Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn

Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn

Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Để hiểu ý nghĩa cực kỳ to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Tám do Đảng lãnh đạo, không chỉ là việc giành cho được chính quyền, mà giành được chính quyền đã khó, nhưng Đảng lãnh đạo giữ cho được chính quyền lại càng khó hơn.

Những tân thạc sĩ ĐH Sư phạm TPHCM năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Những tân thạc sĩ ĐH Sư phạm TPHCM năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Cách mạng Tháng Tám không phải là một cuộc khởi nghĩa, mà là một cuộc tổng khởi nghĩa do Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phát động từ đêm 13-8-1945. Tổng khởi nghĩa gồm nhiều cuộc khởi nghĩa. Ở Nam kỳ, từ ngày 24-8-1945 - 28-8-1945 các tỉnh đều lần lượt khởi nghĩa.

Về tầm quan trọng nói riêng về cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, tiếp theo khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám là một cuộc tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội - Huế - Sài Gòn” (Lê Duẩn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tập II, Nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội 1976, trang 649).

Theo báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam hồi tháng 2-1951, nói về thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới mười lăm tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 18 và 19).

Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám nhằm giành cho được chính quyền gắn với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phải tính mở đầu từ đêm 13-8-1945 và kết thúc vào lúc Đảng đã nắm chính quyền toàn quốc, tức là vào ngày 2-9-1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời”.

Mục tiêu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tập trung sức thực hiện cho được 6 chữ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Giành độc lập cho dân tộc, Đảng trở thành đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền để phát huy quyền làm chủ của dân, để mưu cầu cuộc sống tự do hạnh phúc cho dân.

Để hiểu ý nghĩa cực kỳ to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Tám do Đảng lãnh đạo, không chỉ là việc giành cho được chính quyền, mà giành được chính quyền đã khó, nhưng Đảng lãnh đạo giữ cho được chính quyền lại càng khó hơn.

Vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động liên kết với nhau, bao vây chống phá quyết liệt. Với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật, các đội hùng mạnh đã dồn dập kéo vào Việt Nam.

Ở miền Bắc, khoảng 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch lũ lượt kéo vào đóng ở Hà Nội và hầu hết các thành phố, thị xã từ biên giới Việt - Trung đến vĩ tuyến 16. Quân của Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam cũng nhằm thực hiện ý đồ tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, phá tan Mặt trận Việt Minh, giúp bọn phản cách mạng Việt Nam sống lưu vong ở Trung Quốc như bọn Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội) đánh đổ chính quyền nhân dân, lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng.

Ở miền Nam, ngoài việc lấy danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào, quân đội Anh còn đồng lõa và giúp cho thực dân quay lại xâm lược nước ta lần nữa.

Ngoài lực lượng của quân Tưởng, Anh, Pháp, trên đất nước ta khi ấy còn khoảng 6 vạn quân Nhật. Trong lúc chờ giải pháp, một bộ phận của quân đội Nhật đã được quân Anh sử dụng đánh vào lực lượng vũ trang của ta, mở đường cho quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn và nhiều vùng miền Nam.

Trong lúc đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được một nước nào trên thế giới công nhận - khối đại đoàn kết thống nhất trong mặt trận dân tộc thống nhất và cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền đang còn phải củng cố - lực lượng vũ trang cách mạng còn non trẻ, trang bị kém, thiếu thốn mọi bề, kinh nghiệm chiến đấu còn quá ít. Nền kinh tế của đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu, đã bị kiệt quệ nặng nề. Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay của tư bản Pháp, có quyền việc phát hành giấy bạc để gây rối về tiền tệ. Quân Tưởng còn tung đồng “quan kim” và “quốc tế” của chúng ra thị trường làm lũng đoạn nặng nề nền tài chính của ta… Giặc ngoài, thù trong, khó khăn chồng chất khó khăn, đặt chính quyền cách mạng trước một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ấy thế mà, Đảng và Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã xác định đúng cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Kẻ thù của chúng ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là:

- Củng cố chính quyền cách mạng;

- Chống thực dân Pháp xâm lược;

- Bài trừ nội phản;

- Cải thiện đời sống nhân dân;

- Khẩu hiệu chiến lược là “Kháng chiến và kiến quốc”.

Tìm mọi cách nhân nhượng để giữ cho được hòa bình, đến khi, càng nhân nhượng địch càng lấn tới mới kêu gọi toàn dân kháng chiến. Quyết tâm bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã lãnh đạo dân ta đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ 30 năm. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đạt được thành quả to lớn. Vấn đề có ý nghĩa lịch sử quan trọng hàng đầu của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là Đảng đã lãnh đạo giành được chính quyền và trải qua 68 năm có Đảng lãnh đạo đã giữ được chính quyền. Nhưng đã giữ vững được chưa, thì cần phải lo. Đặc biệt còn lo nguy cơ tự diễn biến, làm cho Đảng vẫn mang tên là Đảng Cộng sản, có vỏ vẫn đỏ nhưng ruột vàng, cán bộ đảng viên ngày càng có nhiều người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thiết thực kỷ niệm 68 năm cuộc Cách mạng Tháng Tám, mỗi chúng ta cần tìm hiểu đúng về cuộc Cách mạng Tháng Tám, góp sức với Đảng đẩy lùi cho được mối lo đó, coi đó không chỉ vì lợi ích chung của cả nước, mà cũng vì lợi ích của chính mình.

TRẦN TRỌNG TÂN

Tin cùng chuyên mục