Giải quyết mâu thuẫn bằng hòa giải, đối thoại

Các vụ án dân sự, hành chính hiện đang gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng. Có những vụ án dân sự, hành chính phải trải qua nhiều cấp xét xử, kéo dài qua nhiều năm; các bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. 

Thực tế trên đặt ra yêu cầu phải có giải pháp đột phá trong giải quyết các tranh chấp. Mô hình hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân (TAND) bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu này.

Tháo “ngòi nổ” trước khi tòa giải quyết

Anh T.L.T. và chị N.T.D.H. đăng ký kết hôn, có một con chung sinh năm 2016. Đến năm 2017, do phát sinh mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng về chăm sóc con và chi tiêu tiền bạc, anh chị quyết định nộp đơn ly hôn. Trước khi tòa án thụ lý giải quyết theo trình tự tố tụng, vụ việc được chuyển sang Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Tân Phú để tiến hành hòa giải giữa các bên

. Trong những buổi làm việc, hòa giải viên của trung tâm phân tích lợi ích của việc vợ chồng chung sống với nhau, sự hàn gắn của cha mẹ sẽ tác động rất nhiều đến tâm lý của con trẻ; đồng thời trò chuyện về cách khắc phục những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Sau những buổi hòa giải, anh T. và chị H. rút đơn ly hôn, trở về bên nhau tiếp tục tạo dựng gia đình hạnh phúc.

Cha mẹ ông T. có 10 người con. Do mẹ ông T. qua đời không để lại di chúc nên di sản thừa kế của bà được chia đều cho chồng và các con. Sau đó, cha ông T. cùng 8 người anh chị em khác của ông thống nhất tặng phần di sản thừa kế cho em của ông T. là ông H.

Không hài lòng về điều này, ông T. không hợp tác làm thủ tục kê khai di sản thừa kế khiến mâu thuẫn giữa hai anh em kéo dài từ năm 2009 đến nay chưa giải quyết được.

Giải quyết mâu thuẫn bằng hòa giải, đối thoại ảnh 1 Các hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TPHCM

Sự việc kéo dài quá lâu, ông H. nộp đơn lên tòa án nhờ giải quyết. Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TPHCM đã lắng nghe tâm tư của từng bên, nói chuyện riêng với mỗi người để phân tích các yếu tố pháp lý trong vụ việc, sẽ được lợi ích gì nếu hòa giải thành so với việc tòa án thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Giữa tháng 3-2019, vụ việc được hòa giải thành khi ông T. và ông H. tìm được tiếng nói chung, tình cảm gia đình được hàn gắn. Vui nhất là sau nhiều năm, bắt đầu từ năm nay đám giỗ của mẹ ông T. sẽ có mặt đầy đủ con cháu trong nhà. 

Phương thức hữu hiệu giải quyết tranh chấp

Trên đây là 2 trong số hàng ngàn vụ việc được hòa giải thành tại TAND 2 cấp TPHCM. Tại TPHCM, từ tháng 11-2018 có 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại (gọi tắt là Trung tâm) tại TAND hoạt động thí điểm; bao gồm Trung tâm tại TAND TPHCM và Trung tâm tại 9 TAND quận huyện (quận 1, quận 2, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi).

Chánh án TAND TPHCM Ung Thị Xuân Hương cho biết: Qua 3 tháng thí điểm, tính đến ngày 15-2-2019, các Trung tâm tiếp nhận 4.023 đơn khởi kiện từ tòa án chuyển qua để thực hiện hòa giải, đối thoại.

Trong số 2.202 trường hợp được các Trung tâm đưa ra hòa giải, đối thoại, có 1.580 trường hợp hòa giải, đối thoại thành; trong đó gần 80% là các vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình, tranh chấp về tài sản chung vợ chồng và nuôi con, hơn 20% là các vụ án tranh chấp dân sự, vụ án kinh doanh, thương mại, vụ tranh chấp lao động, đối thoại thành về hành chính.

Thực tế quá trình thực hiện thí điểm mô hình hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND cho thấy, việc hòa giải, đối thoại là phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp trong đời sống xã hội.

Trong số những tranh chấp được hòa giải, có nhiều vụ phức tạp đã kéo dài nhiều năm, chính quyền địa phương không giải quyết được, nội bộ gia đình mâu thuẫn, mất đoàn kết; thế nhưng sau khi được hòa giải viên phân tích, các bên đã bớt căng thẳng, chủ động thỏa thuận với nhau. Nhiều trường hợp vợ chồng được hòa giải đoàn tụ đã chân thành cảm ơn hòa giải viên.

Đối với khiếu kiện hành chính, việc tổ chức đối thoại đã tạo bước chuyển biến quan trọng về nhận thức đối với cả người khởi kiện và người bị kiện.

Qua đối thoại, một số cơ quan hành chính thấy được quyết định hành chính ban hành chưa chuẩn xác đã chủ động sửa đổi, hủy bỏ quyết định để ban hành lại. Về phần mình, người khởi kiện vui vẻ rút đơn khởi kiện sau khi cơ quan hành chính nhà nước sửa đổi, khắc phục quyết định đã ban hành sai.

Mô hình hòa giải, đối thoại tại TAND trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính đang được thực hiện thí điểm tại TPHCM và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian thí điểm có thể kéo dài đến khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được Quốc hội ban hành.
Những ưu điểm của phương thức hòa giải, đối thoại tại TAND: Thông tin trong hòa giải, đối thoại được bảo mật; giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng các giải pháp hợp lý mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức (nếu các bên tìm được tiếng nói chung, hòa giải thành công thì kết quả hòa giải sẽ được tòa án công nhận và có hiệu lực ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị); giảm tải áp lực đối với công tác xét xử và công tác thi hành án...

Tin cùng chuyên mục