
Học ngành ngôn ngữ học nhưng rồi lại bén duyên, gắn bó và thành danh với lĩnh vực quản lý, đào tạo người mẫu trong gần 20 năm qua, Tạ Nguyên Phúc là trường hợp khá đặc biệt của thời trang Việt. Có lẽ dòng máu nghệ sĩ của cha - nhạc sĩ nổi tiếng Từ Huy - đã là mạch nguồn tạo nên đam mê, thiên hướng để rồi cuối cùng là sự dấn thân trọn vẹn với hành trình nghệ thuật của Tạ Nguyên Phúc.

Sợ hãi scandal
* Gần 20 năm trên hành trình bước cùng chân dài Việt, đâu là được, mất của cá nhân anh nói riêng và thời trang Việt nói chung?
- Làm công việc này tôi thấy được và mất luôn đi cùng nhau. Có những lúc mình thấy được nhưng sau đó lại mất, có khi ngược lại nên tôi không thể nói mình được gì và mất gì mà vấn đề có lẽ do tôi đã nỗ lực làm tốt nên ngành thời trang còn chấp nhận sự tồn tại của tôi trong suốt hành trình 20 năm qua.
* Không chỉ quản lý, anh còn đào tạo và dẫn dắt nhiều thế hệ người mẫu Việt. Thế nhưng không thể phủ nhận thực tế suốt thời gian dài vẫn tồn tại những người mẫu đưa ra sàn diễn thời trang quá nhiều danh hiệu, mông, ngực... chứ không phải trang phục họ trình diễn, theo anh lỗi do đâu?
- Tôi thích được gọi là thầy hơn là người quản lý vì tôi cho rằng quản lý là công việc rất khó. Tôi chỉ là người hướng dẫn, chỉ dạy cho họ những điều hay lẽ phải để họ đủ năng lực tồn tại trong nghề nghiệp mà họ yêu thích và may mắn tôi đã thành công với vai trò ấy. Việc khoe danh hiệu, mông, ngực… là vấn đề cần phải nói rõ. Thật sự một người mẫu gọi là thành công phải có hình thể đẹp và chiến thắng tại các cuộc thi, tất cả điều đó nhờ sự cố gắng rèn luyện thì cần phải tôn vinh. Riêng sự phô trương, khoe thân để làm điều sai trái thì phải lên án. Nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu và người mẫu cũng vậy. Thực chất người mẫu không chỉ xuất hiện trên sàn diễn thời trang mà còn là người giới thiệu nhiều sản phẩm từ điện tử cho đến xe cộ… Mỗi người đều có gu thẩm mỹ riêng, có người thích người mẫu gầy nhưng có người thích người mẫu mang nét đẹp truyền thống. Đó là sự đa dạng cần thiết.
* Thế hệ những người mở đường và dẫn dắt thời trang Việt định hình đến hôm nay như anh không thiếu đam mê và tâm huyết nhưng rõ ràng yếu tố “tay ngang” cũng là sự tồn tại cần nhìn nhận và mổ xẻ. Anh nghĩ sao về điều này?
- Những nhà thiết kế và quản lý người mẫu hàng đầu tại những kinh đô thời trang đẳng cấp thế giới đa số đều xuất thân tay ngang. Thành quả họ có được đều do chăm chỉ và may mắn. Nên việc những người dẫn dắt và định hình thời trang ở Việt Nam cũng “tay ngang” là chuyện đương nhiên. Mỗi đất nước đều có nền văn hóa riêng vì vậy cũng sẽ có cách hình thành một nền thời trang riêng. Bất cứ ai muốn sự nghiệp tồn tại lâu dài cũng đều phải học hỏi và có bề dày kinh nghiệm, ngay bản thân tôi cũng từng tốt nghiệp đại học và lưu diễn nhiều nơi mới có được thành công như ngày nay.
* Trong thế giới mà những câu chuyện cạnh tranh hậu trường đầy phức tạp và cám dỗ như thế giới người mẫu nhưng cá nhân anh ít dính vào scandal “đình đám”. Anh tự hạn định cho mình những ranh giới để không rơi vào thị phi, xô bồ của nghề hay vì cho tới thời điểm này anh vẫn đang nắm trong tay quyền “sinh sát” nên người ta e dè không lên tiếng?
- Thật ra tôi từng dính nhiều scandal và cảm thấy vô cùng sợ hãi những điều đó. Tôi là người không thể sống cùng thị phi nên chọn cho mình cách làm việc cẩn thận và hạn chế những cám dỗ vật chất. Sau này tôi vẫn bị dính scandal nhưng có lẽ báo chí hiểu tôi hơn nên “tha” hoặc vì tôi không nổi tiếng để mọi người “giật tít” chứ không bao giờ nghĩ mình nắm quyền “sinh sát” nên người ta e dè. Đối với tôi cuộc sống luôn có nhân quả, nếu lúc trên đỉnh không tích đức thì sẽ xuống rất nhanh vì vậy tôi sẽ không làm những việc tổn hại ai đó dù có đang nắm quyền “sinh sát”.
* Trong quan điểm làm nghề của mình, anh thường chọn gật đầu hay lắc đầu nhiều hơn và có bao giờ anh đã phải ân hận hoặc ray rứt vì những lần gật hay lắc đầu nào đó?
- Nói một cách hài hước thì thật ra tôi phải luôn gật đầu và lắc đầu cùng lúc khi theo nghề này bởi vì đa số những gì xảy ra trong cuộc sống đều không được báo trước, gật đầu hay lắc đầu là do năng lực và khả năng phán đoán của mình. Cho đến giờ tôi nghĩ mình chưa đến nỗi ân hận hay ray rứt vì một lần gật hay lắc đầu nào.

Chỉ muốn làm tốt phần việc của “người lái đò”
* Trong những sân chơi thời trang lớn, ít nhiều có tác động và dẫn dắt hướng đi của thời trang Việt gần đây dường như vắng bóng anh. Do suốt thời gian dài anh an phận, thiếu những cú ném mình mạnh mẽ để định danh và đẩy mình nổi bật khiến anh trở nên mờ nhạt hay vì một lý do nào khác?
- Lúc mới vào nghề chỉ là một sinh viên nghèo, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ thành danh trong lĩnh vực người mẫu. Thời còn Hoa Học Đường, nhóm tôi chỉ là nhóm nhỏ so với nhiều công ty người mẫu chuyên nghiệp nhưng tôi vẫn dẫn dắt nhóm tồn tại và phát triển. Đến khi trở thành Công ty PL tôi cũng phải cùng công ty chiến đấu với khá nhiều đối thủ. Học trò của tôi tham gia thường xuyên các cuộc thi và có lẽ đó là lý do tôi ít “dự phần” các chương trình thi thố vì dù sao cũng khá tế nhị. Trước giờ tôi vẫn sống, làm việc theo khả năng của mình và chưa bao giờ có ý định nghĩ ra chiêu trò hay “ném mình” để định danh và đẩy mình trở nên nổi bật. Tôi chỉ muốn làm tốt phần việc của “người lái đò” là đủ, không muốn ôm đồm quá nhiều việc để cuối cùng không có việc nào ra hồn.
* Uy tín cá nhân anh trong nghề không nhỏ nhưng đáng tiếc Công ty PL mà anh làm giám đốc điều hành ngày càng mờ nhạt, chưa hẳn là mất hút nhưng cũng đủ để người ta nhắc với những tiếc nuối thời hoàng kim của nó. Anh có nghĩ PL giờ đã là “cái áo chật” và anh cần những bứt phá khác, nhất là ở vào độ tuổi chín muồi mọi mặt như anh hiện tại?
- Tôi từng thấy nhiều công ty người mẫu ra đời thành danh và lùi vào dĩ vãng nên cho rằng đó là quy luật của nghệ thuật và PL cũng thế. Tuy nhiên mỗi giai đoạn tôi sẽ chọn cho nó một cách để tồn tại, tôi không là người thích thay đổi nhưng tôi là người muốn được làm việc nên tôi không chê “cái áo chật” vì tôi có thể nới nó ra. Có thể bạn nói đúng, tôi cần sự bứt phá khi đang trong độ tuổi chín muồi này nhưng trên thực tế không phải cứ mình muốn là được. Có lẽ tôi đang chờ một điều may mắn.
* Sau thế hệ của anh, những chân dài nào anh kỳ vọng sẽ thay anh, thậm chí làm tốt hơn anh việc “truyền nghề” cho thế hệ trẻ?
- Tôi quan niệm đã làm nghề gì thì nên làm tốt nghề đó, các bạn người mẫu khi theo nghề có rất nhiều cái học hỏi và hoàn thiện để được thành danh, cũng như tôi và các “thầy” làm nghề dạy người mẫu khác cũng vậy. Trong lúc các bạn người mẫu rèn cách đi đứng, tạo dáng và cạnh tranh để nổi tiếng thì chúng tôi tìm cách dạy mới và cách rút kinh nghiệm làm sao cho việc dạy họ ngày càng tốt hơn, không những về kỹ năng mà còn cách sống và đạo đức. Vì vậy tôi chưa từng kỳ vọng một chân dài nào sẽ làm tốt hơn mình. Không phải tôi tự đề cao nhưng tôi nghĩ đã truyền nghề hay dạy nghề thì phải có kiến thức và kinh nghiệm, cũng như trước giờ các thầy giỏi của trường sân khấu tôi rất ít thấy họ là các diễn viên giỏi.
* Năm nay tròn 20 năm ngày ra đời của Câu lạc bộ Hoa Học Đường, anh và bạn bè cùng thời có dự định làm điều gì để nhắc nhớ? Cá nhân anh có dự định làm điều gì đó cho riêng mình?
- Các thành viên nòng cốt của Hoa Học Đường vẫn đang ấp ủ một chương trình thời trang để nhắc nhớ thời hoàng kim nhưng để thực hiện rất tốn kém vì vậy chúng tôi đang chờ một mạnh thường quân giúp đỡ, nếu không được chúng tôi cũng sẽ tổ chức vào một ngày không xa. Riêng bản thân tôi đang mơ ước có thể làm được một live show ca nhạc, thời trang cho riêng mình.
KHẮC THI