người đặt ra, cho nên nếu muốn vẫn có thể lách được. Vả lại, về quy trình chẳng mấy sai, nhưng cái chính là người thực hiện có làm đúng quy trình hay là trí trá.

Cần có quy định và thực hiện nghiêm chế tài về trách nhiệm của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ khi để sai phạm trong việc bổ nhiệm nhân sự. Quy định 205-QĐ/TW đã đề cập đến một số hình thức xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Song, mức độ chế tài chưa thấy rõ sự thích đáng, trong khi việc làm sai của tổ chức và cơ quan tham mưu khi bổ nhiệm gây ra tác hại rất lớn.


Một điểm quan trọng khác, công tác cán bộ chưa tốt là do khâu tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm, đề bạt chưa thật sự công khai, dân chủ, chưa lắng nghe hết ý kiến của quần chúng. Việc thực hiện các quy trình đề bạt, bổ nhiệm còn hình thức, lấy lệ. Thực tế cũng có lấy phiếu tín nhiệm, cũng có thẩm tra, báo cáo, nhưng có thực chất hay đối phó là chuyện khác. Thậm chí có tình trạng khi một ai đó lọt vào “mắt xanh” của lãnh đạo, đưa vào diện quy hoạch thì gần như bằng mọi giá tổ chức sẽ “bảo vệ phe ta”. Đương sự sẽ được “đặt lên đường ray đẩy đến đích”, bất kể dư luận phát hiện đương sự không xứng đáng được đề bạt, bổ nhiệm. 

Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành mới đây đưa ra nhiều giải pháp chi tiết, cụ thể. Việc ban hành một quy định chỉ đích danh các hành vi chạy chức, chạy quyền, cũng như các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền trước giai đoạn chuẩn bị về nhân sự các cấp cho Đại hội Đảng XIII là rất cần thiết và kịp thời. Quy định 205-QĐ/TW ra đời, cùng với những hành động quyết liệt xử lý các sai phạm trong công tác cán bộ thời gian qua, nhiều người có thêm niềm tin rằng, nhiều khuyết điểm, sai lầm trước đây sẽ được giảm thiểu, khắc phục.

Dân chủ - công khai - minh bạch

Tôi đồng tình với những giải pháp được nêu ra trong Quy định 205-QĐ/TW, nhưng cũng đề xuất một số ý kiến, để Quy định 205-QĐ/TW phát huy mạnh mẽ tác dụng.

Đầu tiên, cần sớm hoàn thiện Nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản chất NNPQ là thượng tôn pháp luật và kiểm soát quyền lực. Khi NNPQ đã hoàn thiện thì không ai đứng trên hay ngoài luật pháp, nên về lý thuyết sẽ triệt tiêu sự lộng quyền, lạm quyền. Bên cạnh đó, ban hành luật về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Hiện nay, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xử lý; đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị đó. Tuy nhiên, MTTQ không có công cụ pháp lý đủ mạnh để “phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền”. Do đó, chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất để hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể phát huy hiệu quả.

Ngoài ra phải đề cao, tăng cường trách nhiệm giải trình trong công tác cán bộ. Theo đó, cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức phải có trách nhiệm thực thi công việc được giao đạt kết quả và phải chịu sự kiểm tra, yêu cầu giải thích về những sản phẩm đó mới được xem là làm tròn trách nhiệm. Vì vậy, cơ quan làm công tác cán bộ được đề cập trong Quy định 205-QĐ/TW phải làm tốt trách nhiệm giải trình và theo đến cùng sự phát triển, làm việc của nhân sự do mình tham mưu hay bổ nhiệm. 

Tôi cũng cho rằng phải có cơ chế để nhân dân kiểm soát, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức. Công tác tổ chức cán bộ lâu nay hình như là một “lãnh địa khép kín”, thiếu vắng sự tham gia giám sát của quần chúng, của xã hội.

Th.S NGUYỄN TUẤN ANH, Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM: Chọn người có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm

Khi đất nước đứng trước cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Do vậy, việc quy hoạch cán bộ, thu hút người tài vào bộ máy nhà nước phải được chú trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp theo hướng chủ động, chuyên nghiệp. Người cán bộ phải có đủ năng lực, trình độ, tầm nhìn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu cho hiện tại và tương lai.

Thực tế việc thu hút người tài vào làm việc cho cơ quan nhà nước là không đơn giản, vì vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn nhân lực chất lượng cao từ các môi trường làm việc khác như ở các doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư, lực lượng vũ trang…

Để thu hút người tài, việc đầu tiên là phải đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng trong tuyển dụng và thi tuyển. Các chủ trương, chính sách của cơ quan nhà nước về tuyển dụng, về những yêu cầu đối với người dự tuyển (bằng cấp, trình độ, chuyên môn, ngoại ngữ…) và các chính sách hỗ trợ, phát triển lâu dài cho người được tuyển dụng (tiền lương, sự thăng tiến và các chế độ đãi ngộ khác…) phải được thông báo rõ ràng.

Trong công tác cán bộ, bên cạnh việc chủ động phát hiện người tài (từ nhiều nguồn khác nhau) thì đòi hỏi phải đề xuất, chọn được những người đáp ứng tiêu chuẩn và có đức, có tài cùng tâm huyết và khát vọng cống hiến, có tư duy đổi mới, tầm nhìn xa và dám nghĩ, dám làm. Sau khi tuyển chọn phải tạo môi trường thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho cán bộ phát huy tối đa tính sáng tạo, khuyến khích và ghi nhận tư duy đổi mới vì sự phát triển chung của đơn vị.

Trong thực tế đã có không ít trường hợp cán bộ có năng lực, tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm nhưng môi trường không tốt nên dần bị “mất lửa”, mà xuất phát từ nhận thức của lãnh đạo, của tập thể. Vì thế, song song với việc xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình tuyển dụng (để tránh chạy chức, chạy quyền), cũng cần có quy định trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ. Quy định này ràng buộc trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm tạo dựng niềm tin cho đội ngũ cán bộ, người tài có khát vọng và tâm huyết cống hiến vào cơ quan nhà nước.

Tin cùng chuyên mục