Giáo dục chuyên nghiệp - Cần một đầu mối quản lý

Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, đã thống nhất hệ thống các trường cao đẳng (CĐ), CĐ nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Tuy lĩnh vực này được hợp nhất nhưng quản lý nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ, chưa quy về một mối khiến dư luận chưa an tâm.
Giáo dục chuyên nghiệp - Cần một đầu mối quản lý

Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, đã thống nhất hệ thống các trường cao đẳng (CĐ), CĐ nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Tuy lĩnh vực này được hợp nhất nhưng quản lý nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ, chưa quy về một mối khiến dư luận chưa an tâm.

Ai quản tốt hơn?

Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng hệ thống dạy nghề ở nước ta không chỉ “kỳ quặc”, mà còn chẳng giống ai khi giao cho hai đầu mối quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH. Do mỗi bộ cát cứ một mảng đã dẫn đến quản lý chồng chéo, nguồn lực đầu tư phân tán và hạ tầng cơ sở thì chia cắt, manh mún. Nhìn tổng thể, số lượng cơ sở đào tạo nghề, giáo dục chuyên nghiệp ở nước ta rất lớn, nhưng chất lượng đào tạo đội ngũ lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật lại thấp, không đáp ứng yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực đạt chất lượng cho thị trường lao động trong và ngoài nước.

Chính vì thế, việc hợp nhất lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, việc đã hợp nhất thành một cơ thể thống nhất nhưng quản lý GDNN “vũ như cẩn” - tiếp tục trực thuộc hai đầu mối quản lý - lại hâm nóng chuyện cũ vốn gây tranh cãi rất nhiều.

Thử làm khảo sát nhỏ ở các trường CĐ, trung cấp cho thấy đơn vị nào trực thuộc bộ chủ quản của mình thì đều muốn giữ nguyên như cũ. Nghĩa là các trường dạy nghề thuộc Bộ LĐTB-XH thì muốn bộ này quản họ. Ngược lại, hầu hết các trường CĐ, TCCN thì lại thích Bộ GD-ĐT quản như cũ.

TS Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn, cho biết: “Tôi ủng hộ chủ trương giao quản lý GDCN về Bộ GD-ĐT bởi lẽ việc quản lý chuyên môn, xây dựng chương trình đào tạo, giám sát, kiểm định chất lượng sẽ chuyên nghiệp, bài bản hơn”. Một số ý kiến khác cũng cho rằng Bộ GD-ĐT đã có sẵn bộ máy, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm, còn chuyển giao thêm các trường CĐ về Bộ LĐTB-XH sẽ phát sinh bộ máy cồng kềnh. Đó là chưa kể nhiều băn khoăn, lo ngại về rào cản liên thông giữa hai bộ đối với việc đào tạo các bậc học, qui định về giáo viên, giảng viên, quản lý chuyên môn… vẫn chưa định hình, ngã ngũ trong thời gian qua.

Sinh viên thực hành nghề cơ khí.

Theo GS-TSKH Nguyễn Minh Đường (Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) và ông Dương Đức Lân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Chính phủ nên giao Bộ GD-ĐT nắm đầu mối quản lý CĐ, CĐ nghề, TCCN và trung cấp nghề. Cùng chung quan điểm này, nhiều hiệu trưởng các trường CĐ đều mong muốn Bộ GD-ĐT quản họ vì tin tưởng về chuyên môn, kinh nghiệm quản lý.

Bức xúc vì Luật GDNN đã thông qua nhưng bỏ ngỏ cơ quan quản lý, 53 trường ĐH, CĐ, trung cấp thuộc Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế - kỹ thuật (ATEC) đã gởi kiến nghị thống nhất giao cho một đầu mối quản lý nhà nước đối với GDNN là Bộ GD-ĐT.

Theo bức xúc của nhiều chuyên gia giáo dục thì việc phân khúc, chia cắt mảng dạy nghề cho hai bộ quản lý đã để lại hệ lụy khó khắc phục và phải sớm thống nhất một đầu mối quản lý. Nếu không xem đây là chuyện cấp bách, tối quan trọng thì chúng ta không bao giờ giải quyết được vấn đề lưu cữu, bàn mãi nhưng không có lối ra như phân luồng học sinh, đào tạo liên thông và quy hoạch mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả.

Không thể chậm trễ

Soi từ thực tiễn và khách quan mà nói thì giao cho bộ nào quản lý GDNN đều có những mặt thuận lợi, khó khăn và hạn chế riêng. Nhìn lại quá trình quản lý lĩnh vực dạy nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật cho thấy số phận “lênh đênh” của Tổng cục Dạy nghề. Bởi lẽ, lúc thì nó thuộc Bộ Lao động, khi trực thuộc Chính phủ, rồi lại đưa về Bộ Đại học - Trung cấp Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và cuối cùng quay về Bộ LĐTB-XH cho đến nay. “Trải qua những thăng trầm, bể dâu, Tổng cục Dạy nghề đã có thời kỳ vàng son nhất khi trực thuộc Chính phủ vào giữa những năm 1980” - Đó là nhận định của một số chuyên gia giáo dục.

Tuy nhiên, số phận của nó ổn định hay tiếp tục bị đưa về đâu thì chưa có hồi kết. Để đánh giá đúng vai trò quản lý, năng lực điều hành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo công nhân kỹ thuật thì cần có cái nhìn tổng thể, đánh giá kỹ về nguồn lực, hiệu quả đầu tư, chất lượng đào tạo của từng giai đoạn. Từ đó mới đưa ra những khuyến nghị mang tính khoa học, thực tiễn về quản lý GDNN hiệu quả.

Trong tình hình đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập nhanh với quốc tế, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, kỹ thuật đạt chuẩn ngày một cấp thiết. Vì thế, quy hoạch phát triển hệ thống GDNN đạt chuẩn, tạo nguồn nhân lực có nghề, trình độ kỹ thuật, kỹ năng thành thục sẽ góp phần tạo giá trị gia tăng lớn cho xã hội. Việc sát nhập, hợp nhất hệ thống GDNN này thành một khối thống nhất là đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của xã hội. Vấn đề là chọn bộ nào đủ năng lực quản lý nhà nước để cầm cương hệ thống này và phát huy sức mạnh, tiềm lực sẵn có vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn.

Theo kiến nghị của ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TPHCM (đang đề nghị đổi tên thành Hội GDNN TPHCM), để chọn một đầu mối quản lý nhà nước phù hợp nhất thì phải xem xét vai trò, năng lực điều hành, quản lý của cơ quan đó. Cần phải có quan điểm rõ ràng, dựa trên bản chất của hoạt động này chứ không nên “ép duyên” theo mệnh lệnh hành chính và gắn ghép với ai cũng được. Ông Thành cho rằng “nếu tiếp tục giao về Bộ LĐTB-XH là “ép duyên” và đồng tình với phương án nên thành lập Bộ ĐH và GDNN để thống nhất quản lý và gắn kết liên thông lĩnh vực GDNN.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, thực chất giao cho bộ nào cũng có bất ổn, hạn chế. Vì thế nên thành lập một cơ quan riêng trực thuộc Chính phủ và gộp chung Tổng cục Dạy nghề, mảng giáo dục chuyên nghiệp làm một. Như thế ít gây xáo trộn, “mếch lòng” bộ nào và tổng hợp được sức mạnh, nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng sẵn có. Từ một đầu mối quản lý này, chúng ta có cơ sở để quy hoạch, chuẩn hóa mạng lưới GDNN, loại bỏ bớt những cơ sở, trường đào tạo nghề yếu kém, không đạt chất lượng và tập trung đầu tư cho những thương hiệu đào tạo - dạy nghề bài bản, chất lượng cao.

Có như thế chúng ta mới tự tin gia nhập cộng đồng ASEAN và đủ năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề vững chắc như mục tiêu đặt ra.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục