
- 38 thí sinh và 11 giám thị bị đình chỉ
- Nhiều thí sinh nghi vấn thi hộ đã bỏ thi
- Đề thi phân loại rõ học lực
- Báo SGGP 12 Giờ bán chạy vì có bài giải
- Phóng viên bị… tạm giam

Thí sinh dự thi vào Đại học Công nghiệp TPHCM xem gợi ý bài giải môn Toán trên báo SGGP 12 giờ. Ảnh: MAI HẢI
Sáng nay 5-7, thí sinh (TS) thi đại học (ĐH) đợt 1 trên toàn quốc bước vào thi môn Hóa bằng phương pháp thi trắc nghiệm với thời gian làm bài: 90 phút. Đây là môn thi cuối cùng của khối A. Về ngày thi đầu tiên hôm qua 4-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, các điểm thi đều yên tĩnh, không khí trường thi nghiêm túc. Theo nhiều giáo viên và TS, đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, có câu khó, câu dễ và có khả năng phân loại rõ rệt.
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kết thúc ngày thi thứ nhất, tỷ lệ TS dự thi đạt 70,88% so với số đăng ký (năm 2006, tỷ lệ này là 72,23%). Có nhiều TS đến muộn, không được dự thi. Số TS bị xử lý kỷ luật trong ngày thi đầu tiên là 65 TS (năm 2006 có 72 TS), trong đó khiển trách 8 TS, cảnh cáo 7 TS và đáng lưu ý là có đến 38 TS bị đình chỉ thi, trong đó có 14 TS sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ).
Trong ngày thi đầu tiên, số lượng giám thị bị xử lý kỷ luật cũng giảm so với năm ngoái với 11 trường hợp, trong đó có 5 người bị cảnh cáo và 6 người bị đình chỉ do mang ĐTDĐ vào phòng thi…
Những trường hợp nghi vấn thi hộ đã bỏ thi
Đề vừa sức, phân loại rõ học lực |
Trong buổi thi môn Toán sáng 4-7, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã phát hiện 2 trường hợp thi hộ. Đó là trường hợp Vũ Minh Long thi hộ TS Vũ Văn Việt (SBD: 22948) và Trần Thanh Minh thi hộ TS Nguyễn Văn Quý (SBD: 15970). Hội đồng tuyển sinh đã đình chỉ thi 2 TS này và chuyển hồ sơ cho lực lượng an ninh văn hóa xử lý. Hai TS trên đều là sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo ông Nguyễn Thành Độ, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Kinh tế Quốc dân, ngay trước ngày thi, Phòng An ninh Văn hóa (PA 25 – Công an TP Hà Nội) đã thông báo với nhà trường 1 số trường hợp nghi ngờ thi hộ. Những đối tượng này được theo dõi ngay từ đầu và sớm bị phát hiện hành vi gian lận. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ PA 25, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có tới 4 đối tượng nghi ngờ thi hộ nhưng họ đã bỏ thi sau khi hay tin lực lượng công an bắt được một đối tượng cầm đầu một đường dây thi hộ.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội Nguyễn Văn Hồng cũng cho biết, trước buổi thi môn Toán, trường nhận được thông báo của PA 25 CATP Hà Nội về 1 trường hợp nghi vấn thi hộ tại phòng 20 nhưng không thấy đối tượng nghi vấn này đến thi. Một trường hợp nghi vấn khác: TS Nguyễn Văn Khánh (SN 1986, quê ở Kinh Môn, Hải Dương) cũng được thông báo nằm trong diện nghi vấn thi hộ, thi kèm. Ngay sau khi kết thúc buổi thi, trường đã mời TS này lên làm việc, lấy thông tin cá nhân và mẫu chữ. Theo báo cáo từ các hội đồng thi Trường Sư phạm II, Ngoại thương, Bách khoa, Ngân hàng, có 19 trường hợp thuộc diện nghi vấn thi hộ đã bỏ thi ngay từ môn đầu tiên.
Nhiều TS bị đình chỉ thi do đi trễ
Tại cụm thi Cần Thơ, số TS đến thi môn đầu tiên đạt hơn 76%, tăng nhiều so với số TS đến phổ biến quy chế vào hôm 3-7, nhưng đến môn thi thứ 2, cụm thi có 41 TS vắng mặt. Vắng thi nhiều nhất là Trường ĐH Kinh tế TPHCM: 437 TS. Trường ĐH Tin học – ngoại ngữ cũng chỉ có 5 TS đi thi môn thứ 2.
Trong khi đó, 5 trung tâm thi của Đại học Đà Lạt, nhiều TS bỏ thi môn Vật lý, tỷ lệ TS thi đến chiều 4-7 chỉ còn 67,87%. Ngoài ra, không ít TS không được dự thi do ngủ quên. Còn tại TPHCM, trước giờ thi môn Toán, Trường ĐH Công nghiệp có một TS bị đình chỉ thi do đi trễ và một TS bị ngất xỉu trước giờ làm bài. Còn tại hội đồng thi ĐH KHTN TPHCM, 2 TS đến trễ, không được vào phòng thi.
Nhóm PV
Bên lề
Sau khi kết thúc môn thi đầu tiên, Báo SGGP 12 Giờ đã có ngay bài giải môn Toán. Ngay sau khi phát hành, phụ huynh ở nhiều điểm thi trên địa bàn TPHCM truyền nhau bài giải này. Tại Đà Nẵng, hầu hết các bậc phụ huynh đều mua một tờ để “xem trong lúc chờ con thi xong môn thứ 2 và quan trọng là tối về cho nó xem, làm giống đáp án bao nhiêu phần trăm” - một phụ huynh cho biết. Chính vì thế, số lượng phát hành của SGGP 12 Giờ tại Đà Nẵng đã tăng gấp nhiều lần so với những ngày bình thường. Không những thế, theo ghi nhận của PV tại một số Hội đồng thi, một số người cũng đã “kịp ăn theo” khi mua 1 tờ SGGP 12 Giờ để photo bài giải môn Toán bán với giá 1.000 đồng/tờ.
Còn gần 1 tiếng nữa mới hết giờ làm bài môn Toán, đột nhiên một TS ở hội đồng thi Đức Trí lao ra khỏi phòng thi như tên bắn. TS có nhu cầu đi vệ sinh “bức xúc” đến nỗi không kịp đợi giám thị hành lang “hộ tống” ra ngoài như quy định. Tình huống bất ngờ này khiến giám thị hành lang bất ngờ và phải chạy theo… “rượt bắt” TS.
Đó là một phòng thi ở hội đồng thi Chu Văn An có số lượng TS vắng mặt 20 người, làm cho TS trong phòng có cảm giác tứ bề “trống vắng”.
Tại Hội đồng thi Trường ĐH Nông nghiệp I, để đảm bảo buổi thi suôn sẻ, lực lượng an ninh đã tạm giữ một phóng viên (từ 8 giờ đến 10 giờ 30) do người này đã vào Hội đồng thi trước giờ phát đề. Một TS bị quạt rơi trúng đầu Nhà thi đấu... làm phòng thi
|
“Gõ cửa” ước mơ

Nổi bật trong hơn nửa triệu sĩ tử là những học trò vượt lên số phận, vươn tới ước mơ bằng đôi nạng gỗ (TS Kơ Jong Prong Nai Phê, SN 1986, dân tộc Chu Ru thi vào ĐH Đà Lạt - ảnh đầu), chiếc xe lăn (TS Lê Minh Duy được bạn cùng quê hộ tống thi vào ĐH KHTN TPHCM - ảnh giữa) hay cây gậy dò đường (TS khiếm thị Nguyễn Hữu Ất tại phòng thi đặc biệt ở hội đồng thi Vinh - ảnh cuối)…

Nổi bật trong hơn nửa triệu sĩ tử là những học trò vượt lên số phận, vươn tới ước mơ bằng đôi nạng gỗ (TS Kơ Jong Prong Nai Phê, SN 1986, dân tộc Chu Ru thi vào ĐH Đà Lạt - ảnh đầu), chiếc xe lăn (TS Lê Minh Duy được bạn cùng quê hộ tống thi vào ĐH KHTN TPHCM - ảnh giữa) hay cây gậy dò đường (TS khiếm thị Nguyễn Hữu Ất tại phòng thi đặc biệt ở hội đồng thi Vinh - ảnh cuối)…
Chuyện ghi lại trước cổng trường thi “Khi cậu con trai quyết định thi vào Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM (đường D3, phường 25, quận Bình Thạnh), cả nhà đã dành số tiền của cả một mùa vải để đưa con đi thi” - cô Nga (Hải Hậu, Nam Định) kể - “một ký vải chỉ bán được một ngàn thôi cháu à, nhiều lúc còn phải bán tống bán tháo cho thương buôn chứ để lâu vải thối ra thì mất cả chì lẫn chài. Ba sào vải nhà cô gần một mùa mà cũng chỉ gom được có hai triệu cho em nó đi thi. Vào Sài Gòn thấy cái gì cũng đắt đỏ, một dĩa cơm mà tới mười mấy ngàn. Hai mẹ con phải qua ở nhờ nhà bà con bên quận 7, cách điểm thi đến 10 cây số, chứ tiền đâu thuê phòng trọ”. Để con không trễ giờ thi, bốn giờ rưỡi sáng, 2 mẹ con đã nhờ người bà con chở lên địa điểm thi, buổi trưa thì ra quán ngay trước cổng trường ăn tạm dĩa cơm bụi lót lòng. Khi cậu con trai thi xong môn Vật lý, hai mẹ con lại vội vã lội bộ cả cây số để bắt xe buýt về quận 7 cho kịp. “12 năm gian khổ nuôi nó ăn học, bây giờ có khổ thêm một vài ngày vì nó nữa cũng không sao, chỉ mong nó thi đậu, sau này đời nó sẽ không phải khổ như mình…”, cô Nga tâm sự. Thúy An |